Thông tin trên báo chí, người nhuộm màu cho đàn bồ câu là chị Nguyễn Thị Quang Thanh. Chị cho biết mình đã cùng một người bạn dùng màu nhuộm để vẽ lên lông một số chim bồ câu trong đàn.
Khi nhìn thấy đàn bồ câu nhiều màu sắc sặc sỡ, nhiều du khách tỏ ra rất thích thú nhưng cũng có nhiều người bày tỏ sự lo lắng và cho rằng đó là việc làm trái với tự nhiên.
Nhiều cư dân mạng cũng bày tỏ thái độ trước sự việc này. Facebooker VQ lên tiếng: "Với tư cách là người yêu chim, tôi khẩn thiết đề nghị chị em không tự ý vẽ màu sặc sỡ lên chim như thế này. Hãy để chim đẹp tự nhiên như nó vốn có".
|
Ảnh minh họa. |
Facebooker VTM cũng bày tỏ: "Tôi nghĩ hãy để nó có màu tự nhiên, cái gì của tự nhiên vẫn hay hơn, khi sơn biết đâu dịch bệnh thì khổ".
Theo ThS sinh thái môi trường Nguyễn Đình Xuân, nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát, việc dùng màu vẽ lên lông chim như trên có thể có hại nếu trong thành phần màu có chứa hóa chất gây hại. “Theo tôi, chúng ta nên tôn trọng tự nhiên. Nếu bạn tự nhuộm tóc của bạn, điều đó không vấn đề gì. Nhưng bạn đi nhuộm tóc của người khác, bạn phải hỏi xem họ có muốn hay không. Ứng xử với động vật và thiên nhiên cũng nên dựa trên tinh thần đó. Rất có thể những cá thể bồ câu khác màu tự nhiên này sẽ không được đàn chim chấp nhận” - ông Xuân lưu ý.
Ông Xuân kể trước kia có một cán bộ coi vườn quốc gia nơi ông công tác đã dùng màu vẽ những vệt rằn ri như hổ lên mình một con chó. Người đó vẽ khéo đến nỗi một du khách nước ngoài nhìn thấy con vật lạ, thích quá đòi mua với giá rất cao. Nhưng sau khi nghe được câu chuyện thật, du khách đó đã nói đừng vẽ lên chó như thế, đó là việc làm phản tự nhiên.
Đồng quan điểm với ông Xuân, cô Lê Thị Huệ, giáo viên sinh học Trường THCS College (quận 3, TP.HCM), cũng cho rằng việc vẽ màu lên lông chim bồ câu là trái tự nhiên. Theo cô Huệ, sắc màu được hình thành bên ngoài như da hoặc lông đều có nguồn gốc di truyền, giúp các loài động vật thích nghi với môi trường sống. Ngoài ra còn có tác dụng ngụy trang, lẩn tránh hoặc bắt mồi cũng như liên lạc, thu hút bạn tình, duy trì nòi giống.
“Việc thay đổi màu lông bồ câu một cách khiên cưỡng như vậy có thể gây ức chế, khó khăn cho chính những con chim này và dẫn đến chim bị stress. Theo tôi, ta không nên làm gì trái với tự nhiên mà hãy để tự nhiên làm đẹp cuộc sống” - cô Huệ nói.
Còn luật sư Đặng Thành Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM, thì cho rằng hiện nay chưa có quy định nào cấm vẽ sơn lên chim bồ câu vì đây không phải động vật quý hiếm cần được bảo vệ. “Tôi thấy vẽ màu lên chim cũng đẹp, sặc sỡ, có thể thu hút du khách” - ông Trí nêu quan điểm.