Tranh cãi việc Hà Nội cấm shipper hoạt động trong mùa dịch

Google News

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, đội ngũ giao hàng của các ứng dụng công nghệ như Grab, Now, Be… cũng sẽ bị cấm, lý do “đây là lực lượng không có người quản lý và chịu trách nhiệm công tác phòng dịch, nên không được phép hoạt động”. 

Cấm shipper là cần thiết?
Quyết định tạm dừng dịch vụ shipper (giao nhận hàng) từ ngày 24/7 của UBD TP. Hà Nội đang nhận nhiều ý kiến trái chiều. Số đông ủng hộ phương án "mạnh tay" này của lãnh đạo thành phố vì diễn biến phức tạo của dịch bệnh COVID-19 nhưng cũng không ít người phản đối vì cho rằng có nhiều bất cập.
Trên mạng xã hội facebook, tài khoản N.Q đặt ra câu hỏi: "Đã yêu cầu người dân ở nhà thì phải để cho họ có "cửa" mua hàng online. Nhưng shipper không được hoạt động thì mua online kiểu gì?".
Người này cũng cho rằng, nếu cấm shipper, người dân sẽ phải lao ra đường, vào siêu thị, cửa hàng, giao hàng hoá, đồ dùng... nguy cơ lây nhiễm COVID-19 sẽ lớn hơn nhiều.
"Thà quản lý một nhóm hoạt động, nhất là hiện nay đã hình thành các công ty lớn Grab, Bee, Go-Viet... còn hơn là "thả gà ra đuổi" với việc hy vọng vào ý thức của người dân. Việc nên làm hơn là hãy yêu cầu họ nâng lên một nấc nữa về an toàn khi giao nhận chứ không phải là cấm tiệt vì sợ không quản nổi. Ví dụ như shipper phải có mũ ngăn giọt bắt chứ không chỉ có khẩu trang, có xét nghiệm trong mấy ngày.
Một shipper trong 1 ngày có thể "đi chợ" hộ, giao hàng hoá thay cho hàng chục người. Nhưng nếu cấm họ thì hàng chục người khác buộc phải ra đường. Cái nào tốt hơn thì mọi người có thể thấy ngay.
Việc cấm chở khách và giao đồ ăn thì người dân có thể tìm cách để thay đổi được, nhưng cấm hẳn shipper thì nó liên quan tới muôn mặt khác của đời sống, bí bách vô cùng. Nó còn là lối thoát cho rất nhiều công việc kinh doanh đang bị đóng băng vì đại dịch" - anh Q. chia sẻ.
Tranh cai viec Ha Noi cam shipper hoat dong trong mua dich
Việc cấm shipper hoạt động khi thực hiện Chỉ chị 16 tại Hà Nội gây ra nhiều tranh cãi. 
Ý kiến trên đã nhận được nhiều sự đồng tình và cho rằng nên cho phép đội ngũ shipper hoạt động với những phương án quản lý chặt chẽ hơn.
Tài khoản N.N nêu: "Hà nội còn khá ổn, bình tĩnh siết dần. Giờ siết luôn là dân lại đổ ra đường, mua bán, trong khi shipper công nghệ sẽ giúp họ tiết kiệm được thời gian và quãng đường".
"Tôi ủng hộ cho việc shipper hoạt động. Vấn đề là thay đổi cách nhận hàng một chút thì rõ ràng an toàn hơn nhiều so với việc nhiều người ra đường đi mua đồ" - tài khoản P.A đăng tải.
Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng việc cấm shipper ở thời điểm này của Hà Nội là cần thiết và mong mọi người chấp nhận vì "tình hình chung".
Chị Phạm Mừng, trú tại quận Nam Từ Liêm cho rằng: "Với đặc điểm của Hà Nội gần như khu dân cư nào, dù ngõ ngách cũng có tạp hoá. Chung cư nào cũng đều có siêu thị tiện lợi ngay bên dưới hoặc loanh quanh thì người dân vẫn túc tắc đi chợ đảm bảo cuộc sống tốt. Còn nếu để shipper vận hành cũng cần có quy định, ví dụ như giấy xét nghiệm có giá trị 3 ngày thì chi phí tốn kém quá... Nhìn chung chắc sẽ điều chỉnh mỗi ngày, cuối cùng đảm bảo tốt nhất cho tất cả người dân. Mong mọi người cứ tin tưởng vào chính quyền và yên tâm chấp hành"
Anh Minh Đức, trú tại quận Cầu Giấy cũng nêu quan điểm: "Shipper không được hoạt động đương nhiên sẽ có bất cập nhưng đổi lại người dân cũng sẽ tự giác giảm bớt nhu cầu mua sắm những thứ không cần thiết. Nếu mua đồ ăn người ta chỉ cần đi 1 lần là đủ cho vài ngày/tuần, nhưng shipper còn hoạt động là người ta mua đủ thứ trên mạng, trên các sàn thương mại điện tử, mà trong đó hỏi có mấy thứ là thiết yếu?".
