Sáng nay (17/8), Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính tổ chức công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2018 (chỉ số APCI 2018) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng. Đây là lần đầu tiên Báo cáo này được công bố.
Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2018 là sản phẩm của quá trình nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng, phân tích chuyên sâu của nhóm chuyên gia kết hợp với sự tham gia tích cực của các thành viên Hội đồng. Báo cáo cho thấy những dữ liệu thực chứng được từ thu thập, đo lường từ trải nghiệm của doanh nghiệp, từ đó, xác định nguyên nhân gây nên gánh nặng thực thi thủ tục hành chính của doanh nghiệp.
Với trọng tâm là tám nhóm thủ tục hành chính có tác động nhiều tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên cả nước, Báo cáo Chỉ số APCI 2018 được coi là dữ liệu cơ sở phục vụ việc đánh giá tính hiệu quả của các nỗ lực cải cách theo từng nhóm thủ tục hành chính và theo vùng miền, địa phương trong các năm tiếp theo.
Đây cũng được coi là chỉ dấu cho các cơ quan nhà nước ở Trung ương tiếp tục thực hiện các phương án kiểm soát thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ phù hợp tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý. Báo cáo cũng đề xuất những ưu tiên cải cách cho các vùng, địa phương phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế ở từng địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch Hội đồng cho biết, đây là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả để thực hiện thủ tục hành chính theo quy định hiện hành.
Nhóm thủ tục thuế có chi phí chỉ hơn 73000 đồng, nhóm thủ tục xây dựng chi phí lên tới hơn 64 triệu đồng
Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2018 được Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính vừa công bố cho thấy quán quân trên bảng xếp hạng chỉ số chi phí thực hiện thủ tục hành chính là nhóm thủ tục thuế với chi phí trung bình chỉ hơn 73.000 đồng, trong khi nhóm thủ tục xây dựng đứng sau cùng với chi phí lên tới hơn 64 triệu đồng.
Lý giải việc này, báo cáo nêu rõ, nhóm thủ tục xây dựng không ở nhóm cao nhất, nhưng chi phí trực tiếp cao vượt trội đã làm nhóm thủ tục này trở nên đắt đỏ bậc nhất. Với mỗi triệu đồng mà doanh nghiệp phải chi trả thì 0,93 triệu đồng là chi phí trực tiếp doanh nghiệp cần để hoàn thiện hồ sơ và 0,07 triệu đồng là chi phí thời gian.
Trong khi đó, nhóm thủ tục quán quân là thuế, báo cáo cho biết vị trí quán quân của nhóm thủ tục hành chính có thể được lý giải bởi những nỗ lực cải cách của ngành thuế dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.
|
Chi phí tuân thủ các nhóm thủ tục.
|
Báo cáo cũng cho thấy chi phí thực hiện cùng một thủ tục có sự khác biệt giữa các địa phương. Ví như về thủ tục xây dựng, các tỉnh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có mức chi phí tuân thủ cao nhất, gấp gần 2,3 lần so với mức trung bình trên cả nước. Trong khi đó, mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tương đương 20% mặt bằng chung toàn quốc. Mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung lại xấp xỉ mức trung bình trên cả nước.
Khi xét đến từng địa phương cụ thể, tỉnh có mức chi phí tuân thủ lớn nhất vượt mức trung bình cả nước 4 lần và gấp địa phương có mức chi phí nhỏ nhất tới 20,5 lần.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Phan Hải lý giải, chi phí tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cao do thời gian chuẩn bị hồ sơ dài, cộng với chi phí trực tiếp cao, gồm cả chi phí không chính thức và chi phí tư vấn. Như vậy, chi phí trực tiếp tại các tỉnh trọng điểm Bắc Bộ cao hơn so với các tỉnh trọng điểm phía Nam, đây là căn cứ để các địa phương chấn chỉnh, kể cả công tác cán bộ. Nếu các dịch vụ tư vấn mà độc quyền thì chi phí tư vấn sẽ cao, nếu có nhiều đơn vị tư vấn thì chi phí sẽ giảm.
Các chuyên gia cho rằng, với chỉ số này, Chính phủ sẽ có thêm 1 công cụ được lượng hóa để so sánh nỗ lực cải cách của từng địa phương, bộ ngành và từ đó tạo sức ép và cạnh tranh trong cải cách giữa các đơn vị.
Ba vấn đề cải cách trọng tâm
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho biết, Báo cáo được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cũng là sáng kiến được Thủ tướng đánh giá rất cao.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm vấn đề kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có tình trạng đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian để thực hiện thủ tục hành chính. Theo một nghiên cứu, riêng trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, báo cáo nhấn mạnh 3 vấn đề cải cách trọng tâm.
Theo đó, thứ nhất, những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và các bộ ngành cần phải được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh nhằm kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ vào nhóm đứng đầu trong ASEAN mà còn phấn đấu vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD. Thông qua Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018, cộng đồng doanh nghiệp đã trực tiếp có ý kiến phản hồi về những nỗ lực cải cách của 8 lĩnh vực liên quan mật thiết tới hoạt động kinh doanh.
Trong 8 lĩnh vực được khảo sát, chuyên đề cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã và đang được Chính phủ đặt trọng tâm cải cách trong năm 2018. Để đáp ứng mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã đặt chỉ tiêu và thời gian cụ thể: rà soát và cắt giảm 50% về điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Cho đến nay, về cơ bản các Bộ đã trình Nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tinh thần “chấp nhận va chạm” trong quá trình cải cách vì lợi ích chung cả đất nước, bởi “có rào cản mới cần cải cách”, “cải cách mà không có người phản đối là cải cách tồi”.
Thứ hai, những đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai phương thức Chính phủ điện tử thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ hành chính công cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với giải pháp Chính phủ điện tử nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động phục vụ doanh nghiệp của nhà nước, tăng tính minh bạch và giảm tiêu cực, nhũng nhiễu trong bộ máy cơ quan nhà nước.
Thứ ba, Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính là kết quả đo lường dựa trên trải nghiệm của doanh nghiệp đối với tính hợp lý của quy định pháp luật, thực tiễn thi hành và chất lượng thực thi thủ tục hành chính. Chỉ số bổ sung cho các chỉ số hiện có đánh giá về môi trường kinh doanh, quản trị hành chính công của Việt Nam; và là dữ liệu cơ sở ban đầu cho việc đánh giá hiệu quả của các nỗ lực cải cách theo từng nhóm thủ tục hành chính và theo vùng miền, địa phương trong các năm tiếp theo.