Nguồn gốc của tục cúng ông Công, ông Táo
Chia sẻ với PV Dân trí, tiến sỹ Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho biết, theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.
Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc của mình là coi sóc bếp lửa cho các gia đình nơi trần thế.
|
Người Việt tin rằng, hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. (Ảnh: Ngọc Linh). |
Tục cúng ông Công, ông Táo có nguồn gốc theo Đạo Lão của Trung Quốc là cúng ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ nhưng khi du nhập vào nước ta đã được Việt hóa thành huyền tích "hai ông một bà" (vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc). Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc ông Táo, bà Táo.
Đối với quan niệm của người Việt, tục thờ các vị Táo Quân trong nhà gắn liền với tín ngưỡng của nhà nông. Thứ nhất là tín ngưỡng phồn thực, cầu mong mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, sung túc, đầm ấm.
Thứ hai dựa trên nền tảng sản phẩm của thâm canh nông nghiệp lúa nước. Thứ ba là tín ngưỡng thờ đa thần, tục thờ Táo Quân thực chất là tục thờ thần Lửa (vì theo quan niệm, lửa là khởi đầu cho một chu kỳ sống của vạn vật hữu linh).
Vì sao không mua "máy bay", "trực thăng" cho ông Công, ông Táo về trời?
Theo tiến sỹ Vũ Thế Khanh, người xưa quan niệm cá chép (hay còn gọi là cá chép tiên) là một loài vật sống ở trên Thiên Đình, do phạm lỗi, nên bị Thượng Đế đày xuống trần gian tu hành để chuộc lại tội lỗi của mình gây ra.
Sau khi tu thành chính quả, thì cá chép sẽ hóa thân thành rồng và bay lên trời. Còn ông Táo là do Thượng Đế phái xuống trần tục để theo dõi loài người, xem ai là người thiện, người ác để trình thượng giới có hình thức "thưởng thiện phạt ác" .
|
Việc phóng sinh cá chép trong lễ cúng ông Công, ông Táo gửi gắm những ước nguyện tốt đẹp của người Việt. (Ảnh: Mạnh Quân). |
"Cho nên khi cúng Táo Quân thì cúng thêm 3 con cá chép còn sống, sau khi cúng sẽ "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông). Mục đích sâu xa của tín ngưỡng này là từ bi, phóng sinh "thương yêu muôn loài", tiến sỹ Vũ Thế Khanh nói.
Ngoài ra, việc phóng sinh cá chép trong lễ cúng ông Công, ông Táo cũng xuất phát từ văn hóa người Việt.
Trong tâm thức người Việt, cá chép là loài đã "vượt vũ môn hóa rồng" nên được coi là biểu tượng của sự thăng hoa, an lành và sung túc. Với giới trí thức, cá chép được cho sẽ đem đến công danh, thăng tiến và may mắn. Việc phóng sinh cá chép vào ngày ông Công ông Táo cũng gửi gắm thể hiện ước nguyện những điều tốt đẹp cho một năm mới của người Việt.
Vài năm gần đây, có những người mua một số lượng lớn cá chép với mong muốn càng phóng sinh nhiều, gia đình sẽ càng hưởng lộc và sung túc hơn. Thậm chí, không ít gia đình còn sắm "mâm cao, cỗ đầy", mua trực thăng giấy, ô tô cho ông Công, ông Táo.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia điều này là không có căn cứ và hiểu sai về tục cúng ông Công, ông Táo.
"Việc lạm dụng quá nhiều vàng mã vừa tiêu tốn tiền bạc, vừa làm ô nhiễm không khí. Cúng ông Công ông Táo là nét văn hóa đẹp mang tính nhân văn, nhắc nhở mọi người tin theo nhân - quả, luôn làm các điều thiện, lánh xa điều ác và nhắc rằng luôn có Táo Quân (sứ giả nhà Trời) giám sát mọi việc làm của chốn trần gian.
Ngoài ra, nếu đã hiểu là "cá chép" là sứ giả nhà trời thì đâu có đói ăn khát uống như dân gian vẫn nghĩ, đâu có thèm khát đồ biếu xén, hối lộ giống như các quan tham nhũng của trần gian, chẳng qua người xưa hiểu biết về khoa học vũ trụ còn thô sơ nên nghĩ rằng thiên đình cũng giống như trần gian.
Vì vậy, lâu nay mới có nhiều người hiểu sai, làm mâm cúng ê hề, chuẩn bị các lễ vật đắt đỏ mà quên đi điều quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm, thành kính, làm sao để giữ trọn vẹn những giá trị nhân văn trong nét đẹp văn hóa truyền thống mới là điều đáng quý", tiến sỹ Vũ Thế Khanh khẳng định.
Thả cá chép lễ cúng ông Công, ông Táo thế nào cho đúng?
|
Khi thả cá chép cần phải thực hiện với tấm lòng thành kính. (Ảnh: Mạnh Quân). |
Thả cá chép phóng sinh là việc mang nhiều ý nghĩa trong ngày ông Công ông Táo. Tuy nhiên việc thả cá như thế nào cho đúng là điều không phải ai cũng biết.
Nhiều người có thói quen thả cá thả kèm cả túi bóng, rác thải hoặc đứng trên bờ hồ ném cá xuống nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây đều là những hành động "phản văn hóa".
Khi thả cá chép, chúng ta phải làm với tấm lòng thành kính, hướng tới những điều tốt đẹp. Cách thả đúng nhất là dùng hai tay, đưa cá sát mặt nước rồi mới từ từ thả xuống.
Nếu ném từ trên cao, cá chép khó lòng mà sống được, còn nếu sống chắc chắn cũng thành tật. Thêm vào đó, hành động này còn đi ngược với đạo lý Phật giáo về ý nghĩa "phóng sinh".
Ngoài ra, sau khi thả cá cần thu dọn túi bóng, rác thải đúng nơi quy định. Tuyệt đối không nên vứt rác bừa bãi, gây ảnh hưởng đến môi trường.