Còn nhớ năm 2012, một ngày sau khi Bộ GD&ĐT kết luận kỳ thi THPT “cơ bản nghiêm túc” thì một clip tiêu cực được phát tán. Thầy Nguyễn Danh Ngọc (giáo viên thể dục, Trường THPT Đồi Ngô, Bắc Giang) đã tung ra một clip dài gần 10 phút quay cảnh nhốn nháo trong phòng thi tại hội đồng này.
Trong clip, giáo viên Trường THPT Đồi Ngô vào phòng ném bài và thu phao môn toán, ngoại ngữ. Thậm chí trong phòng có hai giám thị nhưng các thí sinh vẫn hồn nhiên trao đổi một cách thoải mái. Đáp án còn được giải sẵn và cho phép tuồn vào phòng thi.
|
Ông Trần Xuân Yến, phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, cùng 4 thuốc cấp trong đường dây gian lận điểm thi tại Sơn La vừa bị khởi tố. Ảnh: TP |
Sự việc lập tức gây chú ý của dư luận, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tỉnh Bắc Giang nhanh chóng xử lý. Sau hơn hai tháng thanh tra, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang đã kỷ luật 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên liên quan vụ việc này.
Khi đó GS Ngô Bảo Châu nhận định đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ trong… lịch sử loài người. Đây là chuyện rất đáng buồn và là tiếng chuông cảnh tỉnh sự tha hóa của một bộ phận không nhỏ trong hệ thống giáo dục.
Sau những tiêu cực tai tiếng đấy, ngành giáo dục đã liên tiếp tìm tòi đổi mới phương thức thi cử. Từ “2 chung” đến “3 chung” và đến năm 2015 là một hình thức thi mới: Kỳ thi “2 trong 1” - xét tốt nghiệp THPT và (làm cơ sở để) tuyển sinh đại học-cao đẳng. Những tưởng thay đổi lần này sẽ tiệm cận đến sự hoàn hảo, “nhẹ nhàng, ít tốn kém” như sự chờ đợi, mong mỏi của nhân dân cả nước. Nhưng không, tất cả như bị dội gáo nước lạnh!
|
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT: “Thật đáng xấu hổ, đây là hình ảnh xấu xí của giáo dục!”. Ảnh: HP
|
Vài ngày sau kỳ thi THPT quốc gia 2018 kết thúc, vị lãnh đạo đầu ngành GD&ĐT tuyên bố kỳ thi được tổ chức nghiêm túc và an toàn. Tuyên bố dõng dạc ấy phát ra vào đầu tuần thì cuối tuần dư luận đã “gọi tên” Hà Giang, Lạng Sơn và cuối cùng là Sơn La.
Sau 15 ngày ráo riết làm việc cả đêm lẫn ngày của tổ công tác Bộ GD&ĐT và công an, bảy cán bộ, lãnh đạo hai tỉnh Hà Giang và Sơn La đã bị khởi tố. Phó phòng khảo thí sửa kết quả chuyên nghiệp đến mức chỉ cần sáu giây để hô biến một bài thi điểm 2 thành điểm 9. Và chỉ trong hai giờ, gần 330 bài thi được “thầy phù thủy” này phù phép từ điểm thấp thành điểm cao chót vót.
Dẫu có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được ông phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đứng trong đường dây gian lận điểm thi của tỉnh. Họ, những cán bộ, nhà quản lý giáo dục, đã mang đĩa CD chứa dữ liệu bài thi gốc ra nghĩa trang tiêu hủy nhằm xóa dấu vết ngay trước ngày bị kiểm tra.
Nhưng rồi “lưới trời lồng lộng”, tất cả sẽ phải trả giá trước pháp luật.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT, đã nói khi công bố kết quả kiểm tra tại Sơn La: “Thật đáng xấu hổ, đây là hình ảnh xấu xí của giáo dục”!
Hôm qua, 1-8, nhận trách nhiệm về mình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra. “Trước các sai phạm tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm!” - ông Nhạ nói và hứa: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để kỳ thi THPT quốc gia những năm tới được tổ chức tốt hơn”.
Từ năm 2012 đến nay, những người làm giáo dục luôn ngồi lại thẳng thắn trao đổi, chỉ ra những điểm yếu để khắc phục nhưng gian lận vẫn cứ tiếp tục và ngày càng tinh vi, quái chiêu hơn.
Đến khi nào các em học sinh mới có một kỳ thi nhẹ nhàng đúng nghĩa, phụ huynh mới yên tâm về kết quả học hành, thi cử công bằng? Câu hỏi này không chỉ dành cho người đứng đầu ngành giáo dục nước nhà!