Liên quan đến vụ án 4 bà cháu bị sát hại ở Quảng Ninh, trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 16/12, TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên án bản án sơ thẩm hình sự vụ án Doãn Trung Dũng với tội danh "Giết người" và "Cướp tài sản" với mức án: tử hình về tội "Giết người", tử hình về tội "Cướp tài sản". Tổng khung hình phạt là tử hình.
Với việc tuyên án Doãn Trung Dũng tử hình về tội Giết người, Hội đồng xét xử đã nhận được sự đồng thuận rất cao từ dư luận. Bởi người dân đều nhất trí với nhận định của Hội đồng xét xử rằng bị cáo Doãn Trung Dũng có nhận tội nhưng vẫn che đậy động cơ vì sợ người đời nguyền rủa. Bị cáo giết người có tính toán, chọn con đường phạm tội, chọn thời cơ, chọn đối tượng, chọn không gian, chọn gia đình có người già, con trẻ, nơi ít người để phạm tội. Hành vi man rợ, hung hăng, vô cớ. Truy tố về tội giết người là có căn cứ... Bị cáo làm 4 người chết trong đó có 3 cháu nhỏ, làm không khí tang tóc bao trùm tất cả Uông Bí nên cần loại trừ bị cáo vĩnh viễn ra khỏi xã hội. Vì vậy, việc tuyên tử hình là đúng theo các quy định của pháp luật với hành vi tội ác mà Doãn Trung Dũng đã gây ra.
|
Bị cáo Doãn Trung Dũng nhận hai bản án tử hình về hai tội giết người và tội cướp tài sản. Ảnh Hải Ninh. |
Tuy nhiên, việc Tòa tuyên án Doãn Trung Dũng thêm khung hình phạt tử hình cho tội danh “Cướp tài sản”, cao hơn mức đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh là 7-8 năm tù cho tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 133 BLHS đã dẫn đến nhiều tranh luận nảy lửa của các chuyên gia pháp lý.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhìn nhận, việc Tòa án nhân dân Tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng khoản 4 Điều 133 BLHS 1999 để tuyên phạt bị cáo Doãn Trung Dũng hình phạt tử hình là vi phạm nguyên tắc của Bộ luật tố tụng hình sự và trái với các văn bản hướng dẫn thi hành áp dụng qui định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015.
“Viện KSND Tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị truy tố bị can Doãn Trung Dũng theo khoản 1 điều 133 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. HĐXX cho rằng đối với Tội cướp tài sản mà bị cáo Doãn Trung Dũng là thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trong được qui định tại điểm c khoản 4 Điều 133 BLHS 1999 là đã vi phạm nguyên tắc một hành vi đã bị xử phạt hai lần. Hậu quả nghiêm trọng được lý giải là: Bị cáo giết hai cháu nhỏ trước, sau đó giết bà Hát và một cháu nhỏ nữa rồi cướp tài sản. Việc giết hại hai mạng người thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo điểm c khoản 4 Điều 133 BLHS 1999”, Luật sư Thơm cho hay.
“Hành vi dùng dao giết 4 bà cháu của Doãn Trung Dũng đã được Viện kiểm sát nhận định trong Tội giết người là mang tính côn đồ, hung hãn, giết nhiều người, trong đó có hai cháu đang ở lứa tuổi trẻ em… Đây là những tình tiết định khung trong tội giết người mà bị cáo Doãn Trung Dũng bị truy tố theo Khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự 1999 như: Giết nhiều người, giết trẻ em, có tính chất côn đồ… Như vậy, trong vụ án này, bị cáo Doãn Trung Dũng chỉ bị truy tố về Tội cướp tài sản theo định khung cơ bản của khoản 1 điều 133 BLHS 1999 với số tiền chiếm đoạt dưới 50 triệu là có căn cứ, đúng pháp luật”, Luật sư Thơm cho ý kiến.
“Mặt khác, việc HĐXX tuyên phạt bị cáo Doãn Trung Dũng tử hình về tội cướp tài sản theo khoản 4 Điều 133 BLHS 1999 là trái với Nghị quyết số 144 ngày 29/6/2016 của Quốc hội và hướng dẫn số 276 ngày 13/9/2016 của TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015), thì tội cướp tài sản đã bỏ hình phạt tử hình. Quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 bao gồm các quy định về xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội. Những quy định nêu trên được tập hợp trong danh mục ban hành kèm theo Công văn này”, Luật sư Thơm nêu quan điểm.
Luật sư Thơm dẫn giải cụ thể, kèm theo Hướng dẫn số 276 nêu trên, TAND Tối cao có ban hành một danh mục một số quy định có lợi cho người phạm tội trong BLHS 2015. Tại số thứ tự thứ 68 trong danh mục này quy định dẫn chiếu đến khoản, Điều 168 BLHS 2015 quy định mức hình phạt tương ứng với khoản 4 Điều 133 BLHS 1999, cao nhất chỉ là tù chung thân.
Điều 168 BLHS 2015. Tội cướp tài sản:
“4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.”
Do đó, HĐXX phải áp dụng quy định có lợi này cho người phạm tội theo tinh thần của BLHS 2015 đã được Quốc hội thông qua.