Trung ương chưa giới thiệu nhân sự Bộ trưởng Bộ Công an

Google News

Tổng thư ký Quốc hội cho biết, trong nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, chưa có nội dung giới thiệu nhân sự Bộ trưởng Công an.

Sáng 19/5, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì Họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.
Trung ương đã thống nhất cao giới thiệu Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước và ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội.
Nội dung này được báo chí đề cập tại buổi họp báo và đề nghị cho biết chương trình chi tiết làm quy trình bầu các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội tại kỳ họp. Quy trình bầu ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước có bao gồm việc miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Công an với ông Tô Lâm hay không?
Trung uong chua gioi thieu nhan su Bo truong Bo Cong an
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trả lời tại buổi họp báo. 
Trả lời câu hỏi trên, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại kỳ họp 7 tới, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội. Theo thiết kế chương trình, vào cuối giờ sáng ngày khai mạc 20/5, Quốc hội sẽ bắt đầu tiến hành công tác nhân sự tại kỳ họp và tới sáng 22/5 sẽ hoàn thành. Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội trước, sau đó bầu Chủ tịch nước theo quy định.
Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh, tại điều 4 Hiến pháp đã hiến định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng là cử và giới thiệu cán bộ để bầu cử, ứng cử hoặc quyết định bổ nhiệm vào các vị trí của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể chính trị, xã hội.
Theo Tổng thư ký Quốc hội, trong nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, chưa có nội dung giới thiệu nhân sự Bộ trưởng Công an. Vì thế, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội chưa phê chuẩn bổ nhiệm hoặc phê chuẩn miễn nhiệm đối với chức danh này.
Ông Cường dẫn chứng, trong nhiệm kỳ vừa qua, gần nhất là ông Trần Hồng Hà, khi đang là Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Thủ tướng Chính phủ cũng không miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và vẫn tiếp tục giữ chức vụ Bộ trưởng một thời gian.
Tổng thư ký Quốc hội cho biết, hiện cơ quan có thẩm quyền là Bộ Chính trị chưa có giới thiệu nhân sự mới cho chức danh Bộ trưởng Công an. Do đó, trong chương trình nghị sự của kỳ họp 7 chưa có nội dung phê chuẩn, miễn nhiệm đối với chức danh Bộ trưởng Công an.
Trung uong chua gioi thieu nhan su Bo truong Bo Cong an-Hinh-2
 Đại tướng Tô Lâm 
Tại Hội nghị Trung ương 9 (từ ngày 16-18/5), Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định giới thiệu nhân sự để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước.
Đại tướng Tô Lâm sinh năm 1957, quê ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, có trình độ giáo sư, tiến sĩ. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an; Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Đại biểu Quốc hội: Khóa XIV, XV.
Sự nghiệp của Đại tướng Tô Lâm gắn liền với ngành công an. Sau 5 năm học tại Đại học An ninh nhân dân, ông Tô Lâm trở thành cán bộ Cục Bảo vệ chính trị I, sau đó kinh qua nhiều chức vụ ở các đơn vị của Bộ Công an như Cán bộ Cục Bảo vệ Chính trị I; Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng, Phó Cục trưởng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị I; Phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ Chính trị I; Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Ông được phong hàm thiếu tướng (4/2007) và được phong hàm trung tướng (7/2010).
Từ năm 2010, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an. Tại Đại hội XI của Đảng (năm 2011), ông Tô Lâm được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI. Ông Tô Lâm được thăng cấp bậc hàm thượng tướng vào tháng 9/2014.
Tại Đại hội XII của Đảng (năm 2016), ông Tô Lâm được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, rồi Bộ Chính trị khóa XII, sau đó được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Công an. Tháng 1/2019, ông Tô Lâm được phong quân hàm Đại tướng.
Tại Đại hội XIII, ông Tô Lâm tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị khóa XIII, tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Công an. Ông Tô Lâm cũng là đại biểu Quốc hội khóa XV.
Trung uong chua gioi thieu nhan su Bo truong Bo Cong an-Hinh-3
Ông Trần Thanh Mẫn 
Ông Trần Thanh Mẫn, sinh năm 1962, quê ở Hậu Giang, là Tiến sĩ Kinh tế, Cử nhân chính trị. Ông là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa X; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII và là đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV, XV.
Ông Trần Thanh Mẫn bắt đầu sự nghiệp từ cán bộ đoàn ở tỉnh Hậu Giang, giữ cương vị Phó bí thư Tỉnh đoàn. Khi Cần Thơ được tái lập, ông Mẫn được điều chuyển thăng chức làm Bí thư Tỉnh đoàn Cần Thơ.
Sau đó, ông Trần Thanh Mẫn lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cần Thơ; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ Bí thư Quận ủy Bình Thủy, thành phố Cần Thơ; Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ; Bí thư Thành ủy Cần Thơ.
Giai đoạn từ tháng 10/2015, ông là Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Từ tháng 4/2021, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội.
Ngày 2/5/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến khi kiện toàn được chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa XV theo quy định. Việc này được thực hiện sau khi Quốc hội miễn nhiệm ông Vương Đình Huệ.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc trọng thể vào ngày 20/5/2024, dự kiến bế mạc vào ngày 28/6/2024. Kỳ họp thứ 7 được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1: từ ngày 20/5 đến ngày 8/6/2024; Đợt 2: từ ngày 17/6 đến sáng ngày 28/6/2024. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 26,5 ngày.
Tại Kỳ họp, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 10 dự án luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) (theo quy trình tại một kỳ họp).
Quốc hội cũng cho ý kiến lần đầu với Luật Công chứng sửa đổi; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa sửa đổi; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược…
>>> Mời độc giả xem thêm video Trung ương chưa giới thiệu nhân sự Bộ trưởng Bộ Công an
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)