Người dân ra, vào Hải Phòng không cần xin giấy xác nhận

Google News

Công dân ra, vào thành phố Hải Phòng không phải xuất trình xác nhận của UBND cấp xã, thực hiện khai bác y tế tại các chốt kiểm soát ra, vào thành phố.

Đó là nội dung công văn hỏa tốc 859 của UBND TP Hải Phòng ban hành sàng 7/2 điều chỉnh một số nội dung trong thông báo số 58 ngày 5/2.
Cụ thể, văn bản nêu rõ: Ngày 5/2/2021, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Thông báo số 58/TB-UBND chỉ đạo về một số nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Để phù hợp với tình hình thực tế, UBND thành phố điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như sau:
Đối với công dân ra, vào thành phố: Không phải xuất trình xác nhận của UBND cấp xã.
Nguoi dan ra, vao Hai Phong khong can xin giay xac nhan
Người dân ra, vào TP Hải Phòng không cần xin giấy xác nhận. Ảnh LĐ 
Thực hiện khai bác y tế tại các Chốt kiểm soát ra, vào thành phố (trong đó nêu rõ lý do, lịch trình ra, vào thành phố); khai báo y tế tại các Tổ kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 ở thôn, tổ dân phố; chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung khai báo và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định.
Trước đó, ngày 5/2, TP Hải Phòng ban hành Thông báo số 58 nêu rõ kể từ 12h ngày 6/2, TP kiểm soát tất cả công dân ra và vào thành phố.
Đối với công dân vào, phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã hoặc tương đương tại nơi đi, trong đó nêu rõ lý do, lịch trình vào thành phố. Đối với công dân ra khỏi thành phố, phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã, phường nơi cư trú về lý do, lịch trình đi và khi trở lại. TP sẽ bổ sung thêm lực lượng tại các chốt cửa ngõ để kiểm soát công dân ra vào.
Tuy nhiên, quy định công dân ra vào thành phố phải xin giấy xác nhận đã tạo áp lực lớn đối với người dân, gây khó khăn trong việc xin giấy xác nhận với một số trường hợp nhất định và không đảm bảo công tác phòng chống dịch, gây tụ tập đông người tại các điểm làm thủ tục cấp giấy xác nhận.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc công dân ra khỏi địa phương phải có giấy xác nhận là quy định của địa phương nhằm quản lý, kiểm soát và hạn chế đi lại, tiếp xúc trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, quy định này có thực sự hợp lý hay không, có phù hợp với quy định pháp luật hay không cần phải xem xét ở nhiều góc độ.
Thực tế có nhiều cách để quản lý dân cư, quản lý việc đi lại của công dân, thông thường sẽ bằng các quyết định của cơ quan có thẩm quyền về phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên quy định về giấy phép ra khỏi địa phương thì pháp luật không có quy định về vấn đề này, địa phương này quy định như vậy là khá lạ mặc dù đó được coi là một trong những hoạt động để phòng chống bệnh COVID-19.
Đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành về giãn cách xã hội, cách ly y tế, các biện pháp phòng dịch theo quy định của luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các nghị định hướng dẫn thi hành, quy định phải xin giấy phép ra khỏi địa phương là thiếu cơ sở pháp lý và có thể phản tác dụng nếu như việc tụ tập đông người, nháo nhào tại các phường, xã để xin giấy xác nhận.
Luật sư Cường cho rằng, về nguyên tắc áp dụng pháp luật, những quyền cơ bản của công dân trong đó có quyền đi lại, cư trú đã được Hiến pháp ghi nhận thì những quyền này chỉ bị hạn chế bởi văn bản luật do Quốc hội ban hành. Ngoài Quốc hộI, không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có quyền được hạn chế những quyền cơ bản của công dân. Việc ban hành các văn bản dưới luật như nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư theo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không được trái luật và trái hiến pháp. Những văn bản đưa ra những lệnh cấm, những quy định hạn chế những quyền cơ bản của công dân có thể bị tuýt còi, bị hủy bỏ và xem xét trách nhiệm pháp lý.
Ở mỗi địa phương tùy thuộc vào tình hình cụ thể mà chính quyền địa phương có thể ban hành các quy định, đưa ra các cơ chế giải pháp để phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, các quy định, giải pháp này phải trên cơ sở quy định pháp luật, đảm bảo việc thực hiện đồng bộ, khoa học và có hiệu quả. Tránh việc áp dụng các biện pháp phòng dịch không cần thiết, thậm chí cực đoan gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội.
Thời điểm cận tết là thời điểm nhiều người có nhu cầu đi lại không chỉ phục vụ nhu cầu tinh thần, tình cảm mà còn là các hoạt động mưu sinh của nhiều người. Bởi vậy việc quy định các “giấy phép con” theo kiểu “xin cho”, gia tăng các thủ tục hành chính để hạn chế quyền đi lại của công dân ở những khu vực không phải là vùng có dịch là không cần thiết. Nếu người dân đổ xô đến các ủy ban nhân dân cấp phường xã để xin giấy phép ra khỏi địa bàn mà không thực hiện tốt các biện pháp cách ly thì chính những nơi này có thể làm lây lan dịch bệnh.
Bởi vậy, chính quyền địa phương đưa ra những quy định này cần phải xem xét lại cho phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả trong việc phòng chống dịch bệnh và giảm bớt những phiền hà cho người dân.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho cư dân tòa nhà 88 Láng Hạ, Hà Nội

Nguồn VTV 24

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)