Ngày 15/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi công điện về việc ứng phó khẩn cấp với tình hình mưa lũ tại miền Trung đến UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cùng các bộ, ngành liên quan.
Trong đó nêu rõ, từ ngày 12/10 đến nay, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh nên các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế xảy ra mưa to trên diện rộng.
Lượng mưa phổ biến từ 300 đến 400 mm có nơi vượt mức 700 mm gây ngập lụt nhiều nơi. Thời tiết khiến lũ các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình lên cao, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.
Trước diễn biến bất lợi của thời tiết, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia sẻ với đồng bào, chính quyền địa phương. Gửi lời chia buồn đến thân nhân gia đình có người bị thiệt mạng trong mua lũ.
Để chủ động phòng chống lũ, giảm thiệt hại, Thủ tướng yêu cầu ủy ban nhân dân các tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ. Triển khai biện pháp khẩn cấp để ứng phó theo cấp báo động nhằm bảo đảm an toàn cho người dân. Đồng thời, chủ động triển khai phương án khắc phục hậu quả. Sơ tán các hộ dân ở vùng nguy hiểm đến địa điểm an toàn.
Bằng mọi biện pháp, các tỉnh phải huy động phương tiện, lực lượng tiếp cận khu dân cư bị ngập, bị chia cắt. Tổ chức cứu trợ về lương thực, nhu yếu phẩm, không để người dân bị đói, khát. Nỗ lực tìm kiếm người mất tích và thăm hỏi, bố trí nơi ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa, động viên gia đình thiệt hại. Tổ chức hỗ trợ, cứu người bị thương, mai táng chu đáo cho người thiệt mạng.
Công điện cũng nêu rõ, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phải chỉ đạo lực lượng, phương tiện để hỗ trợ, cứu người dân theo đề nghị của địa phương. Trong khi đó, Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương phải theo dõi diễn biến thời tiết, phối hợp các địa phương để chỉ đạo vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong khu vực.
Thủ tướng yêu cầu, Bộ Công Thương chỉ đạo vận hành an toàn lưới điện, chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm cùng hàng hóa thiết yếu. Kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu để không xảy ra tình trạng lợi dụng mưa lũ tăng giá.
Bộ Y tế chỉ đạo lực lượng cơ sở, các đơn vị liên quan cung cấp đủ thuốc để chữa bệnh, phòng dịch, đồng thời hướng dẫn vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh phát sinh.
Đối với Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng yêu cầu tập trung ứng phó, khắc phục sự cố ách tắc giao thông do mưa lũ. Bộ này phải chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt phối hợp địa phương để hỗ trợ phương tiện trung chuyển khách đi tàu bị ách tắc. Kiểm soát, bảo đảm an toàn giao thông và khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sự cố, sạt lở... sau khi lũ rút.
Bộ TN-MT, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai theo dõi diễn biến mưa lũ để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Cũng trong chiều nay, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vừa ký công điện khẩn yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm nhằm chủ động ứng phó với mưa lũ và bão Sarika.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT điện các Sở TT&TT; các tỉnh thành phố từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa; các doanh nghiệp bưu chính viễn thông: VNPT, Viettel, MobiFone, Vishipel, VNPOST, thành viên BCH PCTT&TKCN Bộ TT&TT.
Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ và bão Sarika, BCH PCTT&TKCN Bộ TT&TT yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm sau:
|
Mưa lũ tại các tỉnh miền Trung làm hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái, ngập úng, giao thông tê liệt. |
Cục Báo chí, Cục PTTH và Thông tin điện tử và Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh/thành phố nói trên chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương tăng cường tần suất, thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về dự báo, cảnh báo, chỉ đạo ứng phó với
mưa lũ, bão và các tình huống bất thường để chính quyền các cấp ở địa phương và người dân lưu ý, theo dõi, cập nhật thường xuyên, chủ động phòng tránh, tránh tư tưởng chủ quan, bị động, đặc biệt lưu ý tuyên truyền để nâng cao tinh thần đảm bảo an toàn cho tính mạng người dân, cán bộ tham gia phòng chống lụt bão.
Các cá nhân, đơn vị cần chia sẻ khó khăn, tham gia giúp đỡ, ủng hộ hỡ trợ nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng.
Các Tập đoàn, Tổng công ty và các Sở TT&TT tổ chức triển khai ngay phương án phòng, chống và phương án ứng cứu thông tin, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo điều hành của các cơ quan Đảng, chính quyền địa phương các cấp trong mọi tình huống. Ưu tiên gia cố lại nhà trạm, các tuyến truyền dẫn, cột ăng ten và mạng ngoại vi.
Cục Bưu điện TƯ sẵn sàng đảm bảo thông tin liên lạc bằng xe cơ động cho đoàn công tác của Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai và UBQG Phòng chống cứu nạn khi có yêu cầu.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, MobiFone và các DN viễn thông khác đảm bảo thông tin liên lạc an toàn tuyệt đối phục vụ chỉ đạo điều hành công tác phòng chống và khắc phục hậu quả.
Tăng cường bổ sung phương tiện trang thiết bị thông tin vệ tinh Inmarsat, VSAT, các trạm BTS di động và xe cơ động thông tin cho các công ty dọc trên địa bàn và viễn thông các tỉnh được dự báo ảnh hưởng trực tiếp của bão để sẵn sàng ứng cứu thông tin…
Tin lũ khẩn cấp trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và Nghệ An:
Tóm tắt tình hình
Lũ thượng lưu sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Gianh, sông Kiến Giang (Quảng Bình) đang xuống; hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông La và sông Cả (Nghệ An) đang lên. Mực nước lúc 16h ngày 15 tháng 10 trên một số sông như sau:
- Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ 14,39m, trên BĐ3 0,89m; tại Hòa Duyệt 10,38m, dưới BĐ3 0,12m;
- Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm 8,54m, dưới mức BĐ1.
- Sông Gianh tại Đồng Tâm 9,31m, trên BĐ1 2,31m; tại Mai Hóa 6,64m, trên BĐ3 0,14m;
- Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy 3,23m, trên BĐ3 0,53m.
Dự báo
Mưa ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình sẽ giảm nhanh. Trong đêm nay, khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 100mm.
Lũ hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông Cả và sông La tiếp tục lên; thượng lưu sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố, sông Gianh, sông Kiến Giang tiếp tục xuống.
Đến sáng mai (16/10), mực nước trên các sông có khả năng như sau:
- Sông Cả tại Nam Đàn lên mức 4,5m, dưới mức BĐ1 0,9m;
- Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ xuống mức 12,7m, trên BĐ2 0,7m; tại Hòa Duyệt ở mức 10,5m (BĐ3).
- Sông La tại Linh Cảm lên mức 4,2m, dưới BĐ1 0,3m;
- Sông Gianh tại Mai Hóa xuống mức 4,5m, dưới BĐ2 0,5m;
- Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 2,7m (BĐ3).
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; ngập lụt nghiêm trọng tiếp tục diễn ra ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trọng tâm là các huyện sau:
Nghệ An: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Đô Lương, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn;
Hà Tĩnh: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, TP.Hà Tĩnh;
Quảng Bình: Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy, TP. Đồng Hới.
Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2-3