Tại kỳ họp thứ 10 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, phiên họp chiều tối nay 2/12 (giờ Việt Nam) tại Namibia, trò chơi và nghi lễ kéo co truyền thống của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh sách văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện nhân loại.
|
Nghi thức kéo co ở quận Long Biên, Hà Nội. |
Đây là hồ sơ liên quốc gia, Việt Nam phối hợp với Campuchia, Philippines, Hàn Quốc xây dựng. Nghi lễ này ở mỗi nước biểu hiện khác nhau: Ở Hàn Quốc thì hoành tráng, công phu hơn. Campuchia tổ chức nghi lễ vào đầu năm mới của người Khmer.
Hiện nay trò chơi này mang tính thể thao hóa, nhưng nguồn gốc của nó có ý nghĩa tâm linh. Các địa phương tham gia xây dựng hồ sơ của Việt Nam: Quận Long Biên và huyện Sóc Sơn của thành phố Hà Nội, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, thành phố Bắc Ninh, huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai.
Nghi lễ kéo co ngồi tại thôn Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội tổ chức ngày 3/3 âm lịch hàng năm, nhân Hội đền Trấn Vũ cũng nằm trong. Ông Ngô Quang Khải, Trưởng BQL di tích đền Trấn Vũ cho biết, không đơn giản như kéo co thể thao mọi người lầm tưởng, nghi thức này đòi hỏi nhiều yếu tố chặt chẽ từ việc chọn người, thực hành nghi lễ.
“Nghi lễ xuất phát từ tích làng Ngọc Trì hạn hán, 12 giếng cạn hết chỉ còn một giếng còn nước, sợ người xóm khác lấy nước nên người xóm có nước ngồi xuống ôm thùng nước. Sau này trở thành tích kéo co ngồi để trình diễn, cầu mong mưa thuận gió hòa”, ông Khải nói.
PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, người tham gia xây dựng hồ sơ nói: “Mấy nước họp lại với nhau xem các nghi lễ kéo co, chúng tôi giật mình về nền tảng của văn hóa Đông Nam Á. Nhiều hoạt động nghi lễ, trong đó kéo co ngồi thể hiện rất rõ trong nền tảng Đông Á, đó là sự cầu mong mùa màng tươi tốt, mọi người khỏe mạnh và xóm làng bình yên”.
Nghi lễ kéo co mỗi vùng có đặc trưng riêng. Nghi lễ ở Lào Cai mang đậm văn hóa của người Tày và người Giáy. Kéo co ở Vĩnh Phúc và Hà Nội của người Kinh nhưng cũng có nét riêng: Vĩnh Phúc người kéo co ngồi trên hố đào sẵn, dùng dây song. Người dân Long Biên ngồi bệt xuống đất. Người dân ở Sóc Sơn lại dùng cây tre.