“Hố tử thần” ở Chương Mỹ: Chuyên gia nhận định nguyên nhân

Google News

Các chuyên gia của Liên hiệp Hội KH&KT Việt Nam đã đưa ra nhận định về nguyên nhân dẫn đến việc “hố tử thần” xuất hiện ở Chương Mỹ, Hà Nội khiến 5 ngôi nhà bị ảnh hưởng, 12 hộ dân phải di dời.

Một hố "tử thần” rộng 30m, sâu khoảng 5m xuất hiện sau khi xảy ra hiện tượng sụt lún đất lớn tại xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) khiến 5 ngôi nhà bị sụt nền, 12 hộ dân với 60 nhân khẩu phải di dời khẩn cấp ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của vùng sụt lún.
Ngay khi xảy ra sự việc, UBND huyện Chương Mỹ đã mời chuyên gia đánh giá, tìm nguyên nhân gây ra hố "tử thần” trên.
Các chuyên gia địa chất thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã đưa ra nhận định ban đầu về nguyên nhân vụ sụt lún khiến “hố tử thần” trên xuất hiện khi trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống.
“Ho tu than” o Chuong My: Chuyen gia nhan dinh nguyen nhan
"Hố tử thần” rộng và sâu xuất hiện ở khu dân cư ven tỉnh lộ 419 đoạn qua xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội).
GS.TS Bùi Công Quế, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, nguyên nhân xuất hiện hố "tử thần”, thực chất là hiện tượng sụt lún có nhiều nhưng chủ yếu do hoạt động nước ngầm. Cũng có thể do sự co ngót của các lớp đất, đá trẻ ở dưới nền móng.
“Bắt đầu của hiện tượng sụt lún thường ở dưới dạng nhỏ nhưng sau đó có hoạt động của nước ngầm từ nhiều hướng như trong mạch nào đó hoặc do nước mưa ngấm xuống dần dần xói mòn, bào những lớp cát, lớp đất thành dạng dòng nước cuốn đi dẫn đến hố to dần. Đến một lúc khi trên bề mặt có trọng lượng lớn nặng sập xuống dẫn đến sụt lún lớn. Đa phần các “hố tử thần” đều dưới dạng này” - GS.TS Bùi Công Quế cho biết.
GS.TS Bùi Công Quế cũng cho rằng, chủ yếu do nền móng của khu vực đó có vấn đề.
“Đất đá ở dưới có thể nhiều loại khác nhau. Loại đá trẻ xen với các loại đá già, đá gốc. Khi nước ngầm xuống đọng ở đá gốc, sau đó chảy đi trên bề mặt đá gốc ở dưới bào xói những lớp đá trẻ ở trên chủ yếu là trầm tích phong hóa và cát. Những hố nhỏ, khe nứt đôi khi do hoạt động kiến tạo và co ngót nền móng nhưng chỉ ở dưới dạng nhỏ, chỉ khoảng mấy chục cm. Còn loại hố 'tử thần' to như vậy là do hoạt động nước ngầm” - GS.TS Bùi Công Quế nói.
Theo Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, không loại trừ sự tác động của con người như khai thác nước ngầm, xây dựng nhà cửa làm ảnh hưởng đến tầng địa chất của khu vực.
“Bây giờ để xử lý quan trọng là phải rò, phải xem những cái đấy phát triển theo hướng nào, xuất hiện ở đâu. Có thể có những chỗ chưa sập nên chưa phát hiện sự sụt lún. Do đó, phải đào ra, gia cố lại chứ không còn cách nào khác” - GS.TS Bùi Công Quế nêu ý kiến và cho rằng, việc chính quyền di dời người dân ra khỏi vùng sụt lún là cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng người dân.
PGS.TS Đỗ Cảnh Dương, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam khi trao đổi với PV cho rằng, thường những vùng xảy ra sụt lún như ở Chương Mỹ dưới nền thường có các Karst* như ở trong Thanh Hóa.
“Ở dưới là đá vôi mà đá vôi có nhiều hang Karst nên thường có sụt lún theo kiểu sụt ở dưới thì kéo theo phần đất bên trên sụt theo” - PGS.TS Đỗ Cảnh Dương nêu ý kiến và cho rằng để kết luận nguyên nhân thì phải nghiên cứu cụ thể nhưng hình dung và nhận định có kiểu như vậy.
PGS.TS Đỗ Cảnh Dương cho biết, ông sẽ liên lạc với Tổng cục Địa chất để Vụ địa chất nghiên cứu và trả lời Báo Tri thức và Cuộc sống để sớm làm rõ nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hố "tử thần" tại Chương Mỹ.
Trao đổi với báo chí, PGS TS Cao Đình Triều, nguyên Phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hố "tử thần" và các khu vực hay xuất hiện hiện tượng này có địa chất đặc thù. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do quá trình vận động lâu dài làm rỗng dần đất đá bên dưới, dẫn đến sụt đất bất ngờ. Đồng thời nhận định, hiện tượng sụt đất tại Chương Mỹ có thể do đây là nơi có địa hình đá vôi.
"Có thể dưới lòng đất có nhiều hang động Karst, khi nước ngấm vào đất đá, làm mòn các khối đá vôi, và trôi dần phần đất phong hóa khỏi kết cấu. Kết quả là tạo ra các hang rỗng. Khi các hang này đủ lớn, thành hang sẽ không chịu nổi sức nặng của công trình, vật liệu trên mặt đất mà sụt xuống thành hố" - PGS TS Cao Đình Triều nói.
Đồng thời, ông Triều cho biết, ngoài yếu tố tự nhiên, có tác động con người đến việc hình thành hố "tử thần". Tuy nhiên không loại trừ khả năng khu vực này nằm trên một đới đứt gãy đang hoạt động, là nguyên nhân hình thành hố "tử thần".
Người dân khoan giếng, “hố tử thần” xuất hiện
Trao đổi với báo chí ông Nguyễn Đình Hoa, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, theo các chuyên gia, Sở TN&MT Hà Nội nguyên nhân ban đầu có thể do địa tầng khu vực trên yếu, người dân khoan giếng dẫn đến vụ việc. 

*Karst là hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn. Sự xói mòn không phải do cơ chế lực cơ học, mà chủ yếu là do khí cacbon đioxit (CO2) trong không khí hòa tan vào nước, cộng với các ion dương của hyđrô (H+) tạo thành axít cacbonic. Axít cacbonic là thủ phạm chính của quá trình ăn mòn đá vôi. Sản phẩm tự nhiên của quá trình phong hóa karst là các hang động với các nhũ đá, măng đá, sông suối ngầm...

>>> Mời độc giả xem thêm video Hà Nội hố tử thần xuất hiện ở nhà dân, 6 người may mắn thoát nạn

Nguồn: Đài Truyền hình Hà Nội.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)