Tôi đi "buôn lậu" ở cửa khẩu

Google News

PV đã nhập cuộc như những tay buôn lậu, tìm hiểu và phát hiện các chiêu hàng lậu núp bóng, đội lốt hàng quá cảnh, khai sai tên hàng hóa, hàng mới 100%...

Nóng từ hàng cũ...
Các mặt hàng được giới buôn lậu lựa chọn nhiều là điện tử, điện lạnh... đã qua sử dụng, nằm trong danh mục cấm nhập khẩu. Anh Nguyễn Văn Hòa, chủ cửa hàng điện lạnh ở đường Hà Huy Giáp (quận 12, TP.HCM) cho biết: “Họ nhập khẩu về, nếu trót lọt, hàng sẽ được đem đến các kho hàng ở các khu vực vùng ven. Sau đó, xé lẻ hàng đưa đến các xưởng sửa chữa, mông má lại rồi phân cho các đại lý, cửa hàng bán cho người dùng. Đã từng có người đến chào hàng loại sản phẩm này nhưng tôi không dám nhận...”.
Cách làm này không mới nhưng vẫn được giới buôn lậu tận dụng. Điển hình, kho hàng rộng khoảng 1.000m2, nằm trên đường Tây Lân, phường Bình Trị Đông (quận Bình Tân, TP.HCM) do ông Võ Văn Hồng Châu (41 tuổi, quê Sóc Trăng) làm chủ, là nơi chứa các sản phẩm điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng nhưng không hề có hóa đơn, chứng từ cũng vừa mới bị triệt phá. Tại đây, có khoảng 500 sản phẩm được cất giấu.
Toi di "buon lau" o cua khau
Các mặt hàng được giới buôn lậu lựa chọn nhiều là điện tử, điện lạnh... đã qua sử dụng, nằm trong danh mục cấm nhập khẩu. 
Theo một đầu mối tên Hoàng (quận Gò Vấp, TP.HCM), người từng giao dịch với kho hàng này cho biết: “Đây chính là điểm tập kết máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt cũ... Các đầu mối thường tìm đến để lấy hàng về sửa chữa, bán trực tiếp hoặc phân lại cho đại lý. Những điểm bán hàng điện tử, điện lạnh dạng này chủ yếu xuất hiện ở khu vực vùng ven TP.”.
Trong vai khách hàng cần mua sỉ các sản phẩm điện tử, điện lạnh mà không cần giấy tờ, hóa đơn, PV tìm đến điểm bán hàng của người tên Khoa (đường Nguyễn Ảnh Thủ, huyện Hóc Môn, TP.HCM). Tại đây, khách hàng có thể mua được đủ loại hàng điện tử, điện lạnh với giá rẻ.
Khi được hỏi, Khoa tư vấn: “Nếu lấy hàng đi tỉnh thì bên tôi sẽ chiết khấu cho anh từ 10 – 15%, tùy mặt hàng theo giá niêm yết. Hàng của bên tôi được lấy từ các công ty chuyên nhập khẩu sản phẩm điện tử, điện lạnh tại TP.HCM. Anh cứ yên tâm về chất lượng vì các sản phẩm đều là hàng của Nhật”.
Tương tự, tại một kho hàng trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú, TP.HCM) có treo bảng mua bán đồ điện tử - điện lạnh đã qua sử dụng. Người bán tên Hà cho biết: “Ở đây có 2 loại sản phẩm, một là hàng mua lại (dạng máy cũ, ve chai), hai là dạng nhập từ nước ngoài về. Nhưng ở đây chỉ có các sản phẩm mua lại. Nếu anh mua hàng nhập thì tôi sẽ lấy ở kho khác, có đủ mặt hàng của Nhật, Hàn, Đức...”.
Theo yêu cầu của PV, Hà chạy đến một điểm khác để lấy hàng. Bí mật bám theo, PV phát hiện kho hàng này nằm trên con hẻm thuộc đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú). Nhìn bên ngoài giống một căn hộ nhưng bên trong chất đầy hàng điện tử, điện lạnh. Lấy hàng xong, Hà trở lại với chiếc nồi cơm điện còn mới 80%.
Về việc bán hàng cấm, Hà cho biết: “Phải dùng cách này, chứ nếu mình bán hàng cũ thì người ta sẽ kiểm tra và phạt”. Để tìm hiểu, PV quay lại kho hàng. Một người đàn ông trung niên cho biết: “Đây chỉ là nơi sửa chữa điện máy, điện lạnh, chứ không bán buôn gì cả”.
PV tiếp tục gặp người tên Thành, ở khu vực thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Thành cho biết: “Anh cứ nói tên hàng, chủng loại, số lượng, em sẽ báo giá, nếu lấy nhiều, giá sẽ giảm. Hàng sẽ có người giao tận nơi, chỉ cần đặt cọc trước 30%”.
Thành cũng cho biết thêm, công ty có kho ở Sóng Thần (Bình Dương). Mỗi tháng, công ty đều nhập sản phẩm nên có đầy đủ nguồn cung. Tuy nhiên, khi hỏi về cách thức, nguồn hàng, Thành tỏ ý né tránh: “Cái đó anh quan tâm làm gì, miễn sao hàng đưa về tới cho anh là được. Nếu anh cần hàng Nhật, Cam (Campuchia-PV) hay hàng Thái thì cứ báo số lượng sớm nhé”.
Hàng giả đội lốt hàng hiệu
Đối với mặt hàng thời trang, các đầu nậu cho biết, có thể mua ở Trung Quốc với giá rẻ và quả quyết muốn gắn mác kiểu gì cũng được. Qua giới thiệu của người quen, PV tiếp cận người tên Hạnh (ngụ khu vực chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Hạnh cho biết, có thể “đánh hàng” từ Trung Quốc về.
