Từ tội “Cố ý gây thương tích” thành "Giết người", bị cáo kêu oan

Google News

Hội đồng thẩm phán TAND tối cao chưa có văn bản nào để hướng dẫn các Tòa án địa phương định tội danh trong vụ việc trên. Mặt khác, rà soát các bản án lệ cũng chưa có bản án nào có giá trị tham khảo.

Xử lý thiếu nhất quán
Như đã thông tin đến bạn đọc qua bài viết: “Gây thương tích 17% bị truy tố tội Giết người, bị can khẩn thiết kêu oan”, phản ánh về một vụ án xảy ra trên địa bàn huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Xuất phát từ sự ghen tuông mù quáng, Nguyễn Văn Quỳnh (SN 1986, trú tạị số 2, ngõ 15 Nguyễn Sĩ Cố, Cẩm Khê A, phường Tứ Minh, Tp. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) đã dùng dao gọt hoa quả và dao thái rau lấy từ bếp nhà bố mẹ vợ chém vợ và bạn đồng nghiệp của vợ gây ra tổn thương cho các nạn nhân lần lượt là 9% và 17%.
Quá trình giải quyết vụ án, ban đầu CQCSĐT Công an huyện Ninh Giang cũng như VKSND huyện Ninh Giang đã quy kết Quỳnh phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 134 BLHS. Tới giai đoạn xét xử sơ thẩm, TAND huyện Ninh Giang lại có quan điểm cho rằng hành vi mà Quỳnh đã thực hiện là hành vi của tội “Giết người”.
Trên cơ sở này, TAND huyện Ninh Giang đã ban hành quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra Quỳnh về tội “Giết người”. Vụ án sau đó được chuyển thẩm quyền điều tra cho CQĐT Công an tỉnh Hải Dương.
Kết thúc giai đoạn truy tố, VKSND tỉnh Hải Dương đã ban hành bản cáo trạng quy kết Quỳnh về tội “Giết người” với hai tình tiết định khung tăng nặng là có tính chất côn đồ và giết hai người trở lên. Đối mặt với một tội danh đặc biệt nghiêm trọng, bị can và gia đình đã làm và gửi nhiều đơn kêu oan. Ngày 28/1/2021 tới đây, TAND tỉnh Hải Dương sẽ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
Có thể thấy rằng các vụ án mà bị can, bị cáo dùng hung khí tấn công, gây ra thương tích cho nạn nhân là một loại án xảy rất phổ biến. Và thực tế, do không có hậu quả chết người xảy ra nên phần lớn các bị can, bị cáo chỉ bị quy kết phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Một phần nhỏ bị quy kết phạm tội “Giết người” (giết người chưa đạt).
Tu toi “Co y gay thuong tich” thanh
 Nơi xảy ra vụ án
Đặc biệt hơn nữa có nhiều địa phương khi xử lý các án loại này lại rất “bối rối” trong đường lối xử lý. Ban đầu khởi tố, truy tố bị can về tội cố ý gây thương tích nhưng sau lại chuyển tội danh để xử lý về tội giết người. Thậm chí việc chuyển tội danh này còn dựa trên nhận định hết sức máy móc đó là cứ dùng những hung khí nguy hiểm tác động vào vùng trọng yếu của cơ thể nạn nhân thì đó là hành vi “Giết người”. Chính đường lối xử lý thiếu nhất quán như trên đã tạo ra sự thiếu công bằng trong việc áp dụng pháp luật.
Bất cập là vậy, tuy nhiên Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cũng chưa có văn bản nào để hướng dẫn các Tòa án địa phương định tội danh trong trường hợp này. Mặt khác, rà soát các bản án lệ được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành cũng chưa có bản án nào có giá trị tham khảo trong trường hợp này.
"Chuyển tội danh là rất khiên cưỡng"
Tìm hiểu về thực trạng giải quyết các vụ án tương tự, PV đã có các cuộc trao đổi với các chuyên gia pháp lý để có cái nhìn tổng quan.
Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học Bộ Công an cho rằng: “Những vụ án có các quan điểm khác nhau về xác định tội danh của bị can là “Tội cố ý gây thương tích” hay “Giết người” (chưa có hậu quả chết người) là những vụ án mang nặng tính lý luận khoa học luật hình sự về cấu thành tội phạm. Sự khác nhau căn bản trong cấu thành tội phạm để phân biệt hai tội danh trên đó là ý thức chủ quan khi thực hiện hành vi của bị can. Do vậy, việc làm rõ ý thức chủ quan của bị can là vấn đề then chốt để định tội danh chính xác…
