Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử có giá trị tương đương như CCCD cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên và thay thế CCCD trong các hoạt động giao dịch cần xuất trình giấy tờ tùy thân, nên khi CCCD hết hạn thì mặc định tài khoản định danh điện tử cũng sẽ hết hạn.
Khi sử dụng tài khoản định danh điện tử, người dân cần nhớ các mốc tuổi hết hạn của CCCD là khi chúng ta đủ 25, 40 và 60 tuổi. Tuy nhiên, trong trường hợp đổi CCCD mới trong vòng 2 năm trước các mốc tuổi hết hạn thì CCCD sẽ có thời hạn sử dụng đến mốc tuổi tiếp theo. Do đó, khi CCCD hết hạn, người dân phải thực hiện thủ tục cấp đổi theo đúng quy định thì tài khoản định danh điện tử mới có giá trị sử dụng tiếp.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ, tài khoản định danh điện tử sẽ bị khóa trong 4 trường hợp sau đây:
- Có yêu cầu của chủ tài khoản định danh điện tử.
Khi người dân có yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử thì phải gửi đề nghị đến cơ quan Công an địa phương và trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, cơ quan Công an sẽ giải quyết khóa tài khoản cho người dân. Hoặc có thể làm theo hướng dẫn trên ứng dụng VNeID hay liên hệ tổng đài hỗ trợ 1900.0368.
- Chủ tài khoản định danh điện tử đã vi phạm điều khoản sử dụng ứng dụng VNeID như: sử dụng tài khoản định danh điện tử vào các hoạt động và giao dịch trái với quy định của pháp luật, xâm phạm đến an ninh quốc phòng và lợi ích quốc gia cũng như lợi ích công cộng, cùng quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức hoặc can thiệp trái phép vào tài khoản định danh điện tử của người khác.
- Chủ tài khoản định danh điện tử bị thu hồi CCCD trong trường hợp phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, hoặc đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án tù giam.
- Chủ tài khoản định danh điện tử đã qua đời.
Sau khi bị khóa, tài khoản định danh điện tử được mở khi nào?
- Tài khoản định danh điện tử chỉ được mở khi có đủ căn cứ chủ tài khoản không còn thuộc các trường hợp trên. Do đó, tùy từng trường hợp bị khóa mà có thể là chủ tài khoản định danh điện tử hoặc cơ quan tố tụng, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ gửi đề nghị để yêu cầu mở khóa tới cơ quan Công an để được xem xét và giải quyết.
- Trong vòng 2 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận đề nghị, cơ quan Công an sẽ giải quyết mở tài khoản định danh điện tử cho chủ tài khoản. Nếu từ chối mở khóa tài khoản thì bắt buộc cơ quan Công an phải trả lời lý do bằng văn bản.
- Trường hợp nếu không đến trực tiếp cơ quan chức năng để đề nghị thì người dân có thể liên hệ với tổng đài 1900.0368 để mở tài khoản định danh điện tử.
Một vấn đề nữa là, trong quá trình sử dụng tài khoản định danh điện tử, một số người dân cũng gặp rắc rối liên quan đến việc đổi điện thoại mới, do mỗi tài khoản chỉ được dùng mặc định trên một chiếc điện thoại nên lỡ điện thoại hỏng thì cũng không thể đăng nhập vào tài khoản định danh điện tử dùng được.
Để xử lý tình huống này, hướng dẫn giải quyết như sau: Trên chiếc điện thoại mới, người dân cần tải ứng dụng VNeID, rồi đăng nhập bằng số CCCD và mật khẩu của mình. Tại đây, VNeID hiện ra thông báo rằng người dân đang đăng nhập trên thiết bị mới và để tiếp tục thì cần phải thực hiện xác nhận. Tiếp theo, chọn xác thực NFC bằng thẻ CCCD gắn chip. Lúc này, người dân xem hướng dẫn xác thực NFC rồi bấm tiếp tục và đưa điện thoại gần CCCD gắn chip để đọc NFC. Hoàn tất bước đọc, hệ thống sẽ tự động kích hoạt và nhận diện tài khoản định danh điện tử trên điện thoại mới. Cuối cùng, người dân chỉ còn phải chờ mã OTP về điện thoại mới, nhập vào là xong.
Lưu ý: nếu điện thoại không đọc được NFC thì người dân có thể mượn điện thoại khác để thao tác các bước theo hướng dẫn trên rồi lấy OTP để mở trên thiết bị của mình. Tuy nhiên, nhớ là sau khi làm xong, người dân phải vào mục Cá nhân rồi Quản lý thiết bị và Hủy liên kết.
Trường hợp không thể xử lý được thì người dân nên đến trực tiếp cơ quan Công an địa phương để được hỗ trợ giải quyết.