Chiều 11/5, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Thanh Hóa tổng kết một năm triển khai Kế hoạch 2467 về thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên tuyến biên giới.
Kết quả, sau một năm thực hiện, Bộ đội Biên phòng đã tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc giao nộp 2.203 khẩu súng và nòng súng các loại; 24 bộ phận cò; 40g đạn chì; 1.368 hạt nổ... Đây là thành công lớn của lực lượng biên phòng Thanh Hóa, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tuyến biên giới, hạn chế việc săn bắn thú rừng của đồng bào.
|
Các lực lượng chức năng kiểm tra số súng săn do đồng bào giao nộp. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN |
Để đạt được kết quả trên, lực lượng Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã phối hợp với chính quyền địa phương, người có uy tín, các già làng, trưởng bản chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai thực hiện kế hoạch bằng nhiều hình thức, cách làm theo tính chất địa bàn, phong tục tập quán địa phương. Bộ đội Biên phòng cũng phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, chiếu video... để người dân hiểu rõ tác hại, hậu quả của việc sử dụng vũ khí trái quy định. Đối với những hộ cố tình không nộp súng săn, vật liệu nổ, lực lượng chức năng đã đến tận nhà để tuyên truyền vận động đồng bào tự nguyện giao nộp.
Tiêu biểu là các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo đã chủ động đến từng gia đình, vào từng chòi, rẫy để tuyên truyền, vận động đồng bào giao nộp vũ khí; hướng dẫn đồng bào tố giác đối tượng có hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Đồn Biên phòng Pù Nhi vận động cán bộ là người dân tộc Mông có uy tín đến tận các bản để tuyên truyền, xử lý các đối tượng cố tình cất giấu, không chịu giao nộp sẽ bị xử lý bằng pháp luật. Với cách làm này, đồng bào đã hiểu và tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Có thời điểm trong vòng 1 tháng, người dân nơi đây đã giao nộp cho Bộ đội Biên phòng gần 300 khẩu súng các loại.
Đại tá Lê Ngọc Long, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết đã phối hợp với chính quyền địa phương thu giữ được lượng lớn vũ khí, vật liệu nổ, nhưng vẫn còn một số hộ cất giấu vũ khí tại các chòi rẫy trong rừng, gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự trên tuyến biên giới. Đặc biệt các đối tượng vận chuyển, mua bán ma túy vẫn sử dụng vũ khí là súng tự chế để chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện...
Do đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Với nhiều cách làm sáng tạo của Bộ đội Biên phòng, đã có 152/152 bản trên tuyến biên giới ký cam kết với xã, đồn biên phòng, chính quyền địa phương không tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ trái phép.