Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử, bổ sung nhiều nội dung quan trọng

Google News

Với 468/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94.74%), Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trong sáng 22/6.

Trước khi biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này.
Quoc hoi thong qua Luat Giao dich dien tu, bo sung nhieu noi dung quan trong
Lãnh đạo Quốc hội ấn nút thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ảnh: QH.
 
Về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu: Phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định nội dung, điều kiện, phương thức của giao dịch. Để thống nhất với phạm vi điều chỉnh, các quy định về công chứng, chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự, lưu trữ điện tử tại các điều 9, 13 và 19 của dự thảo Luật Chỉ dẫn chiếu mà không quy định cụ thể để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hệ thống pháp luật.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ nội dung này như dự thảo Luật và không bổ sung quy định chuyển tiếp liên quan đến công chứng, chứng thực tại Điều 53.
Một nội dung đáng chú ý, về các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý và bổ sung ý kiến đề nghị sửa lại khoản 1 dự thảo Luật này: "Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân".
Về ý kiến đề nghị bổ sung hành vi "tiết lộ dữ liệu tạo chữ ký số, giả mạo chữ ký số" vào khoản 6 để nâng cao hiệu lực pháp luật và có căn cứ xử lý hành vi vi phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tạo chữ ký số là thông điệp dữ liệu, theo đó khoản 3 quy định về hành vi "tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu" đã bao gồm hành vi tiết lộ dữ liệu tạo chữ ký số.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ quy định tại khoản 6 như dự thảo Luật, đồng thời tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cụm từ "mạo nhận" đã được thay thế bằng cụm từ "giả mạo" tại khoản 4.
Về việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại để phù hợp thực tiễn ngành ngân hàng, hải quan: Tiếp thu ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, Điều 15 đã được chỉnh lý nội dung yêu cầu chuyển đổi cần đáp ứng và giao Chính phủ quy định chi tiết, thể hiện như trong dự thảo Luật, phù hợp với thực tiễn ngành ngân hàng, hải quan.
Về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước (Chương V): Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, từ Điều 43 đến Điều 47 của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định cụ thể về các loại hình giao dịch điện tử, các hoạt động, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và các quy định hỗ trợ nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử.
Về phân loại rõ dữ liệu mở của cơ quan nhà nước: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định các bộ, ngành sẽ công bố dữ liệu mở của ngành, lĩnh vực của mình. Để đảm bảo tính linh hoạt, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết nội dung này.
Về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử (Chương VI): Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm giám sát hệ thống của mình; cơ quan nhà nước quản lý công tác báo cáo, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử bằng phương tiện điện tử. Ngoài ra, Luật còn chỉnh lý quy định về trách nhiệm có liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Mời quý độc giả xem video: "Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình cuối phiên họp ngày 31/5.". Nguồn: Truyền hình Quốc hội.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)