Anh Phạm Thắng, shipper của hãng Now cũng chia sẻ: "Khi nhận thông tin Hà Nội cấm shipper hoạt động, anh em rất buồn vì không có việc làm, không có nguồn thu trong những ngày dịch dã. Tuy nhiên, bản thân rất ủng hộ chủ trương này vì thực tế, nhiều shipper không được trang bị đầy đủ các đồ bảo hộ phòng, chống dịch trong quá trình giao nhận hàng, ngoài khẩu trang, nước khử khuẩn. Nhiều shipper còn chủ quan không thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh, nhất là những thông báo từ Bộ Y tế truy tìm người đến các điểm các có ca mắc COVID-19. Chỉ mong với phương án này, Hà Nội sẽ kiểm soát và dập dịch thành công".
Đã nghiên cứu rất kỹ từ kinh nghiệm các địa phương
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, chiều ngày 24/7, Sở đã ra văn bản hướng dẫn lưu thông trong thời gian 15 ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, trong đó yêu cầu tạm việc dừng hoạt động của shipper (giao nhận hàng).
Trao đổi với báo chí, ông Viện thông tin, Hà Nội sẽ cấm dịch vụ giao nhận đồ ăn từ các cửa hàng, nhà hàng ăn uống (do đã dừng dịch vụ bán mang về). Riêng xe vận chuyển 2 bánh là nhân viên các doanh nghiệp bưu chính viễn thông và các siêu thị vẫn được phép hoạt động, trên cơ sở có đăng ký và chịu trách nhiệm về công tác phòng dịch.
Tuy nhiên, doanh nghiệp và các đơn vị phải lên danh sách và chịu trách nhiệm quản lý đối tượng này. Sau khi đơn vị lên danh sách đội ngũ vận chuyển này và gửi sang Sở GTVT để được cấp một tin nhắn gắn mã thông tin được phép lưu thông. “Đội ngũ shipper sẽ lưu mã tin nhắn này di chuyển để thông qua các chốt. Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp và đơn vị trong việc thực hiện” - ông Viện nói.
Tranh cai viec Ha Noi cam shipper hoat dong trong mua dich-Hinh-2
 Shipper ở Hà Nội bị yêu cầu tạm dừng hoạt động từ ngày 24/7.
Đáng chú ý, hiện nhiều người dân đã hình thành thói quen mua hàng trực tuyến, không chỉ đặt đồ dùng trên các sàn thương mại điện tử, mà người dùng còn mua sắm đồ dùng thiết yếu từ các siêu thị qua ship của các ứng dụng công nghệ.
Trước lo ngại lây nhiễm khi trực tiếp đi chợ hay siêu thị, nhiều người dân cũng mong muốn Hà Nội tiếp tục cho phép hoạt động ship, nhằm giảm tần suất tiếp xúc khi nhiều người cùng lúc phải đi siêu thị.
Trước vấn đề này, ông Viện cho biết, nhân viên siêu thị hoặc cửa hàng tại nhà vẫn được phép vận chuyển. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GTVT, đội ngũ giao hàng của các ứng dụng công nghệ như Grab, Now, Be… cũng sẽ bị cấm, lý do “đây là lực lượng không có người quản lý và chịu trách nhiệm công tác phòng dịch, nên không được phép hoạt động”.
Về việc vì sao một số địa phương áp dụng Chỉ thị 16 không cấm dịch vụ ship (giao hàng thiết yếu), song Hà Nội lại dừng, theo ông Vũ Văn Viện, Hà Nội đã nghiên cứu kinh nghiệm từ các tỉnh để có phương án quản lý chặt chẽ hơn, với phương châm đả bảo công tác phòng chống dịch là trước hết và trên hết.
“Mục tiêu cao nhất là phòng chống dịch COVID-19, nếu Hà Nội không kiểm soát được sẽ rất nguy hiểm. Dịch đang rất phức tạp, mua hàng thiết yếu không có nghĩa cứ thích gì là gọi ship, từ cốc trà sữa đến cốc cà phê. Những đồ thiết yếu có thể mua và có nhân viên bưu tá, siêu thị vận chuyển tới nhà. Việc ship trà sữa hay món ăn vặt thì người dân chịu khó chờ thêm 15 ngày nữa” - ông Viện cho hay.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Hà Nội giãn cách xã hội chống COVID-19, dịch vụ nào được phép hoạt động?

Nguồn: Thanh niên


 
Hiểu Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)