Công an huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh) mới đây bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Tươi (53 tuổi, ngụ xã Mỹ Cẩm) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo điều tra ban đầu, bà Tươi bắt đầu làm "đầu thảo", mở nhiều dây hụi từ năm 2002 để lấy hoa hồng. Đến đầu tháng 2 vừa qua, bà này tuyên bố vỡ hụi, không có tiền trả khoản góp cho các hụi viên.
Tại thời điểm bà Tươi tuyên bố vỡ hụi, vẫn còn 66 dây hụi chưa kết thúc. Cơ quan điều tra đã chứng minh trong số này có 1 dây hụi giá trị 5 triệu đồng bà Tươi đã hốt 15 phần hụi khống với hơn 660 triệu đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Hồng Tươi. Ảnh: Công an Trà Vinh.
Số tiền này, bà Tươi tiêu xài cá nhân hết hơn 480 triệu, gần 200 triệu còn lại đối tượng đã trả cho các hụi viên.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Mỹ Diện (42 tuổi, ngụ xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần) cũng về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo kết quả điều tra, vào năm 2006, Diện làm chủ hụi và mở nhiều dây hụi 1 -5 triệu đồng để hưởng tiền hoa hồng.
Đến năm 2021, Diện mất khả năng chi trả và vay nợ bên ngoài. Để có tiền trả lãi và tiêu xài cá nhân, Diện mở thêm nhiều dây hụi khác rồi dùng thủ đoạn gian dối đặt tên khống hụi viên, đến kỳ "khui hụi" tự ý lấy tên hụi viên hốt để chiếm đoạt tiền.
Nguyễn Ngọc Yến tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Đồng Tháp.
Sau đó, Diện tuyên bố vỡ hụi. Có 25 dây hụi chưa kết thúc. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh chứng minh Diện dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt hơn 4,2 tỷ đồng của hụi viên.
Tại tỉnh Đồng Tháp, Nguyễn Ngọc Yến (35 tuổi, ngụ xã An Bình, huyện Cao Lãnh) là 1 chủ hụi có tiếng ở TP Cao Lãnh. Từ khi Yến tuyên bố vỡ nợ, nhiều người lao đao, đứng ngồi không yên vì số tiền các hụi viên đã đóng lên đến hàng chục tỷ đồng có nguy cơ mất trắng.
Theo kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn Ngọc Yến mở 107 dây hụi huy động gần 500 hụi viên tham gia. Hình thức chơi là hụi ngày, tuần, tháng. Đến ngày khui hụi, Yến lên nhóm thông báo với các hụi viên “ai muốn hốt sẽ bỏ thăm trực tiếp lên nhóm”. Người nào bỏ thăm cao nhất sẽ được hốt.
Từ đó, Yến dùng thủ đoạn gian dối lấy nhiều tên khống khác nhau bỏ hụi cao rồi chiếm đoạt tiền của các hụi viên. Bước đầu xác định, các hụi viên đã đóng hơn 30 tỷ đồng.
Theo cơ quan công an Đồng Tháp, thủ đoạn của Yến là tạo mối quan hệ, thông qua việc chơi hụi có lãi suất cao, rồi hứa hẹn và giao trả tiền khi hốt hụi đúng hẹn để tạo lòng tin của các hụi viên. Yến cài tên khống vào các dây hụi để hốt chiếm đoạt tài sản.
Một người tham gia chơi hụi của Yến bức xúc lên tiếng: "Tôi dính vào hụi của Yến tới 35 dây, với số tiền thiệt hại gần 1,3 tỷ đồng. Yến cho 'hụi ma' hốt để chiếm đoạt tiền của hụi viên”.
Chơi hụi có nhiều rủi ro nhưng huy động vốn nhanh và có lãi suất hấp dẫn, nên nhiều người tham gia với hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng. Điều đáng nói là nhiều người dân không tìm hiểu các dây hụi; không tham gia khui, việc gom và giao hụi đều do chủ hụi quản lý. Việc này tạo ra sơ hở cho các chủ hụi thực hiện hành vi gian dối.
Công an khuyến cáo để tự bảo vệ quyền lợi cho mình và tránh rủi ro khi chơi hụi, người dân cần tìm hiểu rõ những quy định của pháp luật về hụi được quy định tại Nghị định 19 ngày 19/2/2019 của Chính phủ.
Trong đó, đặc biệt cần yêu cầu chủ hụi cho xem, sao chụp sổ hụi, thông báo về việc tổ chức dây hụi tại UBND cấp xã nơi chủ hụi cư trú. Khi góp hụi phải yêu cầu chủ hụi cấp giấy biên nhận thể hiện giao các phần hụi cho hụi viên lĩnh tại mỗi kỳ mở hụi.
Cần tìm hiểu những người tham gia trong cùng dây hụi, tham gia khui hụi đầy đủ theo từng kỳ, không để chủ hụi có điều kiện gian dối.
Hạn chế tham gia nhiều phần, nhiều dây, nhất là những dây hụi có giá trị lớn. Khi phát hiện chủ hụi có dấu hiệu gian dối để chiếm đoạt tài sản hoặc có hành vi vi phạm pháp luật, cần kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết.