Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 23/4, về thông tin Trung Quốc đặt “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở Biển Đông, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng nêu rõ, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.
Theo đó, mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối.
|
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng. |
Tại cuộc họp báo này, ông Ngô Toàn Thắng cũng nhấn mạnh, Việt Nam gửi công hàm tại Liên Hợp Quốc bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc về Biển Đông là việc làm bình thường, thể hiện lập trường và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối Trung Quốc có động thái “đặt tên” đảo của Việt Nam.
Việt Nam hoàn toàn có có đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...
Từ các bản đồ, tư liệu lịch sử…
Ngay từ thế kỷ XVII, Việt Nam đã xác lập, thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là lãnh thổ vô chủ và là quốc gia duy nhất thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo này hòa bình, liên tục và không gặp phải sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào.
Minh chứng rõ ràng nhất và cũng là bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chính là các tư liệu, sách cổ, bản đồ, văn bản pháp lý của Nhà nước thể hiện việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được lưu giữ tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Điển hình là các tư liệu, sách cổ như: Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá, tự Công Đạo (1686); Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776); Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1821); Hoàng Việt địa dư chí (1833); Đại Nam thực lục tiền biên (1844-1848); Đại Nam thực lục chính biên (1844-1848), Việt sử cương giám khảo lược (1876), Đại Nam nhất thống chí (1882); Dư địa chí Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (1910); Hải ngoại ký sự (năm 1696) của nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán; Quốc triều chính biên toát yếu (1910), An Nam đại quốc họa đồ của giám mục người Pháp Louis Taberd, Đại Nam nhất thống toàn đồ (Bản đồ chính thức của triều Minh Mạng), bộ Atlas thế giới của Philipe Vandemaelen xuất bản năm 1827, tại Bỉ…
|
Những trang tư liệu về phủ Quảng Ngãi trong bộ sách Đại Nam nhất thống chí. |
Đáng chú ý, trong bộ sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, trong đó có phản ánh việc triều đình nhà Nguyễn chiêu mộ dân đảo Lý Sơn bổ sung vào Đội Hoàng Sa kiêm quân Bắc Hải để đưa ra quần đảo Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) khai thác hải sản và xác lập chủ quyền trên 2 quần đảo này.
Trong bộ sách Quốc triều chính biên toát yếu do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn dưới triều Duy Tân (1907 – 1916), miêu tả về hình thế, địa vực, cây cỏ, sử tích trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa và việc triều Nguyễn sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật, người Lý Sơn đem thủy binh ra Hoàng Sa để đo đạc hải giới, cắm mốc chủ quyền và khai thác hải vật dưới triều Minh Mạng.
Trong Thư tịch cổ “Phủ biên tạp lục” - cuốn sách do nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) biên soạn năm 1776 là tài liệu cổ xưa, chép rõ đảo Đại Trường Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc phủ Quảng Nghĩa. Lê Quý Đôn miêu tả tỉ mỉ tình hình địa lý, tài nguyên ở Hoàng Sa và Trường Sa và công việc khai thác của chúa Nguyễn đối với 2 quần đảo này.
Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú là bộ bách khoa thư lớn của thế kỷ XIX, được hoàn thành vào năm 1821 có phần dư địa chí chép về Hoàng Sa từ địa thế, sản vật đến việc tổ chức Đội Hoàng Sa.
“Đại Nam thực lục chính biên” là bộ sử ký do Quốc sử quán triều đình nhà Nguyễn soạn, viết về các đời vua Nguyễn. Phần viết về đời Vua Gia Long (1802-1819), Vua Minh Mệnh (1820-1840), Vua Thiệu Trị (1841-1847) được soạn xong năm 1848, ghi sự kiện Vua Gia Long chiếm hữu các đảo Hoàng Sa; sự kiện Vua Minh Mệnh cho xây miếu, dựng bia, trồng cây, đo đạc, vẽ bản đồ các đảo này.
Các Châu bản triều Nguyễn là các văn bản hành chính chính thức của triều đình nhà Nguyễn (thế kỷ XVII - XVIII) có dấu son của vua, là bằng chứng lịch sử khẳng định, việc Nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và triển khai nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Đây là các tài liệu quý giá của triều đình nhà Nguyễn để lại cho thế hệ sau, khối tài liệu Châu bản đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu cấp quốc tế.
Đại Nam nhất thống toàn đồ do vua Minh Mạng cho vẽ vào năm 1838 có thể hiện hai địa danh Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa bằng chữ Hán.
Trong Trung Hoa bưu chính dư đồ, do Trung Hoa Dân Quốc tái bản năm 1933 có bản đồ tỉnh Quảng Đông với phần lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Ngay các ấn phẩm dư địa chí của Trung Quốc từ đầu thế kỷ 20 trở về trước đều khẳng định cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc không vượt quá đảo Hải Nam.
Ngoài ra, bản đồ đế chế Trung Hoa thể hiện phần lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, do Business Atlats, Rand McNally xuất bản tại Chicago (Mỹ), năm 1904.
