Hiện thực khốc liệt và dự cảm chiến thắng trong lá thư kỷ vật của liệt sĩ

Google News

Chiến sĩ kỹ sư - binh nhì Trương Mộng Ly hy sinh khi tròn 28 tuổi đời nhưng chưa đầy một tuổi quân. Lá thư cuối cùng anh gửi về gia đình được viết trước ngày anh hy sinh 3 tháng 11 ngày...

Tròn nửa thế kỷ kể từ ngày anh Trương Mộng Ly hy sinh, chúng tôi - những người đồng đội cũ của anh - đã tới thăm, trò chuyện với gia đình anh, và được gia đình cho xem lá thư cuối cùng anh viết gửi về cho chị gái.
Được sự cho phép của gia đình anh, tôi xin gửi đăng nguyên văn bức thư như sau:
Hien thuc khoc liet va du cam chien thang trong la thu ky vat cua liet si
 Lá thư người lính Trương Mộng My gửi về cho chị gái.
Đông Hà 16/4/72
Chị yêu quý của em!
Em viết thư này cho chị tại mặt trận Đông Hà (Quảng Trị). Đơn vị của em đến đây và đang làm việc ở vùng xung quanh. Hiện nay Ngụy đã nhảy dù tăng cường và cụm lại ở đây khá đông, vì vậy chiến sự ở vùng này vẫn tiếp diễn. Quân ta vẫn chuẩn bị rất khẩn trương, xe tăng và xe bọc thép loại nặng vẫn vào suốt đêm, không khí chiến dịch rất căng thẳng nhưng cũng rất phấn khởi chị ạ.
Hiện nay em ở trong một cánh rừng ngay sát mặt trận, nằm trong tầm oanh tạc của pháo bắn tầm xa và vùng hoạt động dữ dội của B52 của địch. Hầu như suốt đêm ngày bọn máy bay phản lực Mỹ gầm rít, nhào lộn trên bầu trời, bắn rốc két và thả bom bừa bãi xuống mọi chỗ mà chúng nghi ngờ. Chỉ cần một làn khói nhẹ hoặc một mảnh vải trắng phơi không thận trọng là có thể ăn hàng tấn bom.
Nhưng chị đừng lo gì cho em cả, em của chị vẫn bình thường, chỉ bị sức ép của bom làm cho tai ù đặc lại chẳng nghe thấy gì. Bọn em đã đào hầm rất chắc chắn ăn ngủ trong hầm. Trong cánh rừng này còn có những đơn vị pháo cao xạ và pháo mặt đất của ta nữa, nên nhiều lúc bọn em còn lên trên hầm xem máy bay nữa.
Em đã đi qua cứ điểm Cồn Tiên, Dốc Miếu. Nơi này chỉ còn là những mỏm đồi lở loét lô cốt, hầm ngầm bị pháo ta cầy xới tung tóe. Hàng đống đồ hộp mang nhãn hiệu Mỹ, xe tăng, khí tài quân sự bom đạn, mìn còn vương vãi khắp nơi.
(...)
Ngoài tiền tuyến này mặc dù là lửa và máu, là gian khổ nhưng đông vui lắm chị ạ. Em đã gặp rất nhiều đồng hương Thanh Hóa nhưng rất tiếc không biết Hùng hiện nay thuộc đơn vị nào để hỏi thăm.
Chị của em! Em vẫn bình thường, chỉ gầy và đen đi nhiều. Tất nhiên em của chị sẽ chịu đựng được cho tới khi nào không còn làm việc được nữa. Chị đừng lo gì cho em cả chị nhé.
Đông Hà giải quyết xong em sẽ theo mặt trận vào trong nữa. Chị giữ gìn sức khỏe chị nhé, chị yên tâm mà chữa bệnh chị ạ, kiên trì là phải khỏi thôi. Rất nhớ chị và các cháu. Cho em gửi lời thăm anh Phúc và anh chị Quế.
Em của chị
Mộng Ly
Hien thuc khoc liet va du cam chien thang trong la thu ky vat cua liet si-Hinh-2
Người em trai tên Hùng được liệt sĩ Mộng Ly nhắc đến trong thư hạnh phúc nhận bức ảnh cuối cùng của anh trai. 
Thư viết ngày 16/4/1972. Đó là lá thư cuối cùng của liệt sĩ Trương Mộng Ly. Đúng 27/7/1972, 3 tháng 11 ngày sau, anh đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ kiểm tra tuyến đường ống xăng dầu bảo đảm nhiên liệu cho các đơn vị binh khí kỹ thuật tăng, pháo, thiết giáp, xe ô tô phục vụ chiến dịch Quảng trị 1972.
