Hơn 10 năm qua, có một người đàn ông vẫn làm những chuyện không giống ai. Hằng ngày, ông rong ruổi trên các con đường, phải bán mặt trên những cung đường. Từ các con ngõ nhỏ ra phố lớn để kiếm miếng cơm, manh áo, trả tiền nhà, tiền ăn và gửi tiền về quê cho vợ nuôi các con đang tuổi ăn, tuổi học.
Nhưng ông vẫn trích ra một số tiền nhỏ làm từ thiện ủng hộ cho các bệnh nhi chẳng may bị mắc phải căn bệnh ung thư tại viện K Tân Triều.
|
Những cử chỉ thật nhỏ thôi cũng giúp người bệnh bớt đi nỗi đau bệnh tật. |
Vì không có nhiều tiền, ngoài việc đóng góp một khoản tiền nho nhỏ, ông còn đóng góp công sức bằng cách đưa những bệnh nhân có nhu cầu di chuyển bằng xe ôm miễn phí, hay giúp đỡ, động viên cho những bệnh nhân đang ở ranh giới của sự sống và cái chết, giúp họ vui vẻ để tiếp tục được sống.
Người đàn ông thầm lặng ấy là ông Vũ Xuân Trường (SN 1959), quê ở Thái Thụy, Thái Bình. Ở quê, nhà bác Trường có vài mẫu ruộng nhưng phận người nông dân làm cả năm cũng chẳng đủ ăn.
Ông chấp nhận xa gia đình lên thành phố lập nghiệp vào năm 2000. Lúc đầu, ông làm công nhân cho người quen. Nhưng cực quá, ông xách chiếc xe cà tàng của mình ra vỉa hè làm xe ôm kiếm sống.
Ông Trường chia sẻ: "Nhà có 3 đứa con, 2 gái, 1 trai đang tuổi ăn, tuổi học. 2 đứa lớn thì đã ra trường đi làm, nhưng còn cậu con trai út đang học cấp 3 ở nhà, thi thoảng phụ mẹ làm ruộng. Tiền làm hàng tháng vẫn phải gửi về cho vợ một ít để nuôi con", ông Trường hồ hởi chia sẻ.
|
"Ông trời cho mình giàu 2 con mắt, khỏe 2 bàn tày thì mình phải giúp những người khó khăn hơn mình", ông Trường chia sẻ. |
Nhiều người nói ông gàn dở, "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", nhưng ông tâm sự: "Người Việt Nam có truyền thống lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm là rách nhiều. Bản thân tôi không giàu, nhưng ông trời cho tôi sức khỏe không bị ốm đau gì, đó mới là quý giá. Khi mình được ưu ái như vậy thì bản thân mình phải giúp đỡ những người không may bị mắc những căn bệnh vô phương cứu chữa. Đặc biệt là những bệnh nhân nhi".
Xuất phát từ tấm lòng, không màng đến chuyện thiệt hơn, ông Trường cho rằng, mình giúp đời cũng chính là tích đức cho con, cho cháu.
Nói về chữ "duyên" đến với từ thiện của mình, ông Trường cho biết, bản thân ông luôn muốn làm công việc này từ lâu rồi nhưng mặc cảm, mặc cảm vì không có nhiều tiền để đóng góp.
"Lúc đó, tôi cứ nghĩ là người làm từ thiện phải giàu có, phải có tiền thì mới làm được. Nhưng sau này, gặp được các cháu có cùng chí hướng với mình, tôi mới nhận ra rằng, không nhất thiết phải có nhiều tiền mới làm được từ thiện. Mình không có tiền đóng góp thì mình đóng góp bằng sức của mình", ông Trường chia sẻ.
Có những lần ông đang chở khách rất xa nhưng chỉ cần một cú điện thoại của bệnh nhân là ông sẵn sàng xin lỗi khách để chạy về viện K - Tân Triều (Thanh Trì), đưa đón họ.
"Hầu hết những bệnh nhân cần mình thì toàn là bệnh nhân nghèo. Mà đã mắc bệnh này thì giàu cũng thành nghèo. Có những lần đang chạy xe ôm, nhưng bất kì bệnh nhân nào cần tới mình thì mình sẵn sàng xin lỗi khách hàng, cáo lỗi là nhà có việc gấp để về giúp người bệnh. Đặc biệt, ưu tiên cho những trường hợp cấp cứu", ông Trường cho hay.
Nhìn những đứa trẻ bị vướng phải ung thư, nhiều người khó có thể kìm lòng được. Chúng tàn tạ vì bệnh tật, có những bé mới sinh ra đã phải tiêm đủ thứ hóa chất vào người chỉ mong được kéo dài sự sống.
Ông Trường ngậm ngùi: "Nhìn đứa trẻ đau ốm mà bất lực. Rất đáng thương nhưng lại lực bất tòng tâm. Chính vì vậy, tôi nguyện gắn bó với khoa Nhi - Bệnh viện K3 Tân Triều để góp một chút công sức của mình".
|
Trong nhóm tình nguyện của mình ông là người già nhất nhưng cũng hăng hái nhất. |
Có những trường hợp thật sự thương tâm, ông cùng những người bạn trẻ có cùng chí hướng đến tận nơi giúp đỡ các em, dù chỉ vài hộp sữa, hay vài câu động viên. Nhiều người bệnh tủi thân cũng phải bật khóc khi nhận được những lời chia sẻ của mọi người.
Lúc đầu, làm công việc đưa đón bệnh nhân ung thư miễn phí, nhiều người "sợ" ông lừa đảo, hoặc chẳng tin có chuyện có người làm không công như thế.
Có những lần, ông Trường còn phải nài nỉ bệnh nhân lên xe mình đưa đi để đỡ mất tiền mà họ còn không tin. Nhưng dần dần, nhiều người bệnh cũng hiểu ra công việc thiện nguyện xuất phát từ cái tâm.
Thậm chí, nhiều người bệnh còn truyền tay nhau số điện thoại của ông, chỉ cần "alo" một cái, kể cả đêm hôm khuya khoắt, ông vẫn nhiệt tình giúp đỡ, không nề hà bất cứ việc gì.
Ông Trường tự nhận mình là người may mắn khi có gia đình ủng hộ: "Gia đình biết mình làm việc thiện này thì ủng hộ lắm". Ông Trường còn khoe, năm 2013, gia đình bác được công nhận là gia đình văn hóa.
Trong cuộc trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, ông Trường vẫn giữ cốt cách của một người đàn ông đã trải qua cái tuổi 50. Ông lạc quan, yêu đời đến kỳ lạ.
Trong câu chuyện ông vẫn giữ nụ cười rất duyên, thi thoảng vương vấn sự nuối tiếc: "Ước gì được trẻ lại để làm từ thiện sớm hơn. Từ lúc, tôi làm từ thiện năm 2008 đến giờ, mỗi khi ngủ dậy, tôi cảm thấy yêu cuộc đời hơn, và công việc làm từ thiện giúp cuộc đời thêm ý nghĩa".