Năm 1996, sau khi bảo vệ thành công luận án TSKH, PGS Vũ Đình Hòa có nhiều cơ hội làm việc tại nước bạn. Nhưng ông bảo, “ngày đi học, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ ở lại nước ngoài làm việc, dù người Đức rất tốt, chơi với ai sẽ bền chặt, gắn kết cả cuộc đời". Dù trở về nước khó khăn, ông nói chưa bao giờ hối hận.
Nhiều năm liền, PGS.TSKH Vũ Đình Hòa là trưởng đoàn dẫn đội tuyển Toán Việt Nam dự thi Olympic quốc tế. Trong đó, năm 2012, ông giúp 6 học sinh dự thi đều đoạt giải, đưa đoàn Việt Nam trở lại vị trí top 10 thế giới sau nhiều năm.
Zing.vn xin giới thiệu bài viết của PGS.TSKH Vũ Đình Hòa về những kỷ niệm thời đoàn Việt Nam dự thi Olympic Toán học đầu tiên năm 1974. Khi đó, ông giành huy chương bạc.
|
Trong ảnh là 9 học sinh được tuyển chọn để ôn thi Toán Olympic quốc tế. Ở hàng đứng, từ trái qua phải là Hoàng Lê Minh, Đặng Hoàng Trung, Lê Tuấn Hoa, Đỗ Quang Bình, Vũ Đình Hòa. Học sinh ở hàng ngồi: Nguyễn Quốc Thắng, Vũ Đức Hoàn, Tạ Hồng Quảng, Nguyễn Bá Thi. Ảnh do thầy Vũ Đình Hòa cung cấp. |
Vượt khó khăn để đến với đam mê
Đây là kỳ thi đầu tiên không chỉ của chúng tôi mà cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham gia kỳ thi này, cho nên trong các trường chuyên ở miền Bắc (khi đó còn chiến tranh chưa thống nhất đất nước) có một không khí xôn xao rất lớn về chuyện này. Đến nay đã là năm thứ 43 kể từ khi Việt Nam lần đầu tiên tham gia kỳ thi Toán Olympic quốc tế (IMO) lần thứ 16.
Trước đó một năm, vào năm 1973, các nước xã hội chủ nghĩa cũng mời ta tham gia kỳ thi này, nhưng Việt Nam chưa nhận lời. Ở Hà Nội, các thầy có cho làm thử đề thi Toán quốc tế lần thứ 15, và nhận định là nếu tham gia thi thì chúng ta cũng sẽ có giải.
Những lo lắng của Bộ GD&ĐT không phải không có lý. Khi ấy, miền Bắc tạm thời không bị đánh phá vì Hiệp định Paris được ký trước đó căn bản đem lại hòa bình cho miền Bắc. Tuy vậy, cả nước thực tế vẫn trong tình trạng chiến tranh. Đời sống lúc đó còn rất cực khổ.
Tôi còn nhớ những năm tháng đi sơ tán theo trường phải ở nhờ nhà dân, chật chội và chen chúc. Chúng tôi thường phải ngủ 3 người trên một chiếc phản nhỏ. Cơm tập thể thì chậu canh đầy xác ruồi, có lần đến ăn muộn lại không có đèn. Ăn được một lúc rồi, có đèn dầu, chúng tôi đếm được trong chậu canh có mấy chục con ruồi. Những ngày ấy, ăn cái bánh mì không chấm đường thôi cũng thấy ngon.
Sau khi hết sơ tán trở về Hà Nội, học sinh lớp chuyên ở 2 trường lớn của Hà Nội là Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp đều ăn ở tập thể, cũng rất vất vả. Chẳng hạn, học sinh khối chuyên bên Đại học Sư phạm Hà Nội phải ở nhà mái dầu, vào những ngày hè rất nóng bức. Khu tập thể còn có rệp và nguồn nước sử dụng không sạch sẽ lắm cũng gây ra bệnh tật nhiều.
Bên cạnh điều kiện ăn ở khó khăn, chúng tôi cũng không có nhiều điều kiện học tập như bây giờ. Tài liệu chủ yếu là vài cuốn sách chuyên Toán và 2 tạp chí của Nga là Математика в школе và Квант. Nói chung, thời đó, chúng tôi được chơi nhiều, chứ không phải học nhiều và cũng không biết nhiều như học sinh bây giờ.
Khi Bộ GD&ĐT quyết định cử học sinh tham gia kỳ thi Toán quốc tế, mọi việc được khẩn trương triển khai từ khá sớm. Sau mấy vòng tuyển tập trung, hầu hết học sinh giỏi từ các tỉnh thành ở miền Bắc, một đội dự tuyển gồm 9 học sinh được thành lập.
