Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, xác nhận nhiều đoạn trên quốc lộ 1 qua tỉnh này đang mất an toàn giao thông do bị hư hỏng nặng.
Ổ voi xuất hiện khắp nơi
Theo ghi nhận của PV, quốc lộ 1 đoạn qua huyện Tuy An tình trạng hư hỏng trầm trọng hơn sau đợt mưa lớn vừa qua. ổ voi, ổ trâu xuất hiện khắp nơi, mặt đường bị bong tróc trên diện rộng. Nhiều hố sâu nằm ngay giữa đường, nước tụ tạo thành những cái bẫy hết sức nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện giao thông.
Hư hỏng nặng nhất là đoạn qua đèo Quán Cau dài khoảng 2 km, giáp ranh giữa hai xã An Cư, An Hiệp thuộc huyện Tuy An. Tại đây mặt đường không chỉ dày đặc ổ trâu mà còn sụt lún, nát như cày, hai bên đường có hiện tượng sạt lở.
|
Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Tuy An, Phú Yên như ruộng cày. Ảnh: TẤN LỘC |
Tương tự, đoạn huyện An Dân cũng bị sụt lún, sạt lở nhiều điểm, mặt đường có nhiều hố rộng. Các tài xế tỏ ra rất lo ngại khi điều khiển phương tiện qua những đoạn đường này.
“Mỗi khi qua đèo Quán Cau xe phải bò, nhích từng đoạn vì đường sụt lún rồi thêm ổ trâu, ổ voi khắp nơi. Lái không vững là dính ngay. Thậm chí lách không khéo thì sụp bên đường” - ông Trần Tấn Thử (tài xế xe đường dài phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, Bình Định) than thở.
Theo nhiều người dân sống hai bên quốc lộ 1 đoạn qua xã An Dân, huyện Tuy An, nhiều chỗ hư hỏng vừa được sửa chữa nay lại tiếp tục bị hỏng nặng hơn. “Đường mới làm mà hư hỏng liên tục. Thấy họ vá được vài tuần thì lại vỡ ra, thậm chí hỏng nặng hơn, ổ gà to hơn” - ông Nguyễn Văn Tần (ngụ xã An Dân) phản ánh.
Theo giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, hiện có hai đoạn hỏng nặng nhất là đèo Quán Cau và xã An Dân. “Đợt sửa chữa gần nhất trước đợt mưa lớn của các nhà thầu là giữa tháng 10-2018. Tuy nhiên, trong khi họ sửa chữa xong thì mưa ập đến, phát sinh thêm nhiều hư hỏng mới, ổ gà cũ càng sâu hơn” - ông Trí thông tin.
Phải thay nhà thầu bảo hành
Ông Vũ Ngọc Dương, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT), đại diện cơ quan quản lý nhà nước tại dự án quốc lộ 1 mở rộng đoạn qua tỉnh Phú Yên, cho biết hiện dự án vẫn còn trong thời gian bảo hành. Thời gian qua các nhà thầu sửa chữa thường xuyên nhưng vẫn phát sinh nhiều điểm hư hỏng.
Còn giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên thông tin khi quốc lộ 1 hoàn thành, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước đã nghiệm thu, đánh giá đảm bảo chất lượng, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, giờ đường bị hư hỏng có thể do quá trình khai thác, thời tiết...
Theo một chuyên gia về xây dựng, có nhiều nguyên nhân khiến đường làm theo dự án quốc lộ 1 mở rộng nhanh hỏng, ngày càng hỏng nhiều như vật liệu chưa đảm bảo, kỹ thuật thi công, thi công trong điều kiện thời tiết không thuận lợi… “Đặc biệt, trước đây các nhà thầu thi công dự án quốc lộ 1 mở rộng bị ép tiến độ, chạy đua tiến độ nên khó đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. Việc nghiệm thu cùng lúc cả một đại dự án với hàng trăm dự án thành phần trên quốc lộ 1 thời điểm đó cũng khó phát hiện sai sót” - vị chuyên gia phân tích.
Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên cho biết Sở đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban quản lý dự án Thăng Long yêu cầu các nhà thầu sửa chữa, khắc phục triệt để tình trạng hư hỏng quốc lộ 1 đoạn qua Phú Yên để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, hầu hết các nhà thầu đang bảo hành đều sửa chữa chậm. Do đó mới đây Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban quản lý dự án Thăng Long chỉ định, đưa các đơn vị khác vào sửa chữa thay cho các nhà thầu đang bảo hành
Theo ông Vũ Ngọc Dương, Ban quản lý dự án Thăng Long đã chỉ định nhà thầu Bắc Phương sửa chữa với kinh phí 10 tỉ đồng. Kinh phí này được dùng nguồn tiền bảo hành của các nhà thầu trước đây để chi trả. Đơn vị thi công đang tiến hành sửa chữa nhưng do khu vực trên đang có mưa nên tạm dừng lại.
“Đợt này sẽ sửa chữa lớn, trên diện rộng, thảm nhựa lại mặt đường bằng polime dày 5 cm trên bảy đoạn với tổng chiều dài hơn 12 km. Riêng đoạn qua đèo Quán Cau sẽ làm rãnh thấm, thảm lại toàn bộ mặt đường” - ông Dương nói.
Mở rộng hơn 66 km, tốn hơn 4.300 tỉ đồng
Dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Phú Yên dài hơn 66 km, theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 20,5 m, các đoạn đi qua đô thị rộng 21,5-22,5 m với bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.300 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, đưa vào sử dụng từ tháng 10-2015.