Được biết đến là một trong những nghĩa trang lớn nhất của TP HCM, từ lâu, Bình Hưng Hòa là nơi an nghỉ thiên thu của hàng ngàn người. Ăn theo nghĩa trang này có cả chục các trại hòm (tiệm bán quan tài) ở các đường Tân Kỳ Tân Quý, Gò Dầu, Cầu Xéo, Kênh Nước Đen… đều làm ăn vô cùng “thịnh vượng”.
Thế nhưng gần đây, do tốc độ đô thị hóa, Bình Hưng Hòa ngày càng trở nên chật hẹp và ô nhiễm nên chính quyền thành phố tạm dừng việc an táng để chuyển ra những nơi khác xa hơn.
Nghiệp kinh doanh giữa đường đứt gánh, những chủ trại hòm ở đây nghĩ ra một “chiêu làm ăn” mới để khuyến khích số “người sử dụng” sản phẩm của mình bằng cách thuê người sống giả làm xác chết nằm ngủ qua đêm trong… quan tài. Không hiểu do đâu mà những chủ trại hòm ấy tin rằng, khi có người “nằm thử” thì quan tài đó sẽ có người tới rước đi.
Nghề không dành cho những người yếu tim
Có lẽ trong chúng ta, bất cứ ai mỗi khi nghe nói, nhìn thấy những chiếc quan tài sơn màu đỏ leo loét là cũng cảm thấy lạnh sống lưng, không muốn đến gần. Thế nhưng vì mưu sinh, vì miếng cơm manh áo, nhiều người đã phải cắn răng vào nằm trong… quan tài mỗi đêm để kiếm vài trăm ngàn đồng, thậm chí nếu có hiệu quả thì chủ có thể thưởng thêm.
Dù chỉ là mấy tấm gỗ vô tri vô giác nhưng có lẽ, nếu không phải là những người có một thần kinh thép thì sẽ không bao giờ đủ can đảm nằm trong những cỗ áo quan lạnh toát vô hồn cho những người khác đóng nắp lại.
May mắn gặp được những người từng đi “chết giả” như vậy, chúng tôi đã nghe họ nói về cảm giác và những suy nghĩ, những gì đã diễn ra trong cỗ quan tài ấy, một điều mà tưởng như chỉ những xác chết mới biết mà thôi.
Trịnh Văn Sinh, 41 tuổi, quê gốc vùng Chợ Gạo (Tiền Giang) nhưng hiện tạm trú tại đường Mã Lò (quận Tân Phú), một người chuyên thổi kèn cho các đám tang tâm sự: “Tui bắt đầu làm thêm công việc “giả chết” được hơn 1 năm nay. Mỗi đêm, cứ khoảng 0 giờ là tui chui vô quan tài nằm, chủ tiệm đạy nắp áo quan, làm mấy công việc “cơ bản” khi hành lễ nhập quan là thắp hương, cúng bát cơm trắng, quả trứng luộc… rồi tắt đèn… đi ngủ. Còn lại một mình, tôi cũng nằm im không cục cựa gì như người chết thật.
Thú thực, mấy lần đầu dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng tôi vẫn rất sợ. Một cảm giác hãi hùng không biết vì sao cứ xâm chiếm mọi giác quan khiến toàn thân lạnh toát. Bao nhiêu suy nghĩ, ám ảnh của cuộc đời mình cứ hiện lên rõ mồn một. Vì là người làm nghề đám tang nên tôi đã chứng kiến vô vàn những sinh tử biệt ly. Bao nhiêu cái chết thương tâm của người đời cũng không làm tôi sợ hãi bằng việc phải đối mặt với cái “chết giả” của chính mình. Tuy nhiên, vì sinh kế, tôi cũng không còn cách nào khác”.
Theo anh Sinh thì cứ sau mỗi đêm “chết giả”, anh thấy đầu óc mình váng vất, toàn thân mỏi nhừ. Quan tài chật, không cử động được, lại thêm giấc ngủ chập chờn nên… hao sức lắm. “Người ta bảo chết là một giấc ngủ dài quả không sai. Nằm trong hòm, tôi thấy đêm nào cũng dài lê thê à!”, anh Sinh ủ dột tâm sự. Cũng theo anh Sinh thì nếu không phải là người có thần kinh vững vàng thì có lẽ sẽ chết thật trong quan tài vì sợ chứ chẳng chơi.
Như chuyện của anh Đức, một người mới vào nghề được một chủ trại hòm bên đường Trường Chinh (quận 12) thuê nằm vô quan tài vì tiệm này cả tháng chưa xuất kho chiếc nào. Khi chủ tiệm mới đậy nắp và đang làm lễ nhập quan thì anh ta đã vùng nắp áo quan chạy ra ngoài, la hét điên cuồng như người bị tâm thần. Mãi về sau này, khi thấy nhiều “đồng nghiệp” nằm mà không thấy vấn đề gì thì anh mới dám rón rén... nhắm mắt xuôi tay.
