Luật Cảnh vệ: Cần bổ sung quy định không lạm dụng quyền con người

Google News

ĐBQH đề nghị cần bổ sung quy định nguyên tắc không tùy tiện, lạm dụng thực thi các biện pháp cảnh vệ có thể dẫn đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Tán thành Bộ Công an quyết biện pháp cảnh vệ trường hợp cấp thiết
Chiều 3/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình quan điểm, tuỳ tình hình an ninh trật tự trong từng thời điểm, trường hợp cụ thể, giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ là phù hợp.
Luat Canh ve: Can bo sung quy dinh khong lam dung quyen con nguoi
 Đại biểu Quốc hội Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên).
Theo đó, tại điểm h khoản 3 Điều 1 "trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại điều này".
Đại biểu Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên) cho hay, việc quy định thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết là cần thiết. Vì tại khoản 5 Điều 10 Luật Cảnh vệ hiện hành quy định "căn cứ tình hình an ninh chính trị trong từng giai đoạn, khi xét thấy cần thiết,  Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đối tượng cảnh vệ và việc áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ phù hợp với quy định tại các Điều 11, 12, 13 và 14 của luật này".
Tuy nhiên, việc thực hiện quy định còn gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo tính kịp thời nên đã tác động, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác cảnh vệ.
"Mặt khác, việc áp dụng biện pháp cảnh vệ trong các trường hợp trên phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 "quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật, trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng", đại biểu Luyến nêu ý kiến.
Bổ sung quy định tránh lạm dụng kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật... 
Đồng quan điểm với đại biểu Luyến, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) lưu ý tới đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong xây dựng luật.
Luat Canh ve: Can bo sung quy dinh khong lam dung quyen con nguoi-Hinh-2
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang). Ảnh: QH. 
Đại biểu Trần Văn Tuấn cho hay,  Luật Cảnh vệ năm 2017 và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ có nhiều điều khoản liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân và những quyền này được quy định trong Hiến pháp năm 2013.
Nhất là các quy định về biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ. Ví dụ, một số biện pháp và quyền hạn về kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện ra, vào khu vực, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nổ súng trong một số trường hợp, huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ và các biện pháp khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ,..
Ngoài các biện pháp được quy định trong luật, theo Tờ trình của Chính phủ thì cách thức và quy trình thực hiện công tác cảnh vệ mang tính nghiệp vụ cao của lực lượng Công an nhân dân và có chứa bí mật nhà nước cần giao cho Bộ trưởng Công an quy định chi tiết.
Đại biểu đánh giá, các quy định trên hết sức cần thiết, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. 
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Tuấn, trong bất kỳ tình huống nào, hoàn cảnh nào thì việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân cũng phải được đề cao. Điều này nhằm tránh sự tùy tiện, lạm dụng việc thực thi các biện pháp liên quan, dẫn đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân nếu không thực sự cần thiết.
Chẳng hạn như tùy tiện, lạm dụng kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện, việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nổ súng huy động phương tiện...
Đây là yêu cầu có tính nguyên tắc quan trọng được Hiến pháp quy định cần được thể hiện trong luật và các văn bản dưới luật. Song qua nghiên cứu, đại biểu thấy trong luật hiện hành và dự thảo luật Luật Cảnh vệ lại chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về nguyên tắc này.
"Do đó, tôi đề nghị cần bổ sung thêm khoản 6 vào Điều 5, quy định nguyên tắc không tùy tiện, lạm dụng thực thi các biện pháp cảnh vệ có thể dẫn đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân", đại biểu nêu ý kiến.
>>>Mời quý độc giả xem video đại biểu Nguyễn Minh Tâm (doàn Quảng Binh) trao đổi bên hành lang Quốc hội về vấn đề quan tâm tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)