Đầu giờ chiều, cảng cá Thọ Quang nêm chặt những con thuyền màu xanh san sát bên nhau. Mọi lần về cảng chỉ có những người đàn ông miền biển “chắc nụi” hì hụi kéo cá mực ra khỏi khoang cho bạn hàng, thì hôm nay thuyền nào cũng lấp ló thêm bóng dáng một vài phụ nữ. Họ là mẹ, vợ, con gái của ngư dân ra đây làm mâm cơm cúng tất niên sau chuyến biển cuối năm.
Bữa cơm duy nhất không bị sóng nhồi
Trong khoảng bếp chật chội như chiếc hộp diêm trên tàu, bà Lê Thị Chiên (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) loay hoay luộc con gà, bày thêm vài đĩa chả, xôi chè. Bà nói cả năm đi biển, sống nhờ lộc biển nên dù cuối năm bận rộn mấy cũng tranh thủ ra làm mâm cơm tất niên trên tàu cho đàng hoàng, trước để tạ ơn trời đất, cầu sóng yên bể lặng, sau nữa là anh em bạn thuyền cùng ngồi lại với nhau. Cạnh bên, hàng chục tàu khác cũng đã bày mâm cơm ra trước mũi, những ngư dân quanh năm xộc xệch lăn lộn với sóng nước, cá tôm nay bận bộ đồ lịch sự, chỉnh tề cầm nén hương hướng về phía biển vái trời đất. Cảng cá chiều cuối năm bỗng đầm ấm, ngập không khí Tết.
|
Anh Phạm Văn Sơn (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) gói ghém cá khô đem về làm quà Tết cho gia đình. Ảnh: Thanh Trần |
Tuần hương vừa dứt, mọi người bưng cỗ dọn ra giữa thuyền, anh em bạn chài quây quần lại, người xé gà, người đâm muối ớt, í ới gọi nhau. Trên cầu cảng, bạn hàng, thợ cơ khí, xe kéo… khệ nệ vác bia xuống góp vui với mọi người. Mâm cơm trên cảng phút chốc đông đúc, rôm rả hẳn lên. Anh Phạm Văn Sơn, ngư dân tàu QNg 94923 bảo rằng đây là bữa cơm duy nhất trên thuyền không bị sóng xô nhúi nhùi, vừa ăn vừa lắc.
Anh kể ra biển, lần ăn nào cũng gấp gáp, qua loa, khi gặp sóng dữ thì mỗi người tự bưng một tô, kiếm chỗ nào có chỗ víu để đứng, không sóng lại đập cho lộn nhào. Mọi người chen thêm vào: “Không bị sóng nhồi cứ thấy thiếu thiếu, ăn không quen!”. Bà Chiên sớt đĩa xôi ra bát từng người, trầm ngâm: “Nhiều lúc biết tin tàu về, cũng ưng kêu mấy đứa con ghé nhà ăn một bữa cơm cho đàng hoàng rồi hẵng đi. Cứ nghĩ tụi hắn mỗi năm hết hơn mười tháng giữa biển, ăn uống, ngủ nghỉ chi cũng nhồi theo sóng. Thương! Nhưng nghề biển, phải rứa thôi. Chừ có bữa tất niên, coi như bữa ăn “bình yên” trên tàu, tha hồ hàn huyên mà chẳng lo sóng, lo gió”.
Câu chuyện về một năm bám biển được anh Sơn khơi mào. Anh nói so với mấy năm trở lại đây, năm nay hầu hết tàu giã cào đều trúng, nhất là từ tháng 6 đến tháng 8. Con tàu anh đi khai thác chủ yếu ở ngư trường Hoàng Sa, nơi ấy mọi tầng biển đều có cá, tôm, mực… Mùa nắng, thời tiết thuận lợi, tàu anh trúng đậm lộc cá thu, cá ngừ đại dương, cá sòng…Những chuyến cuối năm lại được mùa mực nang. Ông Lưu Quang Duy, chủ tàu QNg 94402 cũng hồ hởi khoe: “Năm qua tàu làm ăn được, có chuyến ôm về hơn 50 tấn hải sản, chia ra mỗi bạn tàu cũng hơn chục triệu. Rứa nên anh em có động lực ra khơi lắm!”. Nói rồi ông chỉ vào khoang chứa, bảo chuyến cuối năm, riêng mực được hơn hai tấn. Vậy là tết ấm.
Mừng vậy, họ vẫn không khỏi thở dài vì sự cố biển miền Trung vào hồi tháng Tư làm cá chết hàng loạt, những bụng tàu no cá trở về ế ẩm, phải bán với giá rẻ bèo. Nhưng rồi họ lại động viên nhau, ngư dân bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế phải kéo thuyền lên cát, còn khổ hơn. Vậy nên dù cá có rớt đi một vài giá, mà vẫn sống được với nghề biển thì đã may mắn hơn rất nhiều rồi.
