Những lưu ý khi cài đặt xác thực khuôn mặt trên app ngân hàng

Google News

Ngày 1/7 là thời điểm bắt buộc phải xác thực sinh trắc nếu muốn chuyển số tiền hơn 10 triệu đồng. Việc cài đặt xác thực khuôn mặt trên app ngân hàng cần lưu ý những gì?

Cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.
Tại quyết định này, từ ngày 1/7, khách hàng phải xác thực sinh trắc qua khuôn mặt hoặc vân tay khi giao dịch ngân hàng lần đầu bằng Mobile Banking. Theo đó, giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng/lần hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng/ngày bắt buộc phải xác thực khuôn mặt.
Nhung luu y khi cai dat xac thuc khuon mat tren app ngan hang
 
Thời điểm này, khi đăng nhập vào các ứng dụng (app) ngân hàng, người dùng sẽ thấy các thông báo yêu cầu cài đặt xác thực sinh trắc học. Nếu thông báo không hiển thị ở màn hình chính, người dùng có thể tìm trong mục “Cài đặt” hoặc “Tài khoản”.
Ví như, ở app VPBank, thông báo thực hiện xác thực sinh trắc học hiển thị ngay ở màn hình chính khi đăng nhập. Người dùng chọn “Thực hiện” để bắt đầu xác thực theo hướng dẫn của ngân hàng.
Ở bước đầu tiên, cần chụp căn cước công dân mặt trước, quét mã QR code và chụp căn cước công dân mặt sau. Ở bước này, người dùng lưu ý cần để căn cước công dân lên một mặt phẳng, di chuyển camera điện thoại để phần căn cước công dân khớp với khung hình trên app hiển thị sao cho ảnh chụp rõ nét. Trường hợp ảnh chụp bị mờ sẽ phải thực hiện lại.
Sau đó sẽ đến bước xác thực khuôn mặt. Ứng dụng ngân hàng sẽ yêu cầu chủ tài khoản phải quay mặt sang phải, trái, cúi xuống và góc chính diện. Lưu ý, ở mỗi góc cần làm chậm và giữ yên vài giây để hình ảnh xác thực được rõ nét, thao tác quay quá nhanh sẽ gặp lỗi và phải thực hiện lại.
Bước cuối cùng là xác thực căn cước công dân gắn chip. Để thực hiện bước này người dùng cần bật tính năng NFC trên smartphone. Lưu ý, ở iPhone sẽ luôn bật tính năng NFC; còn với điện thoại sử dụng hệ điều hành Android sẽ phải vào mục "Cài đặt", chọn "Kết nối" (Connections).
Tính năng NFC đã bật, người dùng phải đưa căn cước công dân có gắn chip lại gần mặt lưng của smartphone, giữ khoảng 3-4 giây để ứng dụng có thể đọc được thông tin trên thẻ. Khi nào trên ứng dụng ngân hàng hiển thị lại toàn bộ thông tin, người dùng kiểm tra lại một lần nữa rồi xác nhận là xong. Như vậy là đã xác thực khuôn mặt thành công.
Tuy nhiên, mỗi dòng điện thoại có các vị trí chip khác nhau, có thể nằm cạnh camera hoặc nằm chính giữa điện thoại. Thế nên, người dùng cần di chuyển căn cước công dân lên xuống theo chiều dọc điện thoại cho tới khi 2 chip tìm thấy nhau và giữ nguyên trong vài giây.
Thực tế, trên thị trường hiện nay, có nhiều dòng điện thoại thông minh cấu hình mạnh nhưng vẫn không có đầu đọc NFC. Chưa có thống kê chính xác về tỷ lệ khách hàng sử dụng các thiết bị này nhưng đây cũng là một trở ngại với một số nhóm khách hàng.
Song, khi gặp vấn đề này, chủ tài khoản ngân hàng vẫn được hỗ trợ bằng cách ra trực tiếp chi nhánh để được xác thực lần đầu.
Với ứng dụng xác thực sinh trắc học trên app Techcombank, người dùng sẽ thực hiện các bước tương tự như với app VPBank.
Với MBBank, sau khi truy cập app, chọn "Tiện ích", vào "Cài đặt bảo mật cho giao dịch" rồi chọn “Xác thực có khuôn mặt”, cài đặt mức giao dịch cần bật xác thực khuôn mặt. Tiếp đó, chọn “Xác nhận” và nhập mã D-OTP; cuối cùng là "Thiết lập phương thức xác thực thành công".
Ở app MBBank, ngay từ khi đăng ký sử dụng ứng dụng, người dùng đã phải chụp ảnh căn cước công dân mặt trước, mặt sau, xác thực khuôn mặt… Do đó, khi xác thực sinh trắc học trên app MBBank thao tác khá đơn giản và nhanh.
Đại diện TPBank cho biết, với nhóm khách hàng nước ngoài cư trú tại Việt Nam không được cấp căn cước công dân gắn chip thì có thể sử dụng hộ chiếu và đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng, để được nhân viên hỗ trợ kiểm tra và cập nhật thông tin sinh trắc học của khách hàng vào kho dữ liệu.
Theo Tâm An/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)