Tết đang đến gần. Nếu như người trẻ ngày nay không còn quá nhiều sự háo hức, chờ đợi thì đối với các thế hệ cha anh, Tết là một thời điểm vô cùng thiêng liêng.
Nhà văn Lê Tự (SN 1955, Hà Nội) vẫn nhớ cái cảm giáo háo hức chờ đợi mỗi dịp Tết đến từ khi ông còn là một cậu bé. Ông kể, quê ông ở Kiến An, Hải Phòng. Ngày bé, cuộc sống khó khăn nên cũng giống như nhiều người khác, ông chỉ mong đến Tết để được một miếng ăn ngon.
Ông kể tiếp, thời còn hợp tác xã (HTX), mỗi gia đình được phân công nuôi 1-2 con lợn. Sau khi lợn đủ cân nặng, tiêu chuẩn, các gia đình sẽ phải nộp lại và HTX sẽ chia lại cho người dân theo chế độ tem, phiếu. Tuy nhiên, miếng thịt ngày xưa là thứ vô cùng khan hiếm.
|
Nhà văn Lê Tự. |
Muốn có miếng thịt lợn đầy đặn, người ta phải chờ đến Tết. Nhưng những ngày này, các gia đình đông con cũng chỉ được chia 3, 4 lạng thịt.
"Người lớn đã vậy, trẻ con lại càng mong đến Tết. Có đứa còn đếm từng ngày đến Tết để được ăn, được mặc quần áo đẹp. Nhà tôi nghèo và đông anh em, tôi cũng chỉ mong đến Tết để được ăn.
Năm đó, tôi học lớp 6, cả tổ xã viên gần 20 người thấy các cháu trong tổ suy dinh dưỡng, gầy gò nên ai cũng băn khoăn. Nếu chờ Tết các gia đình cũng chỉ được phân 3, 4 lạng thịt. Cuối cùng, họ bàn nhau mổ trộm 1 con lợn.
Sau khi thống nhất, họ chọn địa điểm mổ lợn là nhà tôi. Nhà tôi nằm giữa cánh đồng, bao quanh nhà là những lũy tre rậm rạp. Đêm đến, mọi người mang lợn đến nhà tôi rồi đào một hố lớn dưới khóm tre.
Sau đó, họ lùa lợn xuống hầm đất, soi đèn dầu và mổ trộm. Thế là năm đó, mỗi nhà chúng tôi được thêm gần 2kg thịt.
|
Mua hàng trước Tết thời bao cấp (Ảnh: Internet) |
Đó là cái Tết duy nhất thời bao cấp mà chúng tôi được ăn ngon và nhiều thịt nhất. Vì thế, tôi cứ nhớ mãi”, nhà văn kể.
Ông kể tiếp: “Sau khi tốt nghiệp đại học ở Kiev về nước, tôi có thời gian làm phiên dịch cho các kỹ sư Liên Xô (cũ) khi thi công công trình thủy điện sông Đà. Năm đó, tôi cùng một số anh em phải ở lại trực Tết. Cả đội 45 người chúng tôi quây quần nấu bánh chưng. Chúng tôi cũng được cấp một con lợn để thịt.
Khi mổ lợn, nhà bếp bê lên bộ lòng với lá gan để chuẩn bị thái, mọi người cứ nhìn nhau. Miếng gan lợn thời nay, chẳng phải món đắt giá gì thậm chí có người không bao giờ động đũa, nhưng ngày đó, miếng gan như một thứ thực phẩm quý hiếm, ai cũng muốn có phần.
Vì thế, anh đầu bếp vô cùng đau đầu. Con lợn chỉ mỗi lá gan nhưng cả đội lại có tận 45 người. Anh phải chia thế nào để không có cảnh người ăn, người nhịn?
Cuối cùng, anh nảy ra một sáng kiến. Theo đó, anh cắt ra một miếng nhỏ để riêng. Phần còn lại anh đều cắt làm 2 phần, 2 phần đó anh tiếp tục cắt làm 4... Cứ thế, cứ thế, anh cắt được 44 miếng đều tăm tắp. Cùng với miếng đầu tiên, anh bếp đã chia đủ 45 miếng gan một cách thần kì.
Sau đó, cả đội 45 người chia nhau, mỗi người gắp một miếng, không hơn không kém. Nghèo đói, thiếu thốn thế nhưng cả cái Tết vẫn cứ rộn rã tiếng cười” - nhà văn Lê Tự kể.
Nhiều năm sau này, khi kinh tế khá hơn, miếng ăn không còn là nỗi ám ảnh với những người ở thế hệ trước nhưng ông vẫn phải thừa nhận: "Tôi đã đi qua tuổi thơ, qua tuổi thanh xuân... với một cái dạ dày lúc nào cũng réo gọi. Đến giờ, mỗi khi nhìn mâm cơm có món gan, lòng tôi vẫn chưa thôi những rưng rưng, xúc động về một thời gian đói khổ mà vẫn ấm áp tình người".
Nhà văn, nhà báo Lê Tự (SN 1955, quê ở Kiến An, Hải Phòng). Ông là Hội viên Hội nhà văn Hà Nội.
Năm 1972 ông tham gia chiến trường miền Nam. Năm 1984, ông tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Kiev, Ukraina. Từ năm 1999-2015, ông công tác tại báo Đại Đoàn Kết.
Các tác phẩm tiêu biểu: Bố tôi làm mặt trận (tiểu thuyết), Thám tử ba khía và cộng sự (tiểu thuyết); Đời quân tử (tập truyện ngắn)...
Mời quý độc giả xem video Người đàn ông tuyển vợ kỳ lạ (nguồn VTC):