LTS:Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu phần 2 bài viết của TS Khuất Việt Hùng xung quanh những giải pháp căn cơ cần thực hiện để nâng cao an toàn giao thông sau vụ tai nạn nghiêm trọng xe container tông chết 4 người tại Long An vừa qua.
Vụ tai nạn giao thông tại Long An đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong hai ngày qua. Báo VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Khuất Việt Hùng, chuyên gia GTVT, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Việt Nam về vấn đề này.
Kết cấu hạ tầng giao thông an toàn hơn, tổ chức giao thông hợp lý
Trong nhiều vụ TNGT, kết luận về nguyên nhân phần lớn lỗi là do lái xe, do yếu tố con người. Điều đó đúng nhưng chưa đầy đủ. Một hệ thống kết cấu tốt có thể hạn chế rất nhiều va chạm và tránh được các TNGT. Các phương tiện cơ giới có tính năng kỹ thuật khác nhau, tốc độ khác nhau, khối lượng khác nhau - mà ở đây cụ thể là ô tô và xe máy, lưu thông trên cùng một phần đường, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Điều này cho thấy việc phân làn rõ ràng với ô tô và xe máy là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, không chỉ có thế giới khuyến cáo, mà ngay trong Chiến lược quốc gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu trên quốc lộ, (và ở tất cả những nơi có thể làm được làn riêng cho xe máy) thì cần phải khẩn trương xây dựng làn đường dành riêng cho xe mô tô, xe gắn máy.
Việc tổ chức giao thông hợp lý cũng hết sức quan trọng. Chẳng hạn, như việc lắp đặt cưỡng bức các gờ giảm tốc trên quốc lộ trước các nút đèn tín hiệu để kiểm soát tốc độ của ô tô khi đi qua những khu vực có nhiều người đi bộ và phương tiện dễ bị tổn thương như xe máy.
Khi đã phân làn cho xe máy thì cần đảm bảo duy tu, duy trì điều kiện mặt đường ở phần làn đường dành cho xe máy sạch sẽ, không bị đọng nước hay chướng ngại vật, có sơn kẻ báo hiệu làn đường một cách rõ ràng cho từng loại phương tiện và luôn phải có cưỡng chế thực thi…
Ngày nay quan điểm hiện đại đã thừa nhận con người không phải là cái máy và có thể mắc lỗi trong điều khiển xe cơ giới. Bởi vậy cần thiết kế những hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có khả năng chấp nhận những lỗi nhất định mà không gây ra tai nạn.
Người lái an toàn hơn
Nguyên lý hết sức cơ bản là các phương tiện khác nhau đòi hỏi người lái có kỹ năng, kiến thức và năng lực tổng hợp khác nhau. Các xe tải lớn, xe container luôn được xếp vào các phương tiện có rủi ro gây TNGT lớn do tải trọng lớn. Bởi vậy các yêu cầu về mặt kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là kinh nghiệm và lịch sử lái xe an toàn với tài xế lái loại xe này phải hết sức khắt khe thay vì chỉ có một tấm bằng F hoặc FC như hiện nay.
Một thực tế là xe máy đang tồn tại như một phương tiện đi lại của phần lớn người dân, trong điều kiện của Việt Nam dân cư sinh sống bám theo quốc lộ khiến các đường quốc lộ trở thành các đường phố khổng lồ. Bởi vậy vấn đề đặc biệt quan trọng là việc thường xuyên liên tục trang bị kiến thức, kỹ năng cho người đi xe máy.
|
Cần nhiều giải pháp sau vụ tai nạn kinh hoàng ở Long An. Ảnh: Như Sỹ |
Thực tế, trong nhiều trường hợp, ở nhiều tuyến đường dù có làn đường riêng nhưng người đi xe máy vẫn đi sang làn đường dành cho xe ôtô. Cách đây 20 năm, xe máy là phương tiện đi lại cơ bản, vì thời điểm đó rất ít ôtô nên người đi xe máy tương đối an toàn khi tham gia giao thông lể cả trên quốc lộ.
Tuy nhiên, hiện nay khi vị thế của người đi xe máy trong dòng giao thông đã thay đổi, xe ôtô tăng lên rất nhiều, vì vậy rủi ro đối với người đi xe máy khác hẳn trước đây. Người đi xe máy cần phải nhận thức được điều này. Vì vậy, kể cả trong trường hợp không có làn đường riêng, thì người đi xe máy cũng phải chủ động đi sát vào lề đường bên phải, nhường không gian giữa đường cho xe ôtô.