Nhưng sau đó, PV gọi điện, Hạnh không bắt máy. Theo sự hướng dẫn, PV phải nhắn tin trước để người này xác minh rồi gọi lại Hạnh mới trả lời. “Tôi chỉ nhập hàng cho các điểm chuyên bỏ sỉ ở chợ Bà Chiểu, Tân Bình, chứ có làm ăn gì đâu. Anh đi tìm chỗ khác nhé. Với lại mấy cái hàng đó (hàng giả, nhái... hàng hiệu-PV) thì đầy ngoài chợ, anh mua ở đâu chả được”, Hạnh chối.
Khi biết ý định của PV “đánh hàng” đi tỉnh, Hạnh hứa: “Anh cứ lên danh sách đi, tôi sẽ báo giá cho, đồng ý thì tôi sẽ giao hàng. Nhưng phải lấy nhiều thì mới giao, ít thì khỏi nhé”. Tuy nhiên, hỏi về nguồn hàng, cách thức vận chuyển... Hạnh nói đang có việc bận rồi ngưng liên lạc.
Theo những người chuyên cung cấp sỉ hàng “chợ trời”, nguồn hàng chủ yếu từ Trung Quốc được vận chuyển về Việt Nam với đủ mọi thương hiệu. Ông N.Đ.G., người chuyên kinh doanh “hàng hiệu” ở chợ Tân Bình (quận Tân Bình) cho biết: “Quần áo, túi xách, giày... cũng như phụ kiện toàn là thương hiệu nổi tiếng, muốn gắn mác của nước nào cũng được. Chỉ cần em lên danh sách hàng muốn nhập vô, báo lại cho họ thì họ sẽ giao tận nơi. Dù các sản phẩm là hàng Trung Quốc nhưng có thể yêu cầu gắn mác là Made in Vietnam. Bên đó, giờ họ gắn đủ mác để nhập về cho dễ bán. Họ thường nhập nhiều container với nhiều hàng hóa, chủng loại khác nhau. Về đến Việt Nam, họ mới phân ra, bỏ sỉ cho các đầu mối”.
Toi di "buon lau" o cua khau-Hinh-2
Hàng nhập từ Trung Quốc nhưng nhiều sản phẩm lại gắn nhãn Made in Vietnam. 
Một cán bộ hải quan cửa khẩu cảng Cát Lái (TP.HCM) cho biết, dù là hàng nhập từ Trung Quốc nhưng nhiều sản phẩm lại gắn nhãn là made in Vietnam. “Để qua mắt lực lượng chức năng, các lô hàng này nhập về các cảng sẽ được thay tên đổi họ, khai báo là mặt hàng khác. Đồng thời, họ còn sử dụng các công ty mới thành lập hoặc không rõ địa chỉ để nhập khẩu các lô hàng kiểu như trên. Cách thức này khiến cho công tác đấu tranh với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại càng khó khăn hơn”, vị cán bộ này cho biết thêm.
Ông Lê Nguyên Linh, Phó chi cục trưởng chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết: “Mới đây, chi cục đã phát hiện và tạm giữ 4 container của công ty TNHH TM-DV Vận tải giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu Nguyễn Tấn (địa chỉ 12A/5, khu phố Đông Tân, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Công ty này khai báo hàng nhập khẩu là ván ép, vải cuộn mới 100% nhưng thực chất họ lại nhập hàng đã qua sử dụng”.
Nói thêm về tình trạng hàng lậu qua cửa khẩu hải quan từ đầu năm đến nay, ông Linh cho biết: “Chi cục đã khám xét 16 container từ Nhật Bản nhập về Việt Nam qua cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1. Kết quả cho thấy, toàn bộ hàng hóa trong các container nói trên đều là hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng như: Máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh, nồi cơm điện... những mặt hàng nằm trong danh mục cấm nhập khẩu”.
Trong khi đó, ông Phạm Quốc Hùng, Phó cục trưởng cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Các đối tượng buôn lậu dùng nhiều hình thức tinh vi để có thể tuồn hàng vào Việt Nam. Điển hình là việc khi bị nghi ngờ về mặt hàng, họ sẽ ngay lập tức thay đổi mặt hàng khai nhận, người nhận và cả nơi nhận.
Ví như, dự định nơi nhận ban đầu là Việt Nam nhưng nếu có khả nghi sẽ chuyển sang Lào hoặc Campuchia, sau đó sẽ tìm cách xé lẻ hàng và tuồn về Việt Nam. Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiến hành các biện pháp để giảm thiểu thấp nhất khả năng hàng lậu tuồn vào Việt Nam. Trong đó sẽ tăng cường tiến hành kiểm tra, soi chiếu hàng tồn, hàng quá 90 ngày tại các cảng do các chủ hàng chưa tiến hành làm thủ tục thông quan...”.
Phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm
Theo Thượng tá Phạm Ngọc Sơn, Phó trưởng phòng 6, cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu, bộ Công an cho biết: “Từ đầu năm tới nay, cơ quan phía Nam đã phát hiện và xử lý 3 vụ nhập khẩu trái phép hàng hóa là điện máy, điện lạnh đã qua sử dụng với hơn 1.000 đơn vị sản phẩm”.
Theo Thanh Tùng/Người Đưa Tin

>> xem thêm

Bình luận(0)