Thậm chí, không ít cô nàng chẳng có nhu cầu tập luyện mà chỉ tìm đến những trung tâm thể hình để “sang chảnh” chụp ảnh thể hiện trên thế giới ảo. Trước trào lưu đến phòng tập chỉ để check in này, các chuyên gia cho rằng, nhiều người đang bị thế giới ảo chi phối. Họ sống bằng những nút “like”, lời khen ngợi trên facebook.
Những cô nàng sống ảo
Mới đây, cư dân mạng thi nhau “ném đá” một cô gái có thân hình khá mập tên là B.H. tại một trung tâm thể dục thể thao. Bởi, từ khi đặt chân đến phòng tập, cô gái này chỉ loay hoay với chiếc điện thoại, chụp ảnh đủ các tư thế rồi đăng lên facebook. Thỉnh thoảng cô nàng còn cười khoái chí khi có người like hoặc bình luận. Không chỉ khiến người khác “ngứa mắt’, B.H. còn làm ảnh hưởng đến việc tập luyện của mọi người xung quanh.
Những bức ảnh được chính huấn luyện viên hướng dẫn tập luyện của cô gái đăng tải lên mạng với vẻ ngán ngẩm. Người này chia sẻ: “Nói thật 18 năm trong nghề đây là trường hợp tôi cảm thấy khó chịu nhất. Nhắc em ấy tập khó quá. Ngày tập hai ca, sáng hai tiếng, chiều hai tiếng nhưng 4 tiếng em dành cả 4 cho facebook”.
Ngay sau khi câu chuyện được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng, cô nàng này đang sống ảo và bị thế giới ảo chi phối. Bên cạnh đó, không ít người bình luận cho rằng, nhiều cô gái trẻ rủ nhau đến phòng tập chỉ để “làm màu” hay đăng ảnh lên facebook câu like.
Tại một trung tâm Yoga, gym, thể hình có tiếng ở đường Trần Quốc Hoàn (Hà Nội), PV làm quen với cô nàng tên H. (20 tuổi, ngụ đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội). H. cho biết đã đến phòng tập gym hơn 7 tháng. Nói chuyện với PV, H. kể: “Không phải ai tới phòng tập cũng là để làm đẹp, rèn luyện sức khỏe. Không ít cô gái đến phòng tập chẳng qua chỉ là để check in, thậm chí là chụp ảnh quay clip đăng lên facebook, Zalo để khoe khoang. Họ tạo dáng đủ tư thế, mang cả gậy “tự sướng” đi để chụp ảnh. Có nhóm đi 3-4 người đến chụp ảnh cho nhau, cười đùa ầm ĩ sau đó thay quần áo rồi... ra về. Phòng tập này cũng gần 10 triệu đồng/năm. Chẳng hiểu tại sao họ lại có thể chi tiền ra chỉ để chụp ảnh câu like?”.
Một ngày ở phòng tập này, chúng tôi chứng kiến nhiều cô gái ăn mặc rất sành điệu, từ giày cho đến quần áo thể thao đều là hàng hiệu. Tuy nhiên, trên tay họ lúc nào cũng cầm chiếc điện thoại camera bật sẵn khiến người xung quanh rất khó chịu, huấn luyện viên chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
H. chỉ tay về cô gái mặc bộ quần áo bó sát màu vàng rồi nói: “Em này “nổi tiếng” ở đây vì thói quen show hàng. Đến đây hơn một tuần nhưng không ngày nào không bị huấn luyện viên nhắc nhở. Suốt ngày ưỡn ẹo, chụp choẹt. Chị xem trên facebook của em ấy ngày nào cũng đăng hình”.
Lân la nói chuyện với cô gái mặc áo vàng H. vừa chỉ, tôi được biết em tên là Q. (22 tuổi). Q. hiện đang là sinh viên của một trường nghệ thuật. Q. cho hay, em theo bạn bè tham gia tập gym được hơn một tuần. Nói rồi Q. giơ điện thoại lên chụp ảnh và nói: “Chị em mình làm kiểu. Chị cho em facebook, tí em đăng lên tường cho, tha hồ like”.
Vừa chụp, cô gái này đã đăng lên mạng xã hội với nội dung như: “Một ngày khổ luyện”, “Thế này mới có vòng eo con kiến”, “Ngày thứ hai cũng quen dần”... “Không chỉ có Q. mà bạn của cô gái này cũng gây mất trật tự khiến nhiều người bức xúc. Họ chạy hết góc này đến góc kia để lấy góc ảnh đẹp. Họ gây phiền hà đến mức vị huấn luyện viên phải gắt gỏng: “Thế nào, các cô đến đây để tập hay để chụp choẹt?”.
Những cô nàng này không chỉ mất trật tự mà còn thay mốt liên tục như kiểu đang đi biểu diễn thời trang. Mỗi buổi chiều tập có 2 tiếng mà thay đến 3 bộ quần áo. Có cô mặc váy bó sát, có cô mặc nguyên bộ thể thao. Chốc chốc soi gương lại chụp chụp, chiếu chiếu, cơ bản cũng chỉ để đăng hình. Họ còn nói rằng ngày mai không đến phòng tập được nên thay vài bộ quần áo để mai đăng lên facebook cho đỡ đụng hàng”, H. kể.
Sống, ăn, ngủ bằng…“like”
Trao đổi với PV, anh Nguyên Cường – huấn luyện viên tại trung tâm tập gym Star Tower (đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Mình thấy những hình ảnh đó vô cùng phản cảm. Việc tập luyện phải nghiêm túc thì mới có kết quả. Tập nghiêm túc không chỉ tôn trọng bản thân mà còn tôn trọng người khác. Qua đây có thể thấy những cô nàng này quá lạm dụng và phụ thuộc vào smartphone. Họ luôn nghĩ rằng mình sành điệu, cá tính nhưng không hiểu rằng đang bị cuốn vào lối sống ảo, phi thực tế”.
Cùng quan điểm, huấn luyện viên Nguyễn Khánh (trung tâm Thể thao Hà Nội) chia sẻ, hàng ngày có không ít những cô gái đến phòng tập của anh đăng ký tập luyện đến vài tháng nhưng chẳng bao giờ kiên trì theo đuổi lịch tập. Họ tới đây với thái độ tập không nghiêm túc. Thi thoảng lại lôi điện thoại ra chụp chụp bấm bấm, ảnh hưởng đến xung quanh và xúc phạm người hướng dẫn.
Dưới góc độ tâm lý, thạc sỹ tâm lý Tống Thị Thu Hương chia sẻ: “Nhiều người bây giờ sống quá ảo. Họ coi nút like, sự khen ngợi của cộng đồng mạng chính là động lực để làm việc, để sống. Các cô gái đến phòng tập để chụp ảnh câu like cũng như vậy. Tôi cảm tưởng như họ sống, ăn, ngủ đều bằng nút like vậy. Với các cô gái này, việc đến phòng tập đơn giản chỉ là để chụp ảnh nhưng họ không hiểu rằng điều đó đã gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Tôi cho rằng, những cô gái chạy theo thế giới ảo thì sớm muộn cũng sẽ cảm thấy hụt hẫng và vô cùng mệt mỏi. Đừng vì những nút “like” mà biến mình trở thành cái gai trong mắt người khác, nhất là ở những nơi công cộng”.
Mời quý độc giả xem video Chuyện ăn mặc phản cảm của giới trẻ (nguồn Youtube):