Đặt người dân vào vị trí trung tâm
Tại các phiên họp, thảo luận quan trọng trong hai ngày chính thức diễn ra IPU-132 (28 và 29/3), các nhà lãnh đạo nghị viện thành viên IPU, thành viên liên kết, các tổ chức và khách mời quốc tế đều đánh giá cao chủ đề "Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động". Nội dung của Ðại hội đồng IPU-132 lần này hết sức quan trọng, thiết thực đối với IPU và toàn nhân loại, để các nước đánh giá kết quả thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và thảo luận những Mục tiêu Phát triển bền vững cho giai đoạn sau năm 2015.
|
Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
|
Phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc, Chủ tịch IPU Xa-bơ Chao-đu-ri đã nhấn mạnh tầm quan trọng các chủ đề bàn thảo giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế là phải hướng tới người dân, đặt người dân vào những trọng tâm thảo luận, "phải hướng tới sự phát triển bền vững và hạnh phúc của người dân. Tuy nhiên, trong mọi nỗ lực của chúng ta thì vị trí trung tâm của người dân, những người mà chúng ta đại diện sẽ rất quan trọng dù đó là vấn đề về an ninh, con người hay là nhân quyền...". Chủ đề đưa ra tại IPU-132 lần này được rất nhiều đại biểu các nước quan tâm, vì "vừa mang tính thời sự trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài với bất kỳ quốc gia nào".
Năm 2000, sau khi cùng các quốc gia cam kết thực hiện MDGs, Việt Nam đã triển khai xây dựng Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, trong đó các MDGs của quốc tế đã được cụ thể hóa vào tình hình cụ thể của Việt Nam, đồng thời bổ sung thêm một số mục tiêu bổ trợ cho việc thực hiện các MDGs để hình thành nên các Mục tiêu phát triển của Việt Nam. Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả về các MDGs, được LHQ và các đối tác phát triển ghi nhận là một trong những quốc gia thành công và đi đầu trong thực hiện các MDGs tại châu Á - Thái Bình Dương. Chúng ta đã có những nỗ lực và bước tiến lớn trong công tác xóa đói, giảm nghèo, phổ cập giáo dục và tăng cường bình đẳng giới. Ðiều này thể hiện nỗ lực vượt bậc của Nhà nước và nhân dân Việt Nam, cũng như sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội Việt Nam trong việc thực hiện MDGs.
Ðại hội đồng IPU-132 diễn ra vào thời điểm chuyển giao giữa hai giai đoạn từ thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) sang Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) sau năm 2015. Tinh thần chung tại các phiên họp về nhiều chủ đề tại bốn Ủy ban của Ðại hội đồng IPU-132, cũng như hàng loạt chủ đề lớn đều đánh giá tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, môi trường hòa bình và an ninh còn đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức... Do đó, việc thực hiện các SDGs sau năm 2015 còn có nhiều khó khăn về chia sẻ trách nhiệm tài chính giữa các quốc gia và việc bảo đảm sự gắn kết về mặt chính sách đó trong thực tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, thay mặt Ðoàn đại biểu Việt Nam, đã kiến nghị IPU sẽ cùng với các Quốc hội thành viên và các quốc gia xem xét nâng cao hơn nữa vai trò của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội thông qua việc ban hành, sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy thực hiện SDGs; quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách quốc gia để thực hiện SDGs. Tăng cường công tác giám sát việc tổ chức thực hiện cũng như tuyên truyền phổ biến cho cử tri về SDGs và chương trình quốc gia thực hiện SDGs. Theo đó, vị trí người dân tiếp tục được đặt vào vị trí trung tâm. "Cần nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, kể cả những đối tượng nghèo và dễ bị tổn thương hiểu rằng họ không chỉ là người thụ hưởng thành tựu SDGs mà chính họ là lực lượng quan trọng thực hiện công việc này". Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Một trong những kiến nghị khác của Ðoàn Việt Nam là đề nghị IPU tiếp tục mở rộng và thúc đẩy thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu dựa trên việc xây dựng lòng tin và quyết tâm của các Quốc hội vì mục tiêu phát triển bền vững. Vấn đề quan trọng nữa là tăng cường hợp tác hiệu quả và mạnh mẽ giữa IPU và LHQ, phát huy vai trò của các cơ chế hợp tác liên kết kinh tế khu vực, các thể chế tài chính thương mại quốc tế... trong quá trình thảo luận, xây dựng và thực hiện SDGs.
Rõ ràng, chủ đề quan trọng, bức thiết và thiết thực liên quan các mục tiêu phát triển bền vững, không chỉ là mối quan tâm của mỗi quốc gia, từng khu vực và sẽ còn được bàn thảo kỹ càng trong chương trình nghị sự bận rộn của IPU-132 trong những ngày tới.
