Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm tại buổi tọa đàm “Hiểm họa ma túy và hành động của chúng ta” diễn ra tại Hà Nội sáng 14/6.
Cai nghiện tại cộng đồng
Xã Vạn Giã (Vạn Ninh, Khánh Hòa) là một trong những xã được triển khai mô hình đề án đổi mới về cai nghiện ma túy do SCDI thực hiện. Chị Nguyễn Thị Hoa – Trạm trưởng Trạm y tế xã Vạn Giã cho hay, toàn xã có hơn 10 người nghiện ma túy. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của SCDI, trạm y tế bước đầu tiếp cận được với phương pháp tư vấn và điều trị cai nghiện.
|
Nhiều đối tượng nghiện ma túy đá chưa có phác đồ điều trị cụ thể. (chụp tại Trung tâm Cai nghiện Thủy Nguyên, Hải Phòng). ảnh: Minh Nguyệt |
Anh Nguyễn Triệu Phú (28 tuổi, ở Vạn Giã) cho biết, anh nghiện ma túy 10 năm, ban đầu vì mặc cảm nên anh giấu gia đình, hàng xóm. Sau 2 năm nghiện ma túy, sức khỏe yếu đi, không đi làm được nên không có tiền để hút, anh trộm tiền của gia đình và bị phát hiện. Sau nhiền lần đi cai nghiện bắt buộc đều thất bại, anh và mẹ tìm đến trạm y tế xã để cai nghiện. “Sau đó, nhờ được sự động viên của gia đình và tư vấn của trạm y tế xã, tôi đã được điều trị cai nghiện thay thế bằng mathadone. Sau 7 tháng cai nghiện, tôi thấy sức khỏe tốt hơn, có thể làm việc lại như bình thường” – anh Phú nói.
Ông Trần Quốc Thông – Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Khánh Hòa cho biết, hiện cả tỉnh đang quản lý hồ sơ của gần 1.200 người nghiện ma túy ở 85 xã, phường, thị trấn. Trong đó, các nơi có nhiều người nghiện ma túy nhất là TP.Nha Trang (464 người), huyện Vạn Ninh (223 người), TP.Cam Ranh (160 người), thị xã Ninh Hòa (123 người)…
Tỉnh đã thành lập 3 cơ sở điều trị nghiện bằng methadone đặt tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh ở nhiều địa phương. Ngoài ra, có 30 xã, phường, thị trấn ở Khánh Hòa đã thực hiện giúp người nghiện ma túy điều trị ngay tại cộng đồng.
“Qua thực hiện, hoạt động cai nghiện tại cộng đồng nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người dân, đặc biệt là người nghiện và gia đình của họ. Kết quả thực hiện cũng cho thấy hoạt động cai nghiện tự nguyện đạt hiệu quả cao bởi có gia đình và cộng đồng hỗ trợ” – ông Thông nói.
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc SCDI cho biết, hiện nay công tác tư vấn còn hạn chế, việc điều trị chưa đạt kết quả như mong đợi bởi chủ yếu vẫn là cai nghiện bắt buộc. Quá trình cai nghiện không có sự phân loại để đánh giá mức độ mới sử dụng hay đã nghiện ma túy. Mặt khác, tình trạng người nghiện ma túy đá, ma túy tổng hợp tăng nhanh, nhưng lại chưa có phác đồ điều trị cụ thể nên hiệu quả cai nghiện và thời gian phục hồi chậm.
“Những nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy có tới 30-40% người nghiện ma tuý có vấn đề về sức khoẻ tâm thần và có những mối quan hệ hạn chế. Việc gia đình xa lánh, hàng xóm láng giềng tránh mặt khiến cho nguy cơ sử dụng ma tuý càng lớn hơn” – bác sĩ Oanh nói.
Hỗ trợ tiền để cai nghiện bắt buộc
“Tôi cho rằng quan trọng nhất là nghị lực của chính người nghiện, ngoài yếu tố quyết định này cũng cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của gia đình và xã hội. Những người đã cai nghiện thành công đều gắn chặt với hai yếu tố này”.
Ông Nguyễn Trọng Đàm – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH
Để đẩy mạnh công tác cai nghiện tại cộng đồng, Bộ LĐTBXH đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện. Theo đó, dự thảo đề cập tới nhiều điểm mới, như đơn giản hồ sơ để thực hiện cai nghiện tự nguyện, bắt buộc. Đề nghị hỗ trợ người cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, mức hỗ trợ có thể bằng 70% mức cai nghiện bắt buộc (hiện cai nghiện bắt buộc được hỗ trợ 960.000 đồng/người/tháng).
Ông Nguyễn Xuân Lập – Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, Việt Nam có 210.751 người nghiện có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, còn nhiều đối tượng chưa được phát hiện. Các đối tượng sử dụng ma tuý chủ yếu trong độ tuổi 25 trở xuống. Đặc biệt, có tới 8% người nghiện ở độ tuổi vị thành niên.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTBXH đang thực hiện việc đổi mới căn bản công tác cai nghiện. Theo đó, không chỉ dừng lại ở cai nghiện bắt buộc, mà tiến tới phát triển cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, trong gia đình. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện tiếp cận theo phương pháp dự phòng và cai nghiện. Theo đó, chúng tôi sẽ phân rõ, người mới sử dụng ma túy và người nghiện ma túy để có cách thức phòng tránh và cai nghiện hiệu quả” – ông Lập nói.