Theo báo cáo nhanh của các tỉnh, thành miền Trung, nơi tâm bão số 10 đi qua Hà Tĩnh – Quảng Bình chịu thiệt hại rất lớn với hàng nghìn căn nhà bị hư hại, gãy đổ nhiều cây xanh và các công trình.
Cụ thể, theo báo cáo ban đầu của UBND Hà Tĩnh, với sức gió giật cấp 14-15, bão số 10 đã gây hậu quả nặng nề trên địa bàn tỉnh này. Bão đã làm tốc mái 169 ngôi nhà và làm ngập gần 3.000 nhà dân.
Riêng tại tâm bão thị xã Kỳ Anh, cột truyền sóng của Đài TT-TH thị xã đã bị gãy đổ, nhiều công trình, nhà dân bị hư hỏng nặng, tốc mái hoàn toàn. Đường giao thông ở các xã Kỳ Trinh, Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Hưng bị ngập khoảng 30 cm. UBND thị xã Kỳ Anh các phòng làm việc, mái hiên, nhà tập thể bị tốc mái.
|
Cổng chào ở TP. Đồng Hới đổ sập khiến giao thông trên tuyến đường trung tâm bị tắc nghẽn. |
Tại Quảng Bình, tính đến 14h ngày 15/9, theo thống kê của các cơ quan chức năng, do ảnh hưởng của bão số 10, toàn tỉnh có hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái; 7 người chết và bị thương... ước tính thiệt hại ban đầu gần 1.800 tỷ đồng.
Cao điểm, gió giật ở TP. Đồng Hới vào thời điểm từ 11h30 - 12h, quật đổ nhiều cây xanh trên các tuyến đường. Đặc biệt, 2 cổng chào trang trí rất đẹp bằng thép sơn nhiều màu nằm trên đường Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo đã bị gió bão quật đổ, giao thông bị tắc nghẽn hoàn toàn.
Ngoài ra, mưa lớn đã làm ngập nhiều tuyến đường như Trần Hưng Đạo, Thống Nhất, Nguyễn Trãi, Nguyễn Hữu Cảnh… Riêng đường Hữu Nghị ngập gần 1m, các phương tiện không thể lưu thông. Thành phố du lịch này đang oằn mình trong mưa bão.
Mời độc giả xem clip dân Nghệ An hộ đê trong mưa bão: (Nguồn: Báo Nghệ An)
Tại Thừa Thiên Huế, báo cáo bước đầu cho hay toàn tỉnh có 260 nhà bị tốc mái trong đó: Huyện Phong Điền 35 nhà (xã Phong Chương 35 nhà); Thị xã Hương Thủy 210 nhà (phường Thủy Phương 100 nhà, Thủy Dương 100 nhà, Thủy Thanh 10 nhà); thành phố Huế 15 nhà (An Đông 15 nhà). Về sản xuất, huyện Phú Vang có 63 ha nuôi trồng thủy sản hạ triều bị ngập. Sạt lở bờ biển dài khoảng 700m, sâu từ 5-10m, đoạn qua thôn Hải Thành, thị trấn Thuận An.
Một số tuyến tuyến đường Tôn Đức Thắng, Bà Triệu, Hùng Vương (thành phố Huế)... bị ngập úng từ 0,2 - 0,25m; nhiều cây xanh lâu năm trên địa bàn thành phố Huế và thị xã Hương Thủy bị gãy đổ.
Mưa bão cũng khiến ít nhất 2 người thương vong ở TT-Huế. Cụ thể, ông Ngô Văn Hiền (39 tuổi, trú tại thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) đi chăm sóc cây cao su trên đường về qua sông Ô Lâu bị nước cuốn, tử vong. Nạn nhân khác là cháu Nguyễn Thị Như Ý 03 tuổi, ở tại Phong Chương bị thương do lốc xoáy làm tốc mái nhà, ngói rơi vào đầu.
Đặc biệt, tại Nghệ An tuy chưa có thống kê chi tiết về thiệt hại do bão gây ra, tuy nhiên tình hình ở tỉnh này cũng đang hết sức cấp bách khi mà nước triều dâng, kết hợp với gió bão khiến nhiều đoạn đê xung yếu bị tràn, có nguy cơ vỡ.
|
Hàng nghìn người dân Nghệ An đang nỗ lực hộ đê. Nguồn ảnh: Báo Nghệ An |
Tại xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, ông Hồ Xuân Xuyên, Chủ tịch UBND xã cho biết, lúc 13h, nước triều cường dâng đỉnh điểm cùng với nước mưa từ trên nguồn về khiến đê sông bị đe dọa. Xã đã huy động hàng trăm người cùng với lực lượng công an huyện tập trung hộ đê. Đến 15h, nước thủy triều bắt đầu chững lại, đê được an toàn. Nhiều người dân thở phào bởi nếu đê bị vỡ, toàn bộ vùng đầm tôm của xã sẽ bị ngập, thiệt hại cả chục tỷ đồng.
Tại các tỉnh ven biển miền Bắc, tuy nằm cách xa tâm bão số 10 nhưng cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều. Cụ thể tại Quảng Ninh, sáng nay một tàu công trình và một tàu du lịch đã bị chìm do sóng lớn. Rất may thuyền viên trên 2 tàu đều an toàn.
|
Sóng cao 4-5m đánh vào bờ kè Đồ Sơn. Nguồn ảnh: Vietnamnet |
Ở Đồ Sơn, Hải Phòng, 12h trưa nay, triều cường dâng cao gây ngập cục bộ tại khu vực ven biển. Đầu giờ chiều, Đồ Sơn có mưa lớn, gió giật mạnh, tạo nên những cột sóng cao từ 4-5m.
Kiến Thức sẽ tiếp tục cập nhật thiệt hại do mưa bão gây ra…