Khuyến khích việc dùng xe tư làm xe công
Vừa qua, dư luận xôn xao về chiếc xe công mang biển xanh 95A-0699 của cơ quan nhà nước tỉnh Hậu Giang lưu thông trên đường phố Cần Thơ khiến nhiều người choáng ngợp.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang sau đó cho biết, Lexus 570 biển số 95A-0699 do Phó chủ tịch Trịnh Xuân Thanh sử dụng. Xe này "chính chủ" là biển số trắng 29A-790.93 của ông Nguyễn Đặng Toàn ở 50 Lương Ngọc Quyến, Hàng Buồm, Hà Nội.
Ông Trịnh Xuân Thanh cho biết, khi được Trung ương luân chuyển từ Bộ Công thương về Hậu Giang làm Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông mượn xe của người thân để mang vào sử dụng, giúp địa phương đỡ tốn kém ngân sách mua xe công phục vụ cho mình. Khi dư luận lên tiếng, ông Thanh cho gắn lại biển số trắng 29A-790.93.
Trước đó, tháng 5/2015, ông Thanh - chánh văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Công thương, chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây lắp Dầu khí (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) đã được Trung ương điều động giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Về phía công an tỉnh Hậu Giang vẫn khẳng định việc cấp biển số xanh cho ôtô của cá nhân Phó chủ tịch UBND tỉnh là phù hợp, không làm sai.
|
Chiếc ô tô Lexus 570 được gắn biển xanh mang số 95A-0699 ở Hậu Giang. |
Trao đổi với Đất Việt, ngày 1/6, TS Trần Quốc Thuận - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: "Thực sự việc dùng xe tư vào làm xe công là vi phạm pháp luật, không có quy định nào của Bộ Công an về việc cấp biển số xanh cho xe tư nhân. Nếu có cấp thì phải có văn bản quy định rõ ràng, được chuyển đổi sang biển xanh từ thời gian nào, dùng đến thời gian nào.
Xe biển số 95A-0699 mà Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang sử dụng có giấy tờ nguyên thủy là 29A-790.93 nên về nguyên tắc biển số xanh cấp sau là biển số giả.
Người cấp và sử dụng biển số giả cũng vi phạm pháp luật. Lãnh đạo một cơ quan đầu tỉnh mà ngồi trên chiếc xe có bảng hiệu giả danh như vậy, là hành vi vi phạm pháp luật, tại sao không đi biển trắng, có sử dụng để chuộc lợi hay không?".
Hơn nữa, một hệ đáng lo hơn, theo ông Thuận, nếu một cá nhân làm được thì nhiều cá nhân khác, cũng như hàng loạt các xe tư nhân khác sẽ lại tiếp tục được yêu cầu biến đổi biển như vậy, khi đó, có quản lý được hay không, hay tràn ngập xe tư giả danh xe công.
Đặc biệt, bình thường các xe buôn lậu, buôn đá phiến thường lấy xe biển xanh 80A, 80B để hoạt động, tránh sự kiểm soát của pháp luật. Cho nên, biển số xe thường đi kèm theo lý lịch của một cái xe, không được 1 xe, 2 biển số.
Ở đây, cái sai đầu tiên của Phó chủ tịch tỉnh là đổi nguồn gốc xe, kèm theo đó công an là người cấp biển xanh tạm thời cũng vi phạm.
Phải giải trình xe Lexus 6 tỷ ở đâu?
Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, theo vị chuyên gia, hiện nay, các văn phòng cơ quan trung ương, các văn phòng chính phủ, Quốc hội, các Bộ ngành đi xe rất nhiều, lại đang có chủ trương khoán xe công, nếu có điều kiện sử dụng phương tiện xe cá nhân thay vì xe công vụ, là điều tốt, nên khuyến khích, thậm chí cần biểu dương.
Quan trọng là nguồn gốc chiếc xe Lexus gần 6 tỷ đồng ở đâu, phải kê khai rõ ràng.
Đặc biệt, trong bối cảnh đang yêu cầu công khai kê khai tài sản, thực hiện chủ trương, thành lập chính phủ liêm chính, thì việc giải thích rõ: tiền mua xe ở đâu, nếu mượn thì mượn của ai, xe là mua hay nguồn gốc thế nào là rất cần thiết.
Ông Thuận cũng băn khoăn: "Hậu Giang là tỉnh thuần nông, đời sống dân nghèo khổ, nên việc Phó chủ tịch ngồi trên chiếc xe siêu sang cũng có phần không phù hợp.
Tóm lại, với vụ việc trên, phải xử lý vi phạm pháp luật việc đổi biển xe đầu tiên, sau đó, chỉ rõ nguồn gốc xe. Còn tôi hoàn toàn ủng hộ, thậm chí khuyến khích việc các cán bộ chủ động dùng xe tư làm xe công".
Trong khi đó, cũng đưa ra quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Khiển - nguyên PGĐ Học viện Hành chính Quốc gia cũng đồng tình: "Việc đổi biển số xe là vi phạm pháp luật, nếu thấy tốt thì phải đề nghị với Chính phủ cho đổi biển số xe, nhưng phải được sự đồng ý mới làm. Mục đích giảm bớt chi phí xe công là đúng, đáng hoan nghênh nhưng cũng cần có những quy định cụ thể".
Mời quý độc giả xem video Tên trộm liều lĩnh (nguồn Youtube):