Hôm nay (17/8), TAND cấp cao tại TP HCM tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án Giết người, Cướp của diễn ra tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Bình Phước vào rạng sáng 7/7/2015 làm 6 nạn nhân tử vong.
Sau phiên tòa sơ thẩm vào cuối năm 2015, bị cáo Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại làm đơn kháng cáo, gia đình nạn nhân cũng đề nghị cơ quan điều tra làm rõ động cơ, tội phạm của bà Trần Thị Trinh (31 tuổi) dì ruột của bị cáo Nguyễn Hải Dương.
"Hành động của Tiến là hết sức man rợ"
Đến dự phiên tòa phúc thẩm, luật sư Lê Văn Nam bào chữa cho bị cáo Vũ Văn Tiến đã đưa ra nhiều lập luận, mong HĐXX giảm nhẹ tội cho thân chủ. Luật sư Nam cho rằng hình phạt mà tòa sơ thẩm tuyên Tiến tử hình chưa xem xét khách quan toàn diện, chưa xem xét thấu tình đạt lý để Tiến hưởng các chính sách khoan hồng.
Luật sư Nam nói có 5 vấn đề mấu chốt tòa chưa xem xét. Thứ nhất tòa sơ thẩm không quan tâm xem xét yếu tố Tiến phạm tội vì bị đe dọa cưỡng bức tinh thần. Thứ hai chưa xem xét mức độ tính chất giữa người chủ mưu cầm đầu với người buộc phải thực hiện. Thứ ba là tòa áp dụng hình phạt định khung tăng nặng không phù hợp.
Tiếp theo là tòa chưa thật sự lưu tâm cân nhắc khi lượng hình, áp dụng hình phạt cao nhất là chưa phù hợp. Cuối cùng là tòa chưa xem xét tính nhân văn khoan hồng của pháp luật. Bản án tử hình là chưa phù hợp, chỉ nên áp dụng tù chung thân đã đủ sức răn đe, nhằm thể hiện tính nhân văn của pháp luật.
|
Bị cáo Vũ Văn Tiến tại phiên tòa phúc thẩm ngày 18/7. Ảnh: Lê Quân.
|
Tranh luận lại ý kiến của Luật sư Nam, đại diện VKSND cấp cao cho rằng bị cáo Tiến siết cổ để Dương đâm nhiều nhát vào 6 nạn nhân gia đình ông Mỹ. Trong đó có cháu Vỹ, Tố Như không có tiền nhưng hung thủ vẫn cố giết. Như vậy, bị cáo quá coi thường, man rợ, giết người vô cớ và đây là tình tiết phạm tội mang tính chất côn đồ.
Theo VKS, phiên tòa sơ thẩm cho thấy, bản án đã đánh giá rõ vai trò từng người. Dương là kẻ tổ chức cầm đầu, trực tiếp ra tay sát hại các nạn nhân. Tiến là người giúp sức đắc lực. Các tình tiết giảm nhẹ, án sơ thẩm đã xem xét tính nhân đạo, VKS không tranh luận thêm.
"Tiến có các tình tiết giảm nhẹ vì bị Dương lôi kéo khống chế, có 5 lần nói với Dương là đi về, không tiếp tục nữa. Tuy nhiên, Tiến chỉ dừng lại ở lời nói chứ không dừng lại ở hành động. Trong quá trình phạm tội, Tiến có nhiều cơ hội để về, bỏ chạy nhưng không làm, cho thấy bị cáo có cùng ý chí với Dương trong việc giết người. Không có căn cứ thể hiện Tiến bị Dương đe dọa khống chế. Cấp sơ thẩm đã xử đúng người đúng tội. Tuy nhiên vẫn có cơ hội cho Tiến vì bị cáo đã gửi thư cho Chủ tịch nước xin tha tội chết", đại diện VKS nói.
Luật sư Nam vẫn cảm thấy không thuyết phục trước ý kiến của đại diện VKS, ông Nam nói: "Nếu bị cáo Tiến bị tuyên tử hình thì chết phải tâm phục khẩu phục. Nhưng đằng này Tiến chết sẽ ức, vì HĐXX không làm rõ những tình tiết giảm nhẹ.