Tuy nhiên, dù đã có mấy năm nằm thử “du thuyền”… về nơi thiên cổ nhưng cứ sau một đêm làm nghề thì Đức lại mặt mày hốc hác, tiều tụy. Đức bảo, suốt đêm ấy, anh ta không chợp mắt được tẹo nào.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, quanh khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa chỉ còn khoảng gần chục trại hòm hoạt động, phần lớn đã chuyển qua nghề khác vì mất đi lợi thế kinh doanh. Và, những chủ vẫn duy trì hoạt động này vẫn thường xuyên phải thuê những người bình thường nằm giả xác chết để lấy hên.
|
Để những mặt hàng này bán chạy, nhiều chủ tiệm đã có cách kinh doanh ác độc và thất đức. |
|
Khuôn thường thắp nhang cho bản thân mình trước mỗi đêm chết giả. |
Giải thích về điều này, anh Sinh cười bảo, khoảng 3,4 năm trước, lúc ngồi uống cà phê, một chủ cơ sở mai táng ở đường Gò Dầu than vãn, dạo này ế quá, chẳng có ma nào chịu chui vô quan tài nằm nên cứ kéo dài mãi thế này chỉ có nước sập tiệm. Thấy vậy, một người bạn cười, nếu không ai tự động chui vô thì mình thuê người chui vô. Biết đâu, nhờ thế mà… ăn lên làm ra.
Nghe hay nên thử, ai ngờ sau khi thuê một người vào nằm giả chết một đêm mà tháng đó, mấy bộ quan tài phủ đầy bụi đều đã có… chủ mới. Cũng từ đó, những tiệm buôn bán quan tài hễ ế khách là họ lại thuê người sống giả làm “ma” nằm trong quan tài để câu những “ma mới” tiếp theo.
Giỡn mặt với… tử thần
Ngồi lai rai cà phê với chúng tôi ngay ngã ba đường Đỗ Nhuận (quận Tân Phú), Nguyễn Hữu Khuôn, 44 tuổi, quê ở Vĩnh Cửu (Đồng Nai), một người làm nghề giả xác chết này cười tếu táo: “Cái nghề giả chết này ngẫm ra lại có nhiều cái… hay. Chỉ những ai từng nằm trong quan tài và suy nghĩ về ranh giới sống chết mới thấy thêm yêu quý cuộc sống này.
Thú thực, những giấc mơ khi ngủ ở trong quan tài cũng khác những giấc mơ khi ngủ trên giường rất nhiều. Nó thường hãi hùng, kinh hoàng và đầy khiếp hãi. Nằm trong quan tài, tôi thường nghĩ về những khuôn mặt người chết mà mình biết!”.
Khuôn là chuyên gia… trang điểm cho những xác chết trước khi họ về thế giới bên kia. Khuôn bảo, mỗi người khi chết, trên mặt đều hiển hiện những nét kinh hoàng tột cùng bởi đơn giản, trong giây phút phải đối mặt với thần chết, có ai mà không khiếp sợ bao giờ! Thế nên, nghề của Khuôn là trang điểm lại, là xóa đi những nét khiếp đảm đó.
Làm nghề này đã lâu năm nên việc thấy mặt xác chết với Khuôn cũng hết sức bình thường. Tuy nhiên, Khuôn bảo, khi nằm trong quan tài thử chết, không hiểu sao anh lại có cảm giác kinh hãi tột cùng như thế! Trò chuyện với tôi, Khuôn bảo, anh không thích nghề này, nhưng bởi bản thân bị tai nạn giao thông nên sức khỏe giảm sút, ngoài việc… nằm chết thử, anh không còn con đường nào khác để mỗi tháng có thể kiếm khoảng 2 triệu đồng nuôi gia đình nữa.
Theo Khuôn thì nghề quái đản này cũng tiềm ẩn rất nhiều… nguy hiểm bởi có người đã “chết thật” khi cứ “giả” mãi. Đó chính là trường hợp của ông Đặng Văn Biền, 53 tuổi, ở Tân Kiên (Bình Chánh, TP HCM), một trong những bậc sư phụ của Khuôn.
Khuôn kể, ông Biền vốn khỏe mạnh nhưng cuối tháng trước bỗng đổ bệnh hiểm nghèo rồi lăn đùng ra chết. Đưa đám ông, nhiều anh em “trong nghề” cứ bảo, tại ông giả chết nhiều quá nên bị thần chết nổi giận bắt đi. “Nghề tâm linh, không giỡn được đâu chú ạ!”, anh Khuôn nghiêm nét mặt.
Cũng theo anh Khuôn, mấy chủ trại hòm, chủ tiệm dịch vụ mai táng khi hay tin ông Biền chết thì tiếc hùi hụi bởi chẳng biết “vía” chú ra làm sao mà chỉ cần chú nằm trong quan tài một đêm, tiệm đó thời gian sau cứ bán hàng ào ào.
Sau sự việc một “đồng nghiệp” trong nghề bị chết thật, mỗi đêm trước khi bước vào áo quan, Khuôn thường có thói quen thắp nhang, cúng vái chính… bản thân mình. Anh bảo, làm thế để mình phù hộ cho mình bởi khi bước vào quan tài, dù thật hay giả thì cũng đều là… người chết. Lúc ấy hồn mình sẽ phiêu diêu tứ tán, cứ khấn trước để cho nó…lành. “Cái nghề này nguy hiểm đến tính mạng nên cứ kiêng cữ vậy cho chắc ăn!”, khuôn thật thà tâm sự.
Có lẽ, phải những ai ở trong hoàn cảnh Khuôn mới thấu hiểu cho hoàn cảnh của anh, người mà đêm đêm phải chui vô áo quan nằm ngủ, nếm trải cảm giác ranh giới mong manh giữa cõi thực và mơ, giữa sống và chết.