|
Ảnh minh họa. |
Bến xe Miền Đông quy định, TP.HCM đi các tuyến từ Phú Yên trở ra các tỉnh phía Bắc và các tuyến thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum; các tuyến thuộc tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng; các tuyến thuộc tỉnh Bình Thuận áp dụng mức phụ thu từ 20-60% tùy theo từng thời điểm.
Không biết các nhà xe có nhòm ngó gì đến quy định này? Bình thường xe giường nằm từ TP.HCM đi các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế chỉ khoảng 500 nghìn đồng, bao cơm, Nhưng dịp tết vé xe bị đẩy lên 1,2 – 1,3 triệu đồng. Mức tăng trên 100%! Sao không thấy cơ quan chức năng vào cuộc?
Vé tàu cũng không ngoại lệ, rất nhiều mức giá trên trang web của Tổng công ty đường sắt Việt Nam, từ tháng 12 âm lịch vé đã được bán hết qua hệ thống nhưng nếu “biết cách” có thể mua vé bất cứ khi nào, chỉ cần mạnh chi thêm vài trăm nghìn đồng tiền “cò”.
Người viết đến ga tàu trả vé, sau một hồi đối đáp với cô nhân viên bán vé có thái độ nhát gừng về mức trừ 30% cho mỗi vé trả, chả bõ bèn gì mấy trăm nghìn nhưng rất khó thông lỗ tai về cái cách giải thích thiếu tính cạnh tranh cho khách hàng.
Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết tính đến cuối tháng 1/2018 vẫn còn hơn 56.000 vé tàu Tết, chủ yếu là vé đi sau Tết, với gần 49.000 chỗ. Riêng giai đoạn trước Tết, vé chỉ còn trong ngày 29 và trước 23 với khoảng 7.600 chỗ có ga đi Sài Gòn, Biên Hòa và ga đến từ Nha Trang tới Hà Nội.
Tuy nhiên, không biết hàng chục ngàn vé này bán ở đâu, “chủ yếu là vé đi sau tết” có nghĩa là vẫn còn vé đi trước tết trong khi đó giao diện bán vé trực tuyến của Đường sắt Việt Nam đã “full” từ mấy tháng trước, túc trực ngày đêm trên mạng không mua được vé, còn đến ga chỉ nhận được cái lắc đầu. Hết sạch rồi em ơi!
Vé xe, tàu tết vẫn là nỗi ám ảnh của người lao động nghèo, tầng lớp trung bình, đã có quy định mức trần tăng nhưng mọi thứ dường như thả nổi theo thời cuộc, người ta lợi dụng mấy ngày tết để chặt chém không thường tiếc. Thanh kiểm tra vé tàu xe tết có quá khó đến mức không thể làm!?
Mặc dù tăng giá nhưng chất lượng phục vụ còn tệ hơn ngày bình thường. Đi tàu tết là nỗi kinh hoàng của nhiều người. Một khung cảnh la liệt từ ghế ngồi đến nhà vệ sinh. Vé được đánh số nhưng càng đi qua nhiều ga càng thấy con số chỉ mang tính chất trấn an khách hàng lúc mua vé.
Ghế chính còn dạt xuống gầm bàn, còn ghế phụ coi như tiêu tùng, mà đâu có rẻ, từ Long Khánh đi Đông Hà cũng mất 700-800 nghìn đồng. Ai cũng sốt sắng về nhà nên tự bảo mình gắng thêm chút nữa, chút nữa. Bao nhiêu năm qua phong cách phục vụ hành khách đi tàu tết vẫn thế, không biết những đoàn tàu hạng sang thế nào.
Về nguyên tắc, khách hàng có thể khiếu nại với những người điều hành chuyến tàu về tình trạng “mất ghế”, muốn hay không nhà tàu phải bố trí khách hàng ngồi đúng số ghế ghi trên vé, nếu vì lý do nào đó phải chuyển chỗ, những người có chức trách phải thương lượng với khách hàng, nếu không đủ ghế phải bồi thường.
Đằng này, họ để mọi thứ diễn ra một cách tự phát, mạnh ai nấy được, họ khiến “thượng đế” bò lăn bò lóc từ gầm ghế ra tới nhà vệ sinh, rục rã ngay mối nối giữa hai toa tàu… nhỡ có mệnh hệ gì nhà tàu có chịu trách nhiệm hay “sống chết mặc bay”.