Tấm ảnh trên có đầy đủ 9 học sinh do bố tôi chụp. Trước kia, ông là công nhân nhà máy thuộc da Hà Nội. Sau khi bị Pháp bắt và bỏ tù vì tham gia kháng chiến, ông mất sức khỏe, chuyển sang làm nghề chụp ảnh. Ảnh đội tuyển được chụp ở Hợp tác xã Nắng Xuân, nơi ông làm việc lúc bấy giờ.
Bảo vệ tiến sĩ ở nước ngoài
Thời kỳ học bồi dưỡng ở Bộ Đại học, lúc đó nằm trên đường Lý Thường Kiệt, cũng rất vui. Chúng tôi được Bộ trưởng Tạ Quang Bửu cho mượn một phòng lớn để ngủ ở bộ. Bộ bố trí cho chúng tôi ăn ở nhà hàng đối diện với rạp chiếu bóng công nhân ở phố Tràng Tiền.
Tiêu chuẩn ăn của chúng tôi chắc cũng nhiều, nhưng do tình hình chung, nó cũng không thể tốt như đời sống bây giờ. Các món ăn hầu như luôn quay đi quay lại giống nhau.
Đời sống tinh thần cũng tốt, chúng tôi thường được chơi cầu lông trong sân và ở ngoài vỉa hè trước cổng Bộ Đại học. Cũng có vài giờ thể dục thể thao ở trong sân trường cấp III chéo bên đường đối diện cổng Bộ Đại học. Nhà trường cũng cho chúng tôi mượn một phòng học ở đó.
|
5 học sinh cùng giáo viên tham dự kỳ thi Toán quốc tế Olympic đầu tiên của Việt Nam. Ảnh do thầy Vũ Đình Hòa cung cấp. |
Sau mấy tháng bồi dưỡng cấp tốc, chúng tôi được chọn ra một đội tuyển gồm 5 người, rồi đoàn lên đường. Đội tuyển qua Liên Xô, dừng lại một tuần luyện thi với đội tuyển nước bạn. Chúng tôi thi ở thành phố Erfurt của Cộng hòa Dân chủ Đức.
Hiện nay, trong 5 người trong đội tuyển Toán quốc tế của chúng, anh Đặng Hoàng Trung đã mất. Hoàng Lê Minh bảo vệ tiến sĩ tại Liên Xô, đang giảng dạy tại Đại học Quốc gia TP.HCM. Tạ Hồng Quảng bảo vệ tiến sĩ tại Liên Xô, hiện công tác tại Tổng công ty Dầu khí Vũng Tàu. Nguyễn Quốc Thắng bảo vệ tiến sĩ tại Pháp và công tác tại Viện Toán học. Tôi bảo vệ tiến sĩ và tiến sĩ khoa học tại Đức, giảng dạy tại khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Sư phạm Hà Nội.
Ngày ấy xa quá rồi, nhiều thứ trải qua trong thời gian đó, tôi cũng quên, nhưng phải nói là lòng yêu mến và thiện cảm của các đội tuyển quốc tế (kể cả đội tuyển Mỹ) dành cho đoàn Việt Nam, cũng như sự chuẩn bị chu đáo và đầy trách nhiệm của các thầy cô và các cơ quan Bộ Đại học dành cho chúng tôi thì còn mãi đến bây giờ.
Việt Nam bắt đầu tham gia kỳ thi Toán quốc tế từ năm 1974. Bấy giờ, Hoàng Lê Minh đoạt huy chương vàng, Vũ Đình Hòa giành huy chương bạc và hai huy chương đồng thuộc về Tạ Hồng Quảng và Đặng Hoàng Trung. Đây cũng là những người đoạt huy chương đầu tiên về Toán học trên trường quốc tế.
PGS.TSKH Vũ Đình Hòa công tác tại Đại học Sư phạm Hà Nội, tham gia lựa chọn và bồi dưỡng học trò thi Olympic Toán quốc tế. Một trong những học sinh tiêu biểu của ông là GS Ngô Bảo Châu, người giành giải thưởng Fields danh giá nhất về Toán học.
Ngoài ra, PGS.TSKH Vũ Đình Hòa là một trong số những nhà khoa học đóng góp phát triển lý thuyết, đặt nền móng cho ngành Công nghệ Thông tin phát triển.
Ông là giám đốc của Trung tâm FYT (Trung tâm Bồi dưỡng Tài năng trẻ FPT). Đây được coi là ngôi nhà chung cho tài năng trẻ của ngành Công nghệ Thông tin.