Sức khỏe 20 bệnh nhân COVID-19 tại Chí Linh thế nào?

Google News

Tại Bệnh viện dã chiến số 1, các bác sĩ đang theo dõi 20 ca có tổn thương ở phổi nhưng triệu chứng không quá nặng.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh cho biết, trong đợt bùng phát dịch mới, Hải Dương ghi nhận số lượng bệnh nhân rất lớn.
Tuy nhiên, khác với ổ dịch tại Đà Nẵng trước đây, hầu hết bệnh nhân ở Hải Dương là các công nhân tương đối khỏe mạnh. Những người có bệnh nền, người cao tuổi hoặc đối tượng đặc biệt chiếm số lượng khá ít.
Đến nay, Bệnh viện dã chiến số 2 ở Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương chỉ ghi nhận 1 ca diễn biến khó thở nhẹ.
Tại Bệnh viện dã chiến số 1 - Trung tâm Y tế TP. Chí Linh, các bác sĩ đang theo dõi 20 ca có tổn thương ở phổi. Tuy nhiên, các bệnh nhân hiện chưa có triệu chứng quá nặng. Bệnh viện đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ những trường hợp này để điều trị kịp thời theo đúng phác đồ, hạn chế diễn biến nặng.
“Chúng tôi khá yên tâm về tình hình điều trị, tuy vậy cũng hết sức cảnh giác bởi bệnh nhân COVID-19 thường diễn biến nặng từ tuần thứ 2 trở đi. Mục tiêu đặt ra là cố gắng không để bệnh nhân nào tử vong”, ông Khoa cho hay.
Suc khoe 20 benh nhan COVID-19 tai Chi Linh the nao?
 Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Phó đoàn công tác chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Hải Dương làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh tối 5/2 - Ảnh: Nguyễn Liên
Hiện tại, ngành y tế thiết lập 200 giường bệnh tại Bệnh viện dã chiến số 1 ở TP Chí Linh. Bệnh viện số 2 trước mắt có 210 giường bệnh, tuy nhiên có thể mở rộng công suất lên đến 500 giường.
“Như vậy toàn tỉnh hiện có tổng quy mô 900 giường bệnh phục vụ điều trị COVID-19. Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi có thể mở rộng quy mô thêm 300 giường bệnh tại Bệnh viện số 2, nâng tổng số lên 1.200 giường”, ông Khoa nói.
Hải Dương cũng đang nhanh chóng triển khai bệnh viện dã chiến số 3, dự kiến có thể vận hành trong một số ngày tới.
Về nhân lực điều trị, cán bộ y tế tại Bệnh viện dã chiến số 1 hầu hết đều từ Trung tâm Y tế TP. Chí Linh, dưới sự hỗ trợ của các cán bộ Sở Y tế Hải Dương điều động về. Ngoài ra, cơ sở này đang được các chuyên gia từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương “cắm chốt”, do bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện trực tiếp chỉ đạo chuyên môn.
Bệnh viện dã chiến số 2 cũng có nhân lực phối hợp giữa ba bên, gồm nhân lực tại chỗ của Bệnh viện Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương, nhân lực do Sở Y tế điều động và các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai. Hiện bệnh viện đã thiết lập được 1 đơn vị điều trị tích cực với đầy đủ phương tiện hiện đại, gồm máy thở, thiết bị ECMO và 10 giường cấp cứu.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Khoa, ngoài mục tiêu không để bệnh nhân tử vong, ngành y tế đặt ra mục tiêu thứ hai là không để nhân viên y tế nào lây nhiễm khi làm việc. Các bệnh viện đang cố gắng phân luồng bệnh nhân, bố trí ca kíp hợp lý cho nhân viên y tế để vừa bảo đảm sức khỏe, vừa chống lây nhiễm.
“Cả hai mục tiêu này mà đạt được thì số lượng bệnh nhân có nhiều cũng không đáng sợ”, ông Khoa cho hay.
Bộ Y tế cũng đặc biệt lưu ý tới việc đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh bình thường ở các cơ sở y tế trên địa bàn Hải Dương.
Theo ông Khoa, các bệnh viện trong tỉnh đến nay đã kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn các ca dương tính xâm nhập, phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Nếu để 1 ca bệnh COVID-19 xâm nhâp, nằm nội trú kéo dài ở bệnh viện, hậu quả sẽ có rất nhiều ca nặng xuất hiện.
Với một số đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng khi mắc Covid-19 như bệnh nhân bị suy thận, đang chạy thận nhân tạo, bệnh nhân ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh cho hay, các cơ sở y tế trên địa bàn đã có kế hoạch chi tiết để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho nhóm này.
“Chúng tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành y tế tới các ngành liên quan tại Hải Dương đã hỗ trợ tích cực để đạt được các kết quả nói trên”, ông Khoa nói.
Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)