Không hiểu thì quản lý làm sao?
Không hiểu, không biết thì quản lý làm sao? - Đó là băn khoăn của Tiến sĩ, Luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư Hà Nội) sau khi tiếp cận các thông tin được đăng tải trên Báo Lao Động.
Đầu tiên là trường hợp của ông Lưu Công Sơn – Phó Giám đốc Sở VHTTDH tỉnh Thái Nguyên và ông Tạ Đình Chiến – Trưởng phòng Quản lý thể thao, những đơn vị được giao quản lý, giám sát hoạt động của một CLB Poker nằm trên địa bàn tỉnh là Thái Nguyên Poker Club.
|
Những "hảo thủ" lọt vào vòng cuối giải "đóng phí - chơi bài - lĩnh tiền tỉ" vừa được tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Facebook CLB. |
Tại buổi làm việc với PV, ông Sơn thừa nhận: “Cái này mong manh như sợi chỉ nên tôi vẫn thường nhắc anh em phải luôn sát sao”. Còn ông Chiến thì nói: “Quan điểm của Sở là muốn xây dựng thể thao lành mạnh chứ tuyệt đối không khuyến thích thứ thể thao vô lối mang tính chất cờ bạc”.
|
Ông Lưu Công Sơn (phải) và ông Tạ Đình Chiến trong buổi làm việc với PV Báo Lao Động. |
Dù nói vậy, nhưng cả 2 vị lãnh đạo Sở, Phòng đều thừa nhận không có nhiều kiến thức về Poker và không biết chơi như thế nào. Thậm chí, ông Chiến còn nói, trước khi Hội Bridge & Poker Thái Nguyên được thành lập đầu năm 2017, ông chưa từng nghe đến bộ môn đánh bài này.
Tương tự, 2 cán bộ chuyên trách khác là các ông Vũ Hồng Thanh – Phó Chủ tịch UBND phường Giảng Võ, Hà Nội (nơi công nhận Loyal Poker Club hoạt động) và ông Nguyễn Xuân Minh - Phó Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch, Hà Nội (nơi công nhận Win Poker Club hoạt động) trong buổi làm việc với PV Báo Lao Động hồi tháng 7.2017 cũng thực thà cho biết, "mình không hiểu và không biết chơi Poker".
Đã thế, riêng trường hợp của ông Vũ Hồng Thanh, sau khi nghe PV phân tích các kẽ hở cho thấy bộ môn nhạy cảm này hoàn toàn có thể biến tướng thành cờ bạc, vị Phó Chủ tịch UBND phường gật gù đồng ý cùng phóng viên “đột nhập” Loyal Poker Club tại địa chỉ D2 - Giảng Võ để tận thấy cảnh người chơi phải đóng tiền triệu để tham dự các “giải đấu”, sau đó nếu thắng, sẽ được lĩnh thưởng bằng tiền mặt...
Tuy nhiên đúng hẹn, đáp lại kỳ vọng và sự chuẩn bị hết sức cẩn trọng của nhóm PV, chỉ là những tiếng đổ chuông khô khan từ máy điện thoại của ông Thanh.
Tiến sĩ, Luật sư La Văn Thái tiếp tục đặt câu hỏi: “Lãnh đạo Hiệp hội Bridge & Poker Việt Nam thì viện lý do ở xa (TP.HCM) để lơ là trách nhiệm giám sát. Việc xử lý sai phạm thì lại đẩy hết cho chính quyền sở tại trong khi công chức địa phương thì không hề có kiến thức. Tại sao bất cập này vẫn ngang nhiên tồn tại, không được khắc phục qua đó là kẽ hở cho các CLB Poker tha hồ tung tác?”.
Từ những biểu hiện trên, vị chuyên gia pháp luật cho rằng các cấp có thẩm quyền cần phải kiện toàn ngay những văn bản pháp lý để tránh bộ môn rất mới lạ này biến tướng thành cờ bạc.
Thậm chí, theo Tiến sĩ Thái, Tổng cục Thể dục – Thể thao nên chăng tạm dừng có thời hạn bộ môn Poker và chỉ cho phép hoạt động trở lại khi các cán bộ cơ sở được tập huấn, cung cấp kỹ lưỡng kiến thức và kỹ năng để có thể hiểu và giám sát được Poker.
Dấu hiệu "đánh bạc", "gá bạc"
Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc công ty Luật Thiên Minh (Hà Nội) viện dẫn các quy định của pháp luật và các khái niệm liên quan, cho biết:
“Đánh bạc” được hiểu là hành vi được - thua bằng tiền hay một vật có giá trị dựa vào kết quả chưa rõ ràng của một sự kiện với một mục đích có thêm tiền bạc hoặc giá trị vật chất. Do vậy, đánh bạc dựa trên 3 yếu tố: Sự tính toán, cơ hội và giải thưởng. Trong khi đó, hành vi khách quan của “Gá bạc” là dùng địa điểm đang do mình quản lý sử dụng để cho người khác đánh bạc thu tiền.
Vị luật sư phân tích: “Rõ ràng người chơi Poker phải đóng tiền tới nhiều triệu đồng thì mới được tham gia. Và kết quả là gì? Anh ta được cơ hội chiến thắng bằng tiền mặt, vốn chính là tiền góp lại từ những người chơi khác. Còn các CLB Poker thì cho người chơi mượn địa điểm, mượn cơ sở vật chất và qua đó thu phí bằng 20% tổng số tiền người chơi đóng vào. Đấy chính là biểu hiện của gá bạc”.
Tương tự, luật sư Vũ Thế Hợp - Giám đốc Công ty luật Gia Long trên cơ sở các thông tin tiếp cận được cũng chung quan điểm cho rằng hoạt động tại các CLB Poker có biểu hiện của “đánh bạc” và “gá bạc”.
|
Người chơi phải trả tiền mới được tham dự các giải đấu Poker. |
“Bản chất của đánh bạc là tiền từ túi người này chảy sang túi người khác nhưng không phát sinh ra giá trị vật chất. Người chơi Poker đánh với nhau cũng tựu trung lại là góp tiền cho mấy người đạt giải và bất biết ai thắng thua, nhà cái vẫn lợi nhất vì họ luôn có khoản phí cố định 20%” - luật sư nói.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, do mỗi “giải đấu” Poker thường đông người tham nên tỉ lệ “chọi” cũng rất cao. Nếu chỉ quan sát bề ngoài, khó có thể cảm nhận hết được sự khốc liệt của ván bài cũng như diễn biến thật trong tâm lý người chơi...
“Đông người chơi, dẫn đến giải thưởng lớn và tỉ lệ “chọi” cao. Chỉ sảy một li là loại luôn, nhìn người khác ôm trọn đống tiền thưởng. Nói không cay cú thì ai tin?” - luật sư Hợp đặt câu hỏi.