Trưởng thôn đặc biệt
Mặc dù đã hẹn trước qua điện thoại nhưng khi tìm về thôn tái định cư vạn đò Lại Tân (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), tôi phải mất nhiều thời gian chờ đợi mới gặp được trưởng thôn Võ Văn Kèn (63 tuổi). Lúc tôi đến, mới hơn 7 giờ sáng nhưng ngôi nhà của ông Kèn đã có nhiều người dân trong khu tái định cư tìm đến. Họ đến nhờ ông làm các hồ sơ thủ tục và giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống hàng ngày.
Đã quá quen với công việc này nên ông Kèn giải quyết rất nhanh gọn khiến ai ra về cũng hài lòng. “Hầu như ngày nào cũng có nhiều người dân ở khu tái định cư đến nhờ tui làm những công việc này. Phần nhiều người dân trưởng thành ở đây không biết chữ và không hiểu luật pháp nên mình phải có trách nhiệm giúp bà con khi họ cần mình”- ông Kèn tâm sự.
|
Ông Võ Văn Kèn (giữa) tìm hiểu việc mưu sinh của một hộ dân ở thôn tái định cư vạn đò Lại Tân. ảnh: An Sơn |
Ông Kèn và người dân ở khu tái định cư vạn đò Lại Tân trước đây từng sống lênh đênh trên sông Hương đoạn qua TP.Huế. Sinh ra trong gia đình vạn đò chạy ăn từng bữa, lại có 7 người con, tuổi thơ của ông Kèn là những ngày tháng cơ cực như bao đứa trẻ vạn đò khác. Dù rất hiếu học và học giỏi nhưng sự học của ông “đứt gánh giữa đường” vì sớm mồ côi bố. Chỉ theo đến lớp 9 nhưng ngày đó ông là người có trình độ văn hóa cao nhất ở xóm vạn đò và cũng là người giỏi nhất trong việc tính toán làm ăn. Vì vậy, ông rất muốn dùng khả năng của mình giúp người dân vạn đò vươn lên.
Ông biết rõ người dân muốn thay đổi cuộc sống thì phải có kiến thức, mà muốn có kiến thức thì trước hết phải biết cái chữ. Từ đó ông quyết định mở lớp dạy chữ cho những đứa trẻ vạn đò không được đến trường. Cứ tối đến, sau một ngày “theo đuôi con cá”, ông lại đứng lớp dạy cho bọn trẻ tập đọc, tập viết. Ngoài việc dạy chữ, ông còn dày công tìm hiểu sách vở và thực tế để hướng dẫn người dân cách làm ăn, nhất là việc đầu tư phương tiện phục vụ khách du lịch vãn cảnh sông Hương.
Những việc làm thiết thực của ông đã giúp cuộc sống của người dân vạn đò có những thay đổi đáng kể. Với những đóng góp đó, từ năm 21 tuổi, ông đã được bầu làm tổ trưởng tổ dân phố xóm vạn đò ở phường Vĩ Dạ (TP.Huế) và nhiều năm liền ông là đại biểu Hội đồng nhân dân phường Vĩ Dạ. Từ năm 2009, khi dân vạn đò sông Hương được đưa lên bờ trong “cuộc di dân lịch sử”, gia đình ông cùng với gần 340 hộ vạn đò khác với xấp xỉ 2.900 khẩu được đưa đến sinh sống tại thôn tái định cư vạn đò Lại Tân.
Tại nơi ở mới, ông được tín nhiệm bầu làm trưởng thôn và mọi việc lớn nhỏ trong thôn ông đều đứng ra giúp dân như khi còn sống trên sông nước. Từ việc viết các loại giấy tờ, hướng dẫn cách phát triển kinh tế, đến việc giải quyết các vụ vợ chồng, anh em, hàng xóm bất hòa, trẻ em chơi bời lêu lổng… người dân đều kêu ông. Thậm chí nhiều trường hợp vợ chồng cãi nhau vì chuyện… chăn gối cũng đến gõ cửa nhà ông nhờ giải quyết.
“Người ta gọi tui là trưởng thôn đặc biệt. Chắc họ gọi thế cũng không sai, bởi không ai làm trưởng thôn mà phải làm nhiều việc như tui và có lẽ không có trưởng thôn nào được dân tin như tui”- ông Kèn bộc bạch.