Về nguyên tắc cũng cần tăng cường kiến thức và kỹ năng cho người lái ô tô nói chung để họ hiểu được tâm lý và hành vi của người đi xe máy, qua đó chủ động có những biện pháp phòng tránh hiệu quả khi thấy xe máy trên đường.
Nâng cao tính năng an toàn về phương tiện
Yếu tố phương tiện là một trong năm trụ cột có ảnh hưởng tới ATGT mà Liên hợp Quốc đã xác định. Mặc dù tỷ lệ nguyên nhân các vụ TNGT liên quan tới an toàn kỹ thuật phương tiện hiện nay khá thấp, nhưng vẫn luôn cần nghiên cứu đề xuất các tiêu chuẩn quy chuẩn có tính năng an toàn cao hơn, như khả năng cảnh báo điểm mù, camera lùi, hệ thống phanh ABS, hệ thống đèn nhận diện ban ngày AHO hoặc DRL... Ngoài ra cần tiếp tục hoàn thiện các giải pháp quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giữa hai kỳ đăng kiểm, hiện nay vốn là một khâu còn nhiều bất cập.
Những vấn đề quy hoạch vĩ mô
Hiện nay hệ thống vận tải đang quá phụ thuộc vào đường bộ vốn là phương thức vận tải có chỉ số an toàn thấp nhất trong số 5 phương thức. Trong khi đó các phương thức vận tải có tốc độ cao, sức chở lớn và có hệ số an toàn cao như vận tải đường sắt còn đang rất lép vế.
Những vấn đề liên quan tới an toàn xe tải, xe container sẽ không thể được giải quyết triệt để nếu phần lớn hàng hóa vẫn được vận chuyển trên đường bộ trong khi đáng ra phải bằng đường sắt. Một tuyến đường sắt từ các khu công nghiệp Bình Dương kết nối thẳng tới các cảng biển TP.HCM sẽ giải quyết cơ bản vấn đề ùn tắc, TNGT và ô nhiễm môi trường do xác xe tải và xe container hiện nay gây ra.
Cách thức cho phép các khu dân cư, phát triển đô thị bám sát các mặt quốc lộ, vi phạm quy định hành lang ATGT đã bộc lộ rất nhiều bất cập, đỏi hòi phải có những thiết chế, hướng dẫn để điều chỉnh nhằm hướng tới một mô hình sử dụng đất và phát triển đô thị hợp lý và an toàn hơn.
Phát huy vai trò của người dân
Việc tăng cường vai trò, sự giám sát của người dân, thu nhận và xử lý kịp thời các thông tin phản hồi của người dân với các vấn đề về ATGT hiện đang trở nên ngày càng quan trọng. Các đường dây nóng tại địa phương nếu được thiết kế vận hành hợp lý sẽ là trong những giải pháp rất hữu hiệu.
Cùng với đó, việc đông đảo người dân quan tâm, lên tiếng, đòi hỏi một hệ thống giao thông an toàn hơn sẽ là một động lực rất tốt để thúc đẩy các chương trình, chiến lược, mục tiêu quốc gia về ATGT.
Tác động của các giải pháp
Có quan điểm quan ngại liệu từ một vụ TNGT nếu siết chặt những chính sách lớn tác động đến hàng trăm nghìn lái xe kinh doanh trên toàn quốc có gây ra những cản trở cho quá trình phát triển kinh tế xã hội và khó khăn cho doanh nghiệp? Câu trả lời là hoàn toàn không.
Việc tiếp cận phân tích một vụ việc cụ thể nhưng để tìm ra những vấn đề mang tính phổ biến, qua đó điều chỉnh chính sách là hoàn toàn hợp lý. Điều này không những ngăn ngừa được nhiều TNGT tương tự, mà còn đóng góp rất lớn vào quá trình tăng trưởng kinh tế. Hiện nay TNGT đang lấy đi 3% GDP, tương đương xấp xỉ 6 tỷ USD mỗi năm của người dân Việt Nam.
Đây là thời điểm vào cuộc quyết liệt để tổng kiểm tra sức khỏe các lái xe kinh doanh vận tải, xây dựng hệ dữ liệu quốc gia về sức khỏe và lịch sử vi phạm trật tự ATGT để quản lý hiệu quả lực lượng lao động này.
Có thể thấy từ một vụ TNGT liên quan tới xe container và xe máy vừa qua, có rất nhiều giải pháp cần phải được xem xét thực hiện. Việc thực hiện các giải pháp này không chỉ nâng cao ATGT cho xe máy và xe container trên quốc lộ, mà còn giúp nâng cao ATGT trên toàn quốc, góp phần đắc lực vào tăng trưởng kinh tế, xây dựng một xã hội phát triển bền vững.
TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Việt Nam