Trăn trở sau phiên Tòa xét xử 2 cựu Thứ trưởng Công an

Google News

Sau mỗi vụ án, không chỉ là “mất tất cả” và mất danh dự của mỗi bị cáo, mà còn là sự mất mát lớn về kinh tế và mất mát cán bộ.

Phiên tòa xét xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm"), cựu Thượng tá, Phó Trưởng phòng Tổng cục V, Bộ Công an) cùng 4 bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đã khép lại. Bản án đã được tuyên đúng người, đúng tội thể hiện tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật.
Phiên tòa kết thúc cũng là chấm dứt chặng đường tội lỗi của các bị cáo, nhưng sau phiên tòa vẫn để lại nhiều trăn trở, day dứt của cả người trong cuộc và dư luận.
Trong những phiên tòa xét xử các bị cáo nguyên là cán bộ cao cấp của ngành Công an, Quân đội, khi được nói lời sau cùng trước Tòa, hầu hết các bị cáo đều chua xót “mất mát lớn nhất là mất danh dự”. Và chắc chắn đó là lời gan ruột của các bị cáo, bởi chính họ đã ngộ ra sự trả giá quá đắt khi tự đánh mất danh dự của mình.
Tran tro sau phien Toa xet xu 2 cuu Thu truong Cong an
 