Sau khi nghị án, chủ tọa Nguyễn Hữu Ba phát biểu, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xuất phát từ thù tức chuyện ngăn cản chuyện tình cảm mà Dương cùng đồng phạm đã trói, bịt miệng, xiết cổ rồi dùng dao đoạt tính mạng của nạn nhân.
Trong vụ án này, Dương là người chủ mưu và trực tiếp ra tay sát hại. Tiến là đồng phạm tích cực của Dương để tước đoạt mạng sống của 6 người để cướp tài sản. Hành vi của Tiến là quá tàn ác, dã man. Tại phiên phúc thẩm này, Tiến không có tình tiết giảm nhẹ nào. Nên Tòa phúc thẩm tuyên y án đối với bị cáo Vũ Văn Tiến tội tử hình.
Bà Trinh không hề biết hành vi của Dương
Sau khi phiên tòa sơ thẩm, ông Nguyễn Dinh (bố của chị Nguyễn Thị Ánh Nga - một trong 6 nạn nhân bị Dương giết) cho rằng người phụ nữ này đã tiếp sức cho Dương gây án. Vì lý do đó, ông đã làm đơn kháng cáo, yêu cầu tòa làm rõ vai trò của bà Trinh.
Trong buổi xét xử sơ thẩm vụ thảm sát ở Bình Phước ngày hôm nay, mở đầu phiên tòa, Chủ tọa Nguyễn Hữu Ba thông báo về việc bà Trinh vắng mặt. Theo đại diện VKS, trường hợp vắng mặt của bà Trinh không thuộc trường hợp phải hoãn phiên tòa.
Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho bị cáo Tiến cho rằng việc tham gia của bà Trinh là cần thiết để xác minh thông tin về mối quan hệ giữa Dương và Tiến. Luật sư cũng cho rằng bà Trinh bị người bị hại kháng cáo xem xét trách nhiệm hình sự nên nếu bà Trinh vắng mặt thì cần hoãn phiên tòa.
|
Bà Trần Thị Trinh (31 tuổi) dì ruột của bị cáo Nguyễn Hải Dương tại phiên tòa sơ thẩm cuối năm 2015 tại Bình Phước. Ảnh: H.A.
|
Sau khi hội ý xem xét kiến nghị của luật sư, HĐXX cho rằng tuy bà Trinh có vắng mặt nhưng việc này không cần thiết phải hoãn phiên tòa, phiên xử vẫn tiếp tục tiến hành. Trong quá trình xét xử nếu có vấn đề gì phát sinh, HĐXX sẽ có kiến nghị trực tiếp.
Tại phiên tòa phúc thẩm, VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của gia đình bị hại về việc yêu cầu xem xét trách nhiệm hình sự của bà Trần Thị Trinh (31 tuổi), dì của Nguyễn Hải Dương, người đã cho Nguyễn Hải Dương mượn xe gắn máy để thực hiện hành vi phạm tội. Theo VKS, bà Trinh không hề biết trước kế hoạch giết người của Dương
Sau khi nghị án, chủ tọa Nguyễn Hữu Ba cũng đã bác kháng cáo của gia đình bị hại đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của bà Trần Thị Trinh bởi bà Trinh hoàn toàn không biết gì về việc làm của Nguyễn Hải Dương.
Theo nội dung vụ án, sáng 5/7/2015, Dương cùng Trần Đình Thoại đến nhà ông Mỹ với mục đích giết người cướp tài sản nhưng thất bại. Sau đó Thoại không đi nữa nhưng vẫn mua dao giúp Dương gây án.
Đến rạng sáng 7/7/2015, Dương cùng Tiến từ Hóc Môn xuống Bình Phước, sau đó đột nhập vào căn biệt thự của ông Lê Văn Mỹ (cha của chị Linh ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước). Tại đây Tiến siết cổ, khống chế 6 nạn nhân để Dương ra tay sát hại. Sau khi gây án cả 2 còn lấy đi tiền và một số tài sản trị giá gần 50 triệu đồng.
Ngày 17/7/2015, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, lưu động và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến án tử hình, Trần Đình Thoại 16 năm tù về 2 tội danh Giết người và Cướp tài sản.
Chiều 18/7, HĐXX Tòa phúc thẩm tuyên y án, giữ nguyên mức án dành cho các bị cáo và bác đơn yêu cầu của người nhà bị hại về xem xét trách nhiệm của bà Trần Thị Trinh.