Người đặt tên cho ngàn đứa trẻ
Tôi đang trò chuyện với ông Kèn khi chiều gần tắt nắng thì có một thanh niên da sạm đen, áo quần lấm lem, tìm đến nhà ông. Anh này khoe với ông Kèn rằng vợ mình mới sinh được đứa con trai kháu khỉnh rồi nhờ vị trưởng thôn đặt tên cho cháu bé. Sau một thoáng suy nghĩ, ông Kèn bảo ông đặt tên cho cháu bé là Thiện Phú. Anh thanh niên mừng rỡ nghe ông Kèn giải thích ý nghĩa tên gọi vừa đặt cho đứa trẻ rồi lễ phép chào ra về.
Ông Trần Hiếu Cơ - Chủ tịch UBND xã Phú Mậu (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) cho biết: Ông Võ Văn Kèn là người rất có uy tín đối với người dân thôn tái định cư vạn đò Lại Tân. Sự đi lên về mọi mặt của người dân thôn này có công rất lớn của ông Kèn. “Ông Kèn đúng là một vị trưởng thôn đặc biệt, bởi hiếm có trưởng thôn nào làm nhiều việc cho dân và được dân tin yêu như ông ấy”- ông Cơ nói.
Đi một vòng quanh khu tái định cư vạn đò Lại Tân mới biết có đến 95% trẻ em nơi đây do ông Kèn đặt tên. Cứ mỗi lần có con, cháu chào đời, người dân lại tìm đến nhờ ông trưởng thôn đặt cho cái tên ý nghĩa. Rất nhiều hộ gia đình từ vợ chồng cho đến con cái đều do ông Kèn đặt tên. “Trước đây, vì bố mẹ mù chữ, lại sinh nhiều con nên những đứa trẻ vạn đò thường được bố mẹ đặt tên theo các con vật, vật dụng cho dễ nhớ. Thói quen đặt tên này khiến rất nhiều đứa trẻ trùng tên nhau, nhiều đứa khi lớn lên bị mặc cảm với cái tên của mình”- ông Kèn kể.
Nhận thấy rõ sự bất cập trên, khi còn làm tổ trưởng tổ dân phố vạn đò ở phường Vĩ Dạ, ông Kèn đã tự đứng ra đảm nhận việc đặt tên cho những đứa trẻ mới chào đời. Từ đó đến nay, cứ mỗi lần có trẻ em được sinh ra là người dân lại tìm đến ông nhờ đặt tên. Mỗi cái tên do ông đặt đều mang ý nghĩa riêng và không bao giờ trùng nhau.
Điều khiến người dân khâm phục là việc dù ông đặt tên cho rất nhiều người nhưng khi đến bất cứ gia đình nào ông cũng đọc vanh vách tên từng người một. “Đến nay đã có cả ngàn đứa trẻ được tôi đặt cho những cái tên ý nghĩa. Đằng sau mỗi cái tên ấy là niềm mong mỏi cuộc sống chúng nó được đổi thay để bớt cái cực cái khổ nên tui không thể quên tên của những người do mình đặt”- ông Kèn chia sẻ.
Con nối nghiệp bố
Vợ chồng ông Kèn có 2 người con đều đã tốt nghiệp đại học, trong đó người con trai Võ Văn Thương hiện công tác tại UBND xã Phú Mậu. Từ ngày còn là sinh viên, anh Thương đã mở lớp tình thương để dạy học miễn phí cho trẻ em vạn đò ở phường Vĩ Dạ. Khi chuyển về thôn tái định cư vạn đò Lại Tân, anh tiếp tục duy trì lớp học để giúp đỡ trẻ em vạn đò trong thôn.
Nhiều năm qua, mặc dù công việc ở xã rất bận bịu nhưng cứ tối đến là anh Thương có mặt tại nhà cộng đồng thôn để đứng lớp. Hiện lớp học của anh thu hút lượng lớn học sinh trong thôn tham gia. Anh bộc bạch: “Là dân vạn đò nên ngày trước mình đi học rất khổ cực. Chính vì thế mà mình hiểu khó khăn của học sinh vạn đò hơn ai hết. Từ đó mình quyết tâm duy trì và phát triển lớp học này để giúp các em bớt đi phần nào thua thiệt”.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, lớp học của anh Thương đã giúp rất nhiều học sinh vạn đò vươn lên trong học tập. Nhiều em nhờ sự kèm cặp của anh mà đã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Điều đó đã tiếp thêm động lực để anh tiếp tục gắn bó với lớp học của mình. “Chỉ có cái chữ mới có thể giúp người dân đổi thay cuộc sống. Tôi sẽ làm hết sức để góp sức cùng bố giúp bà con vươn lên thoát được cái nghèo cái khổ đeo đẳng bao đời nay”- anh Thương giãi bày.