Thành công của Hoàng Hữu Quốc Huy, cậu học trò tỉnh lẻ đã xuất sắc đoạt giải quán quân Olympic Toán quốc tế (IMO) cùng hai thí sinh người Iran, Nhật Bản khiến nhiều người bất ngờ.
Theo dõi thành phần đội tuyển Việt Nam dự thi toán quốc tế những năm gần đây, chúng ta có thể thấy vùng địa lý của đội tuyển trải rất đều chứ không chỉ tập trung ở các trường đại học hay các tỉnh có truyền thống.
Thầy "ảo" trên mạng
Đến nay, ngày càng nhiều tỉnh ra nhập vào danh sách có học sinh dự thi Olympic Toán quốc tế. Năm 2011 là Võ Văn Huy của Phú Yên (lần đầu tiên), năm 2014 có Trần Hồng Quân của Thái Bình (lần đầu tiên sau 14 năm gián đoạn), năm 2015 có Hoàng Anh Tài của Nghệ An (lần đầu tiên sau 18 năm gián đoạn), năm 2016 là Lê Nhật Hoàng của Bình Định (lần đầu tiên) và năm 2017 có Hoàng Hữu Quốc Huy của Bà Rịa - Vũng Tàu (lần đầu tiên).
|
Bà Lê Thị Hương xúc động khi đón con trai trở về Việt Nam. Huy là thí sinh giành điểm cao nhất kỳ thi Toán quốc tế lần này, cùng với hai bạn nước ngoài khác. Ảnh: Hải An |
Chúng ta có thể lý giải điều này như thế nào? Tại sao trước đây, thành phần đội tuyển thường chỉ tập trung ở các trường đại học, Hà Nội và các tỉnh lân cận, còn bây giờ thì trải rộng ra toàn quốc?
Chắc chắn là có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, một trong những lý do quan trọng là sự xuất hiện của Internet.
Có 3 yếu tố quan trọng tạo nên thành công trong học tập, đó là tài liệu tốt (điều này đặc biệt quan trọng đối với luyện thi Olympic), thầy hướng dẫn giỏi, tận tâm và cuối cùng là có khả năng tự học, nghiên cứu.
Trước đây, tài liệu, sách vở luôn là vấn đề lớn đối với các thầy cô giáo, học sinh ở tỉnh lẻ. Tất cả chỉ trông chờ vào tạp chí Toán học và Tuổi trẻ cùng một vài cuốn sách toán.
Những điều gì đã viết thành sách thì thường rất kinh điển, căn bản nhưng chắc chắn không mới, Trong khi với Toán Olympic, ngoài việc nắm bắt kiến thức nền tảng và các bài toán kinh điển, học sinh rất cần nắm bắt, làm quen những hướng đi, cách đặt vấn đề mới.
Cái đó thì không đâu có ngoại trừ các thầy ở Hà Nội, với nhiều cơ hội tiếp xúc những tạp chí quốc tế về toán phổ thông như Kvant, AMM, Delta, Komal, hay "Short List" của những kỳ thi IMO, "booklets" của các đội tuyển.
Năm 1995, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập khối chuyên toán A0, một cuốn tuyển tập "Short List" của các năm đã được xuất bản. Tuy chỉ là bản photo có đóng bìa và dịch phần đề, đó đã là tài liệu vô cùng quý giá thời đó.
Tình hình đã dần thay đổi khi Internet xuất hiện. Đầu tiên đó mới chỉ là phương tiện trao đổi thông tin tiện lợi, nháy mắt một cái là có thể gửi file qua cho bạn hay nhận được tài liệu từ người khác. Tiếp theo là công cụ tìm kiếm và kho tư liệu khổng lồ trên Internet luôn được cập nhật mỗi ngày.
Những "Short List" IMO hay đề thi đội tuyển của các nước đã không còn là hàng hiếm như trước. Chúng ta có thể dễ dàng tìm được các "Collection" như vậy trên Internet khi gõ vào từ khóa Mathematical Olympiad Problems.
Thế giới phẳng xóa nhòa khoảng cách
Từ những năm 2002-2005, hàng loạt diễn đàn toán học trong và ngoài nước ra đời, giúp học sinh, thầy cô giáo có cơ hội không chỉ trao đổi các đề toán mà còn là cách giải, hướng suy nghĩ, mở rộng vấn đề, đặt ra các câu hỏi mới. Nổi bật nhất trong số đó có thể kể đến Mathlinks.ro và Artofproblemsolving.com (hiện nay hai diễn đàn này đã sáp nhập với nhau). Việt Nam có Diendantoanhoc.net và Mathscope.org.
Không dừng lại ở đó, Internet còn cung cấp các phương thức giao tiếp 1-1 hoặc giao tiếp nhóm rất thuận lợi như Yahoo Messenger, Skype và bây giờ là Facebook (tôi chỉ kể các công cụ phổ dụng nhất, không kể đến các công cụ chuyên biệt hơn).
Học sinh, nếu biết cách đặt câu hỏi, biết cách nhờ giúp đỡ có thể sẽ nhận được những lời chỉ dẫn của thầy giáo từ nơi xa.
Như vậy, nếu có khả năng tự học, với công cụ Internet trong tay, học sinh tỉnh lẻ đã có thể tiếp cận tài liệu, bài toán mà các bạn cần. Có một vấn đề khó là phải biết chọn lọc những cái tinh túy, phù hợp với mục tiêu hiện tại của mình nhất.
Công việc này rất cần có sự tư vấn, trao đổi của những người bạn và đặc biệt là của những người thầy.
Với Internet, những người bạn, người thầy đó có thể ở ngay bên cạnh bạn, cùng trường, cùng lớp với bạn (đó luôn là những người có ảnh hưởng lớn nhất) nhưng cũng có thể là ở thành phố khác, nước khác.
Internet làm thế giới phẳng lại. Làm khoảng cách như bị xóa nhòa.
TS Trần Nam Dũng từng là học sinh chuyên Toán trường Trung học Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng. Ông đoạt huy chương bạc Olympic Toán quốc tế năm 1983 tại Paris, Pháp.
Sau đó, Trần Nam Dũng sang Nga học đại học và làm nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Matxkva mang tên Lomonosov.
Khi về nước, thầy giảng dạy tại khoa Toán - Tin, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM và trường Phổ thông năng khiếu.