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế rằng việc làm rõ ý thức chủ quan của bị can là vô cùng khó khăn. Do vậy, khi không thể xác định được ý thức chủ quan của bị can qua lời khai của bị can, người làm chứng, người liên quan thì cần làm rõ các vấn đề: Thương tích của nạn nhân có ở những vùng nào trên cơ thể? thương tích ngoài da hay là loại thương tích đặc biệt nghiêm trọng (Tổn thương não, đứt cuống tim, thấu phổi…).
Ngoài ra cũng cần đi sâu xem xét về các vấn đề khác như mức độ sát thương của hung khí, động tác cụ thể mà bị can khi sử dụng hung khí..... ra sao. Tổng hợp những vấn đề được làm rõ kể trên mới có thể đưa ra nhận định về ý thức chủ quan của bị can đó là bị can chỉ là muốn gây thương tích cho nan nhân hay có mong muốn cao hơn là phải tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Nếu thực tế thương tích của nạn nhân gánh chịu (ở vùng trọng yếu của cơ thể) chỉ là thương tích ngoài da, tỷ lệ nhỏ mà lại quy kết bị cáo tội giết người thì sẽ vô cùng khiên cưỡng.”
Luật sư Hoàng Tùng, trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa cho biết: “Cố ý gây thương tích và Giết người chưa đạt là các trường hợp phạm tội xảy ra nhiều trong thực tế. Việc thiếu một văn bản hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao khiến cho việc giải quyết ở mỗi địa phương lại có những kết quả khác nhau. Việc áp dụng pháp luật không thống nhất dẫn tới việc không đảm bảo sự công bằng của pháp luật. Với kinh nghiệm hành nghề kết hợp nghiên cứu tìm hiểu về dạng án này, tôi cho rằng trong các yếu tố để quy kết bị can thực hiện hành vi giết người (chưa đạt) thì thương tích của nạn nhân cần phải được xem xét đánh giá đầu tiên. Chỉ có cơ sở vững chắc quy kết bị can thực hiện hành vi giết người nhưng chưa đạt khi thương tích phải là thương tích vùng trọng yếu trên cơ thể và tỷ lệ tổn thương cũng phải từ 30% trở lên. Có một cột mốc cụ thể, rõ ràng như vậy thì việc giải quyết các vụ án mới đảm bảo tính nhất quán.”
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Trần Bá Học, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Việc định tội danh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối việc giải quyết đúng đắn vụ án. Hoạt động này ảnh hưởng tới số phận của con người. Với ý nghĩa quan trọng đó, việc định tội danh cần phải hết sức thận trọng, vô tư, khách quan. Do vậy, cần hết sức tránh những tư duy theo hướng cho rằng cứ sử dụng hung khí nguy hiểm tác động vào vùng trọng yếu của cơ thể nạn nhân thì mặc nhiên quy kết đó là hành vi giết người. Vẫn biết rằng, việc xác định ý thức chủ quan của bị can khi thực hiện hành vi phạm tội không phải bao giờ cũng dễ dàng, nhưng cũng cần hiểu theo chiều hướng tích cực đó là nếu không có khó khăn này thì sẽ không thúc đẩy được các người tiến hành tố tụng trau dồi, không ngừng nâng cao chuyên môn. Nếu không thể chứng minh hay xác định được ý thức chủ quan của bị cáo thì cần phải áp dụng một nguyên tắc đó là “Hậu quả tới đâu xử lý tới đó”. Đây thực chất cũng là một trong những trường hợp được hiểu rộng ra từ nguyên tắc suy đoán vô tội.
“Việc chuyển tội danh là rất khiên cưỡng. Hy vọng tại phiên tòa tới, TAND tỉnh Hải Dương sẽ xem xét thấu đáo, thận trọng để xác định chính xác tội danh của bị can Quỳnh”, vị luật sư này nêu quan điểm.

Nguồn: THDT


Hiểu Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)