Diễn viên xiếc “nửa người nửa thú”
Anh Nguyễn Văn Hoàn (SN 1975, ở Ba Đình, Hà Nội) hiện đang là trưởng đoàn xiếc thú của Liên đoàn xiếc Việt Nam.
Chia sẻ về cơ duyên với nghề xiếc, anh Hoàn nói: “Ngày xưa đi xem xiếc nhìn các nghệ sĩ biểu diễn xiếc trên sân khấu, nhào lộn, tung hứng, diễn trò… tôi thích lắm. Thế nên cũng có ước mơ sau này được đứng trên sân khấu”.
Năm 1986, anh Hoàn cùng anh trai mình thi vào trường Trung cấp nghệ thuật xiếc và tạp kĩ Việt Nam. May mắn, cả 2 anh em cùng đỗ vào chung một khoa.
“Hồi đó xiếc còn bao cấp, nghề xiếc có giá lắm. Năm tôi thi có hơn 2.000 thí sinh tham dự nhưng chỉ lấy có 20 người. Thế nên, 2 anh em tôi cùng đỗ tự hào lắm. Đó cũng là kỷ lục lần đầu tiên của trường khi có 2 anh em cùng đỗ vào một khoa”, anh Hoàn nói với giọng đầy tự hào.
|
Xiếc ngựa đòi hỏi sự nhanh nhẹn, dẻo dai và khéo léo, đam mê tốc độ
|
Đến năm 1991 khi ra trường, anh Hoàn và anh trai cùng về công tác tại Liên đoàn xiếc Việt Nam. Anh Hoàn tiếp tục công tác tại đây đến bây giờ còn anh trai công tác được khoảng 2 năm thì chuyển vào Liên đoàn xiếc thành phố Hồ Chí Minh.
Hồi mới về Liên đoàn xiếc, anh Hoàn tập và biểu diễn về xiếc người với các tiết mục đu quăng, đu bay. Các tiết mục đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo và khỏe mạnh.
Đến năm 1995, Liên đoàn yêu cầu lấy 5 người từ bên xiếc người qua bên xiếc thú để tập với xiếc ngựa. Với khả năng nhào lộn siêu đẳng và sự nhanh nhẹn của mình, anh Hoàn được tuyển chọn.
“Đặc biệt của ngựa là những cú phi nước đại nên người nghệ sĩ tập luyện với ngựa phải là người có đam mê tốc độ, sức khỏe và sự nhanh nhẹn, khéo léo”, anh Hoàn chia sẻ.
Dù chuyển sang tập xiếc ngựa nhưng anh Hoàn vẫn tiếp tục biểu diễn xiếc người. Vì thế, bạn bè, đồng nghiệp vẫn hay trêu vui anh là diễn viên xiếc “nửa người nửa thú”. Đến năm 2006, anh Hoàn mới chính thức chuyển hẳn về đoàn xiếc thú.
Bị ngựa đá trúng bụng đến bất tỉnh
Nói về kỉ niệm đáng nhớ với xiếc ngựa, anh Hoàn nhớ lại: “Năm 1995, tôi tập luyện với 4 con ngựa. Lúc đó, thanh niên nên để tóc dài và lúc tập luyện, tôi có buộc một dây đỏ vào trán để giữ tóc, ngăn mồ hôi.
Khi ngựa đang chạy vòng tròn quanh sân khấu, tôi chạy ngang vào để nhảy lên lưng thì một con giật mình và tung 2 chân sau đá trúng bụng tôi. Tôi bay lên cao vài mét rồi ngã xuống. Ban đầu, cứ tưởng không sao nhưng sau đó người cứ lả và lịm dần đi. Anh em phải đưa xuống phòng y tế nằm, may mắn là không sao”.
Một con ngựa khác mà anh Hoàn cũng rất nhớ, đó là con Chiến. Chú ngựa này nhìn rất đẹp nhưng khi tập luyện hay dở chứng.
|
Anh Hoàn chuyển qua công tác huấn luyện và hướng dẫn các diễn viên trẻ tập xiếc ngựa
|
“Thời gian đầu, do tập luyện quá sức nên mỗi lần ra sân tập là nó sợ và cứ nhảy bổ lên. Hai chân trước của nó cứ dựng lên và nhằm thẳng mặt tôi mà vồ. Con này tập luyện vất vả nhưng sau diễn được một thời gian thì bị đau chân nên thôi”, anh Hoàn nói.
Để thuần một con ngựa biết nghe lời và cảm nhận được các động tác của diễn viên, anh Hoàn cho biết cần khoảng 6 tháng. Ban đầu, ngựa sẽ được tập chạy cho quen sân khấu và những khẩu lệnh để biết khi nào chạy nhanh, khi nào chạy chậm. Sau đó, ngựa được chuyển qua phối hợp với diễn viên tập các động tác như luồn qua bụng, qua cổ, nhào lộn trên lưng…
Hiện trong Liên đoàn xiếc có 4 chú ngựa to để biểu diễn cùng diễn viên và 3 chú ngựa con để diễn trò trong các tiết mục. Những chú ngựa được chăm sóc khá kĩ lưỡng với chế độ ăn đặc biệt như thóc ngâm, khoai, mía…
Do đã lớn tuổi, không còn đủ nhanh nhẹn để diễn với ngựa nữa nên anh Hoàn chuyển qua công tác huấn luyện và hướng dẫn các diễn viên trẻ. Ngoài ra, anh Hoàn còn đảm nhiệm tiết mục xiếc gấu.
Trăn trở với nghề, anh Hoàn nói: “Tôi luôn tìm tòi để làm mới các tiết mục. Người nghệ sĩ lên sân khấu không phải lúc nào cũng theo một mô típ là phải diễn trò với các con thú mà cần phải vui đùa, vuốt vẻ để khán giả không cảm thấy xa vời. Hơn nữa, phải sáng tạo ra các bối cảnh, tình huống để khán giả cảm nhận được sự gần gũi với đời thực”.