Tòa xử xong mới biết "quên" bị đơn

Google News

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoàng (ngụ xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) là bị đơn trong vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoàng (ngụ xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) là bị đơn trong vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Theo đó, trong quá trình làm ăn, vợ chồng ông vay tiền nên bị khởi kiện ra tòa. Tháng 11-2016, TAND huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ xử sơ thẩm, tuyên buộc vợ chồng ông Hoàng phải trả cho phía nguyên đơn hơn 2,3 tỉ đồng.
Xử xong bị đơn mới biết
Không đồng ý với bản án, vợ chồng ông làm đơn kháng cáo. Cuối tháng 3-2017, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm đã tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Toa xu xong moi biet "quen" bi don
Ảnh minh họa. 
Nhưng theo trình bày của vợ chồng ông Hoàng thì ngày 7-4 vừa qua, khi Chi cục Thi hành án (THA) huyện Cờ Đỏ ra quyết định THA bản án phúc thẩm thì họ mới biết tòa đã xử phúc thẩm. Vì từ khi làm đơn kháng cáo đến khi nhận được quyết định THA, vợ chồng ông không nhận được giấy mời của TAND TP Cần Thơ đến tham dự phiên tòa. Đến khi đi sao chụp bản án phúc thẩm tại cơ quan THA thì họ mới té ngửa khi biết tòa đã triệu tập người đại diện theo ủy quyền của họ ở phiên tòa sơ thẩm.
Vợ chồng ông Hoàng cho biết: Quá trình TAND huyện xử sơ thẩm, ngày 2-12-2015 họ có làm giấy ủy quyền cho ông T. (có chứng thực) làm người đại diện thay mặt ông bà tham gia giải quyết vụ án. Trong phạm vi được ủy quyền, ông T. được toàn quyền quyết định khi tham gia giải quyết tranh chấp, được quyền lập và ký tên trên các giấy tờ cần thiết, được quyền tham gia hòa giải, tham gia phiên tòa và thực hiện các công việc khác có liên quan. Giấy ủy quyền cũng ghi rõ: “Giấy ủy quyền có hiệu lực kể từ ngày ký và có thời hạn cho đến khi vụ kiện trên được giải quyết xong tại TAND cấp sơ thẩm”.
“Như vậy sau khi bản án sơ thẩm được tuyên thì ông T. không còn là người đại diện theo ủy quyền của vợ chồng tôi nữa. Không hiểu vì lý do gì cấp phúc thẩm vẫn triệu tập ông T. tham gia phiên tòa với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn” - ông Hoàng bức xúc.
Cho rằng tòa án cấp phúc thẩm đã vi phạm tố tụng nên mới đây vợ chồng ông Hoàng đã gửi đơn đến Chi cục THA huyện Cờ Đỏ xin hoãn THA và đề nghị cơ quan này kiến nghị cấp có thẩm quyền hủy bản án phúc thẩm. Chi cục THA huyện không chấp nhận vì không có quy định bắt buộc cơ quan THA xác minh quá trình thụ lý, xét xử của tòa án.
Tòa thừa nhận sai
Vợ chồng ông Hoàng cũng đã gửi đơn khiếu nại đến TAND TP Cần Thơ và cơ quan này cho biết đang kiểm tra, xem xét lại hồ sơ vụ án.
Vợ ông Hoàng nói: “Bản án phúc thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Tòa án và VKS làm việc quá cẩu thả làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của chúng tôi. Nay tài sản của chúng tôi đang bị THA, vì thế các cơ quan làm sai phải có trách nhiệm kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét lại bản án có vi phạm để khắc phục hậu quả”.
Ngày 15-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chánh án TAND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Thiên thừa nhận trong vụ án này tòa có sai sót. Theo ông Thiên, sau khi nghiên cứu đơn khiếu nại và kiểm tra hồ sơ vụ án thì tòa nhận thấy khiếu nại của vợ chồng ông Hoàng là có cơ sở vì tòa cấp phúc thẩm đã nhầm lẫn trong việc xác định tư cách đương sự.
Theo ông Thiên, ở cấp sơ thẩm, ông T. là người đại diện ủy quyền nhưng khi lên cấp phúc thẩm thì tư cách đại diện của ông T. không còn nhưng tòa vẫn xác định là bị đơn, lại đưa vào vụ án là sai. Đây là một vi phạm tố tụng xuất phát từ sai sót do thẩm phán, chủ tọa tin vào thư ký phiên tòa, không kiểm tra kỹ tư cách người tố tụng.
Chánh án Nguyễn Thanh Thiên nói: “Sau khi phát hiện sai sót này, chúng tôi đã có văn bản kiến nghị lên TAND Cấp cao tại TP.HCM xem xét lại bản án theo thẩm quyền. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ có văn bản trả lời khiếu nại cho đương sự được rõ”.
Khi PV đặt câu hỏi về trách nhiệm của thẩm phán, thư ký và những người liên quan để xảy ra sai sót trên thì ông Thiên cho rằng đây chỉ là nhầm lẫn nên không cần xử lý.
TAND Cấp cao tại TP.HCM xét giám đốc thẩm
Trường hợp tòa án, VKS hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị. Chánh án TAND cấp tỉnh kiến nghị chánh án TAND Cấp cao hoặc chánh án TAND Tối cao, chánh án TAND Cấp cao kiến nghị chánh án TAND Tối cao xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Trích Điều 327 BLTTDS 2015.
Theo Hải Dương/Pháp Luật TPHCM

>> xem thêm

Bình luận(0)