Đặc biệt, bộ Atlas thế giới của Philipe Vandemaelen xuất bản năm 1827, tại Bỉ, trong đó, vẽ và miêu tả rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Vương quốc An Nam.
Bộ Atlas này gồm 6 tập khổ lớn do nhà địa lý học Philipe Vandemaelen, người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ xuất bản năm 1982, trong đó, tập 2 - Châu Á, có bản đồ vẽ đường bờ biển miền Trung Việt Nam có thể hiện quần đảo Hoàng Sa một cách rõ ràng, chi tiết và chính xác, kèm theo bản giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam. Tài liệu này được các nhà sử học Pháp và Bỉ đánh giá là có trị giá trị khoa học và pháp lý cao trong việc khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
…Đến các hội nghị quốc tế
Trước và sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa đã nhiều lần được đưa ra các hội nghị quốc tế xem xét.
Cụ thể, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được thừa nhận tại Hội nghị San Francisco (tháng 9/1951) - hội nghị giải quyết vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau chiến tranh thế giới thứ 2 với sự tham dự của đại diện 51 quốc gia.
Tại Hội nghị này, trưởng đoàn đại biểu chính quyền Bảo Đại là Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền lâu đời của nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp bất cứ sự phản đối nào của 50 quốc gia tham dự còn lại. Sự kiện đó chứng tỏ Hội nghị San Francisco đã mặc nhiên công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trước và sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa đã nhiều lần được đưa ra các hội nghị quốc tế xem xét.
Trước đó, tại Hội nghị Cairo (tháng 11/1943), khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, những người đứng đầu các nước Anh, Mỹ và Cộng hòa Trung Hoa đã họp tại Cairo, thủ đô Ai Cập. Tuyên bố Cairo không ghi nhận quần đảo Paracel tức Hoàng Sa và Spratly tức Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Tại Hội nghị Potsdam (tháng 7/1945), những người đứng đầu 3 nước Liên Xô, Mỹ, Anh lại ra tuyên bố xác nhận lại một lần nữa Tuyên bố Cairo.
Hội nghị Geneva năm 1954 về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang do các lực lượng của Pháp và Quốc gia Việt Nam quản lý.
Điều 1 Hiệp định Paris năm 1973 nói rõ tất cả các nước tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Lúc này hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang do Việt Nam Cộng hòa quản lý, và là một bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.
Như vậy, theo luật pháp quốc tế đương thời về thụ đắc lãnh thổ, một quốc gia được coi là có chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ khi quốc gia đó chứng minh được mình đã chiếm hữu, thực thi, quản lý và khai thác lãnh thổ đó với tư cách Nhà nước một cách liên tục, hòa bình. Theo đó, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Ký sự của nhà sư Trung Quốc
Khoảng cuối thế kỷ 17, Thích Đại Sán - nhà sư đồng thời là nhà sử học sống dưới triều vua Khang Hy đã đến kinh lý ở vùng đất phía Nam nước ta. Vùng đất mà Thích Đại Sán đến, lúc này được gọi là Đàng Trong, do các chúa Nguyễn quản lý. Sau khi trở về nước, Thích Đại Sán đã viết bộ “Hải ngoại ký sự” vào năm 1696. Bộ ký sự này là những ghi chép của Thích Đại Sán về những địa danh đã đi qua, những điều mắt thấy tai nghe trong thời gian ông ta ở Đàng Trong. Cũng trong cuốn sách này, Thích Đại Sán đã nhắc đến hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà lúc bấy giờ người Việt gọi là “Vạn lý Trường Sa”.
Thích Đại Sán chép: “Khách có người bảo mùa gió xuôi trở về Quảng Đông chừng độ nửa tháng trước và sau ngày lập thu. Chừng ấy, gió Tây Nam thổi mạnh, chạy một lèo gió xuôi chừng 4 – 5 ngày đêm có thể đến Hổ Môn. Nếu chờ đến sau mùa nắng, gió bấc dần dần thổi lên, nước chảy về hướng Đông, sức gió Nam yếu, không chống nổi dòng nước chảy mạnh về phía Đông, lúc đó sẽ khó giữ được sự yên ổn. Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam, động cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển, mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành. Bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là “Vạn lý Trường Sa”, mù tít chẳng thấy cây cỏ nhà cửa.
Nếu thuyền bị trái gió trái nước dẫu không tan nát cũng không gạo, không nước thì trở thành ma đói mà thôi. Khoảng cách đến Đại Việt là 7 canh đường, 7 canh đường khoảng 700 dặm. Các quốc vương Đại Việt thời trước, hàng năm sai thuyền đi đánh cá dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc, khí cụ của các tàu thuyền hư hỏng dạt vào. Mùa thu nước dòng cạn rút về hướng Đông bị một ngọn sóng đưa đi, thuyền có thể trôi xa hàng trăm dặm, gặp khi gió mạnh, càng sợ hiểm họa Trường Sa”.
>>> Mời độc giả xem video Việt Nam phản đối Trung Quốc ngang ngược trên biển Đông