Đối phó với nhóm khủng bố Boko Haram - Chủ đề khẩn cấp của IPU-132
Sau phiên thảo luận chung, vào chiều tối 29/3, Đại hội đồng IPU 132 đã xem xét đề mục của chương trình nghị sự và xem xét khả năng bổ sung vấn đề khẩn cấp vào chương trình nghị sự. Kết quả phiên họp về chủ đề khẩn cấp là đề xuất của Bỉ và Australia về đối phó với nhóm khủng bố Boko Haram đã được thông qua với số phiếu cao nhất.
Theo quy định của IPU, bất cứ thành viên nào cũng có thể đề nghị bổ sung chủ đề khẩn cấp vào chương trình nghị sự của IPU. Yêu cầu của chủ đề này phải là vấn đề có được sự quan tâm của thế giới và nhận được 2/3 số phiếu thuận. Vấn đề nào nhận được nhiều phiếu thuận nhất sẽ được bổ sung và sẽ chỉ có 1 vấn đề được bổ sung vào chủ đề khẩn cấp.
Tại phiên thảo luận về các vấn đề khẩn cấp, nhiều chủ đề khẩn cấp đã được các đoàn đại biểu đề xuất lên, trong đó Cộng hòa Chad đề xuất chống nhóm khủng bố Boko Haram; Syria đề xuất về tăng cường vai trò của IPU trong chống khủng bố và chống IS tại Iraq và Syria; Iran đề xuất bảo vệ các di sản của nhân loại; Australia và Bỉ đề xuất về việc đối phó với Boko Haram.
Kết quả bỏ phiếu là đề xuất của Bỉ và Australia đã được thông qua với số phiếu cao nhất (trên 2/3 số phiếu thuận) và được lựa chọn làm chủ đề khẩn cấp của IPU-132. Đề xuất của Iran cũng giành được trên 2/3 số phiếu thuận nhưng tổng số phiếu không cao bằng số phiếu của Bỉ và Australia.
Phát biểu tại cuộc bỏ phiếu về các vấn đề khẩn cấp, đại diện của đoàn Bỉ và Australia cho biết, đề xuất chung của hai nước đầu tiên được Australia đưa ra với sự ủng hộ của Bỉ để đối phó với các hoạt động khủng bố chống lại phụ nữ và trẻ em vô tội. Theo đại diện hai nước, các hành động này cần được đoàn kết ngăn chặn trên phạm vi toàn cầu.
|
Nhóm phiến quân Boko Haram trở thành vấn đề khẩn cấp của IPU-132. (Nguồn: AFP/TTXVN)
|
Nghị sĩ trẻ IPU bàn về hai vấn đề nóng
IPU-132 là dịp để đưa quan điểm của giới trẻ vào các tiến trình và kết quả của Đại hội đồng IPU-132. Tại diễn đàn, nghị sĩ trẻ các nước đã chia sẻ ý kiến của mình với quan điểm của giới trẻ về hai dự thảo nghị quyết tại Đại hội đồng IPU 132 về chủ đề: Chiến tranh mạng - sự đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh thế giới và Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước.
Các đại biểu cho rằng, cần thiết phải có sự kết nối giữa Chính phủ các nước, người dân trên toàn thế giới để đối phó với những cuộc tấn công mạng đang là nguy cơ đe dọa đến hòa bình và an ninh thế giới, trong đó, vai trò của các nghị sĩ trẻ là rất quan trọng.
|
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Nghị sĩ trẻ |
Tham gia diễn đàn, các đại biểu Quốc hội trẻ của Việt Nam đã góp ý kiến vào chủ đề “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước”.
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, đoàn Việt Nam cho rằng: Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước đa dạng và phong phú nhưng trên thực tế nguồn nước có thể sử dụng ngay lại có hạn vì phân bố không đều. Nhiều vùng bị thiếu nước sạch để sinh hoạt do ô nhiễm, lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán và các tác nhân khác. Do đó, Quốc hội cần có vai trò thúc thúc đẩy hành động trong việc bảo vệ nguồn nước.
Đề xuất các giải pháp để quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên nước, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh nghị viện các nước cần điều chỉnh luật pháp, chính sách về quản lý nguồn nước; mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chia sẻ và tăng trữ lượng nguồn nước xuyên quốc gia, đồng thời thúc đẩy cơ chế đối thoại giữa các nghị viện để tạo ra khuôn khổ pháp lý quốc tế cho việc quản lý nguồn nước và nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.
Ngoài 2 nội dung chính được thảo luận tại Diễn đàn này, các nghị sĩ trẻ còn thảo luận xung quanh báo cáo chung về giới trẻ liên quan đến hoạt động của các Ủy ban của IPU để chuẩn bị cho cuộc họp tiếp theo và bầu các thành viên trong Ban lãnh đạo Diễn đàn từ Nhóm Á-Âu.