Mất danh dự không chỉ của bản thân bị cáo mà quan trọng hơn là danh dự của những người thân, gia đình, dòng họ. Trong phiên tòa xét xử Phan Văn Anh Vũ và 4 bị cáo nguyên là tướng, tá trong ngành Công an, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành đã phải thốt lên rằng “hình phạt nặng nhất chính là đứng đây làm bị cáo, nhưng cái mất lớn nhất của con người là mất danh dự”.
Còn nhớ, trong vụ án xét xử đường dây đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ mới đây, cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh đã phải ân hận day dứt và tự trừng phạt mình vì không chỉ mất tất cả, ông Vĩnh còn làm đau lòng người mẹ thân sinh. Và day dứt nữa là làm khổ người con trai duy nhất đang còn trên ghế nhà trường, vì việc của ông mà bị trầm cảm.
Với mỗi con người, danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Trong Hội nghị Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, “cái còn mãi với thời gian là danh dự, trọng liêm, trọng chính, trọng đức. Còn vật chất chỉ là phù vân, nó quý thì quý thật nhưng ông cha ta đã tổng kết: danh thơm thì còn mãi”.
Còn người đứng đầu ngành Công an, Đại tướng Tô Lâm cũng nhấn mạnh, mỗi sĩ quan cấp Tướng CAND phải thấm nhuần chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, luôn giữ danh dự cao quý của mình, thường xuyên rèn luyện nhân cách, phẩm chất, nâng cao năng lực công tác để hoàn thành trọng trách, nhiệm vụ được giao, giữ gìn đạo của người làm Tướng, coi đó là điều thiêng liêng, cao quý nhất.
Giá như các bị cáo sớm thấm nhuần được điều này, sớm ngộ ra “mất mát lớn nhất là mất danh dự” như những lời gan ruột trước Tòa để trong quá trình công tác, khi còn nắm trong tay quyền lực, biết dừng lại, tự răn, tự sửa mình thì không phải có những cái kết đau lòng như ngày hôm nay.
Sau mỗi vụ án, không chỉ là “mất tất cả” và mất danh dự của mỗi bị cáo, mà còn là sự mất mát lớn về kinh tế và mất mát cán bộ. Hàng ngàn tỷ đồng thất thoát nhưng con số thu hồi lại rất nhỏ. Trong một cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng trăn trở về tài sản tham nhũng thu hồi được còn hạn chế, mới chỉ được khoảng 30%. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hàng chục ngàn, trăm ngàn tỷ đồng mồ hôi xương máu của nhân dân bị thất thoát, bị trôi sông trôi bể.
Để đào tạo được một các bộ, nhất là cán bộ cấp cao, Đảng và Nhà nước đã phải phải dành ra một nguồn lực kinh tế khá lớn. Cao hơn cả là còn giao cho những cán bộ này sự tin tưởng và trọng trách phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Nhưng với nhiều người, họ đã không ý thức được trọng trách lớn lao đó, không tự soi, tự sửa mỗi ngày, biến mình thành kẻ suy thoái, biến chất trước sự cám dỗ của vật chất và quyền lực.
Sau mỗi vụ án, dư luận cũng không khỏi day dứt khi có nhiều cán bộ trong ngành Công an, Quân đội vi phạm đến như vậy. Bởi bấy lâu nay, trong niềm tin của mọi người, những cán bộ được đào tạo trong môi trường nghiêm ngặt và bài bản là những người gần như mẫu mực. Trong số họ, nhiều người còn kinh qua chiến tranh, thậm chí nhiều lần còn đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết khi đối mặt với hiểm nguy.
Việc sa ngã trước cám dỗ của vật chất, quyền lực của hàng loạt cán bộ, trong đó có cả những cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, khiến cho dư luận không khỏi băn khoăn, lo lắng. Liệu có những lỗ hổng nào trong công tác cán bộ cũng như kiểm soát quyền lực chưa được xử lý, hoặc xử lý chưa hiệu quả, để đến những nơi có quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ nghiêm ngặt như ngành Công an, Quân đội mà vẫn để lọt những kẻ thoái hóa biến chất đến mức phải ra trước vành móng ngựa? Lỗ hổng này là do quy trình thiếu chặt chẽ hay do con người trong quá trình vận hành đã uốn cong, làm méo mó?
Trăn trở còn nhiều vì sau mỗi vụ án là số phận, danh dự của nhiều người liên quan cũng như sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của để khắc phục những hậu quả của nó. Nhưng trên tất cả vẫn là niềm tin của người dân vào sự công minh và tinh thần thượng tôn pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Ngay cả những nơi như ngành Công an, Quân đội mà lâu nay dư luận vẫn nghi ngại, hoài nghi về một “vùng cấm” nào đó, thì giờ đây sai phạm đều đã được xử lý một cách triệt để, bất kể người đó là ai. Các sai phạm đã được “chỉ mặt, điểm tên” rõ từng cá nhân, không còn là lỗi tập thể hay xử lý nội bộ như trước kia vẫn từng thấy.
Việc đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến các quan chức ngành Công an trong thời gian qua đã ngày càng củng cố niềm tin của người dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, “nói đi đôi với làm” và làm quyết liệt, không có vùng cấm.
Sai phạm của từng cá nhân đều được xử lý hết sức thận trọng, bài bản, để không hàm oan cũng như không bỏ lọt một ai. Tất cả những người sai phạm khi đứng trước vành móng ngựa đều ngộ ra sâu sắc tội lỗi của mình và “tâm phục, khẩu phục”.
Trong phiên tòa xét xử Vũ “nhôm” và 4 đồng phạm là tướng, tá trong ngành Công an, cựu Thứ trưởng Bùi Văn Thành đã chia sẻ “trước khi diễn ra phiên tòa, bị cáo mất ăn, mất ngủ và không biết những điều định nói, trình bày HĐXX, Viện Kiểm sát có nghe hay không. Nhưng trong 3 ngày diễn ra phiên tòa, bị cáo cảm thấy phiên tòa diễn ra công khai, rõ ràng và những điều lo lắng đã được giải tỏa”.
Dẫu sau mỗi vụ án, là sự đau xót và trăn trở về sai phạm của những người từng được giao trọng trách là “thanh bảo kiếm” bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước, nhưng trên hết vẫn là một sự tin tưởng tuyệt đối vào sự quyết tâm và hành động quyết liệt đến cùng của Đảng, Nhà nước trong xử lý sai phạm.
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã từng có mệnh lệnh: "Việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn", “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm”./.
Theo Minh Hòa/VOV.VN

>> xem thêm

Bình luận(0)