Thay cờ mới, năm mới ra Hoàng Sa
Câu chuyện bên mâm cơm cuối năm ngày một dài thêm. Anh Lê Duy Long (31 tuổi, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) nói cứng: “Mình đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa, khai thác ở vùng biển chủ quyền, nếu vì sợ rượt đuổi mà bỏ biển là mình đã không làm tròn trách nhiệm một cột mốc sống trên biển rồi”. Ngư dân Nguyễn Đình Thanh (61 tuổi, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), thuyền viên tàu ĐNa 90397 kể có lần tàu lạ đuổi, ông và anh em trên tàu phải kéo hết ga chạy. Tàu bị ép máy, hỏng hóc thả trôi lênh đênh trên biển, gần một ngày sau mới được lai dắt về. Đó cũng là chuyến biển áp Tết, tàu “ăn cá” chưa no đã phải vào bờ, đến nay vẫn chưa sửa chữa xong.
|
Ngư dân thay lá cờ Tổ quốc mới cho con tàu đón năm mới. Ảnh: Thanh Trần |
Mâm cơm, chén rượu gần tàn, những ngư dân trẻ vào lấy lá cờ Tổ quốc mới tinh được gói ghém cẩn thận treo vào cột. Lá cờ đỏ tươi, sao vàng phấp phới tung bay trên nóc con tàu. Nhìn gần xa, hàng loạt con tàu khác cũng đã thay màu cờ mới, cảng rợp cờ đỏ sao vàng. Đinh Nam, ngư dân 19 tuổi bảo cờ Tổ quốc luôn thường trực trên tàu. “Năm nào cũng vậy, cứ Tết đến người dân treo cờ trước nhà thì ngư dân treo cờ mới trên tàu”, Nam nói.
Sau bữa tất niên cuối năm nay, ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… sẽ đem tàu đi neo đậu, rồi tranh thủ ra phố Đà Nẵng sắm Tết trước khi về quê. Chị Trần Thị Hà, vợ ngư dân Võ Văn Nghị (quê Đức Phổ, Quảng Ngãi) dẫn theo đứa con nhỏ ra đón chồng, tối đến cả nhà lên siêu thị sắm ít bánh mứt, đồ mới cho con. Ngư dân Nguyễn Hoàng Hà (22 tuổi, quê Bình Định) lại dành số tiền sau chuyến biển này mua tặng mẹ chiếc điện thoại mới. Quà Tết đem về còn có thêm lộc biển, là cá, mực đã phơi vài lần nắng giữa đại dương, ngư dân gói ghém cẩn thận, phần cho nhà, phần biếu bà con.
Anh Sơn nói từ mồng 10 tháng Giêng, xóm đi biển ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) của anh sẽ ra lại Đà Nẵng để đi chuyến biển đầu năm. Ngư trường “mở hàng” vẫn sẽ là Hoàng Sa, bởi đó là ngư trường dồi dào nhất, nên tàu sẽ tới để “lấy hên”. Anh Trần Văn Mười (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), chủ con tàu vỏ thép đầu tiên của Đà Nẵng ĐNa 90777 cũng cho hay sau rằm tháng Giêng, tàu sẽ cùng 14 ngư dân thẳng tiến ra Hoàng Sa. Anh tự tin: “Kinh nghiệm bao năm nay, mùa đầu năm là mùa lộc biển, ngư trường Hoàng Sa tha hồ cá cơm, cá ngừ… cứ ra là trúng. Tàu tôi sẽ đi khoảng 25 ngày. Tôi chắc chắn chuyến đầu năm sẽ suôn sẻ, thuận lợi”. Anh còn nói thêm lý do ra Hoàng Sa là bởi không khí đầu năm trên ngư trường này rất vui và đấm ấm. Tàu cá tấp nập, ngư dân hăng hái đánh bắt. Tàu nào cũng thủ theo ít quà Tết còn sót lại để cơ cơ hội thì chia cho những tàu đánh bắt “hai năm” không về đất liền đón Tết cùng gia đình.
Theo ông Nguyễn Lại, Hội nghề cá TP Đà Nẵng, năm 2016, ngoại trừ sự cố môi trường biển miền Trung, ngư dân đánh bắt hoàn toàn thuận lợi. So với các năm trước, ngư dân ít chịu ảnh hưởng thiên tai và các thế lực uy hiếp trên biển hơn. Đặc biệt mùa mưa ít bão, áp thấp nhiệt đới, những chuyến cuối năm thời tiết thuận lợi nên các tàu trúng đậm cá, mực.