Qua lá thư anh viết, chúng ta thấy rõ bối cảnh chiến trường giai đoạn chuẩn bị chiến dịch Quảng Trị. "Chiến sự ở vùng này vẫn tiếp diễn. Quân ta vẫn chuẩn bị rất khẩn trương, xe tăng và xe bọc thép loại nặng vẫn vào suốt đêm, không khí chiến dịch rất căng thẳng nhưng cũng rất phấn khởi".
Anh Mộng Ly thuật lại sự khốc liệt của mặt trận: "Em ở trong một cánh rừng ngay sát mặt trận, nằm trong tầm oanh tạc của pháo bắn tầm xa và vùng hoạt động dữ dội của B52 của địch. Hầu như suốt đêm ngày bọn máy bay phản lực Mỹ gầm rít, nhào lộn trên bầu trời, bắn rốc két và thả bom bừa bãi xuống mọi chỗ mà chúng nghi ngờ. Chỉ cần một làn khói nhẹ hoặc một mảnh vải trắng phơi không thận trọng là có thể ăn hàng tấn bom".
Mặc dù vậy, các anh vẫn kiên cường bám trụ để thực hiện nhiệm vụ và động viên những người ở hậu phương không phải lo lắng cho mình. Từ lá thư của anh Mộng Ly toát lên sự lạc quan, quyết tâm chiến đấu và niềm tin tưởng ở ngày toàn thắng: "Ngoài tiền tuyến này mặc dù là lửa và máu, là gian khổ nhưng đông vui lắm chị ạ. Đông Hà giải quyết xong em sẽ theo mặt trận vào trong nữa".
Đọc lá thư kỷ vật của liệt sĩ Trương Mộng Ly, những người may mắn được trở về như chúng tôi tiếc thương cho người chiến sĩ kỹ sư - binh nhì sớm hy sinh khi mới chưa đầy một tuổi quân. Anh hy sinh ở tuổi 28, độ tuổi đầy sức sống, đầy hoài bão.
Thật đáng tiếc, anh Mộng Ly đã hy sinh trước ngày thắng lợi của chiến dịch Quảng Trị. Anh không được thấy ngày toàn thắng của dân tộc ta 30/4/1975.
Tháng 9/1971, trước tình hình thực tế chiến trường ở miền Nam đòi hỏi phải tăng cường lực lượng quân số, Đảng và Nhà nước có chủ trương thực hiện "công bằng xã hội" trong việc tuyển quân. Thanh niên ở mọi tầng lớp, đối tượng là con em công nhân, nông dân, trí thức hoặc cán bộ các cấp, kể cả những người được đào tạo trong nước hoặc nước ngoài đều có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự như nhau.
Do vậy, đợt tuyển quân tháng 9/1971 là đợt đầu tiên số kỹ sư, bác sĩ, thày giáo các trường đại học được tuyển vào quân đội theo chế độ nghĩa vụ phụ cấp binh nhì 5 đồng/tháng.
Đồng đội chúng tôi từ khắp cơ quan bộ ngành, các trường đại học được gọi nhập ngũ về các đơn vị thuộc F325, F304 và Đoàn 808 Tổng cục Hậu cần. Cuối tháng 1/1972, Bộ Quốc phòng cho tập trung gần 250 anh em chúng tôi về sư đoàn 325 (Thượng Thanh - Hà Bắc) để tổ chức học tập chính trị.
Thế hệ chiến sĩ kỹ sư - binh nhì chúng tôi năm đó đã đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp giải phòng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Gần 250 anh em chúng tôi, những người may mắn còn sống đến nay tuổi đều đã trên dưới 80.
Nhiều đồng đội đã hy sinh. Nhiều đồng đội sau thời gian phục vụ quân đội đã trở về cơ quan, nhà máy, trường học để tiếp tục công tác và giảng dạy. Một số ít được đào tạo trở thành giáo sư, tiến sĩ, hoặc đảm nhận các chức vụ trong chính quyền hoặc là những doanh nhân giỏi, chuyên gia giỏi... Tất cả lứa đồng đội chúng tôi nhập ngũ năm đó đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Theo Phạm Huy Hà/Dân Trí

>> xem thêm

Bình luận(0)