Mới đây, trong phiên họp tổng kết trực tuyến năm 2015 của Chính phủ với các địa phương sáng ngày 28/12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày càng tăng trên địa bàn Hà Nội. Lý giải kiến nghị trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, bình quân hàng tháng trên địa bàn Hà Nội có 18.000-20.000 xe máy đăng ký mới và từ 6.000-8.000 ôtô đăng ký mới, với tốc độ này và từ năm 2018 khi các dòng thuế liên quan giảm, thì đến năm 2020 Hà Nội có gần 1 triệu ôtô (chưa kể ôtô của các lực lượng vũ trang), 7 triệu xe máy.
|
Hạn chế phương tiện cá nhân là một trong những giải pháp giải quyết bài toán ùn tắc giao thông tại Hà Nội. |
PV Kiến Thức đã có cuộc phỏng vấn với ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội xung quanh kiến nghị trên của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
- Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung vừa có kiến nghị lên Chính Phủ cho phép xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tại Hà Nội để giảm tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày càng tăng. Ở cương vị Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, ông nhận định thế nào về kiến nghị này?
-Ông Bùi Danh Liên: Phải nói ngay rằng, tôi rất đồng tình với kiến nghị của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân ở thủ đô. Kiến nghị trên không mới, bởi tại đề án trình Chính phủ cuối năm 2013 Bộ GTVT cũng đã dự kiến việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ thực hiện bằng nhiều cách theo từng tuyến đường, loại phương tiện, trong khoảng thời gian nhất định. Trong đề án này, phương tiện cá nhân tại 5 thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hà Nôi, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ sẽ được kiểm soát gắt gao hơn. Kiến nghị mới đây của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung là khởi động lộ trình thực hiện việc hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông.
Trên thực tế, muốn giải quyết việc ùn tắc giao thông không chỉ ở ý chí của lãnh đạo mà phải xuất phát từ chính ý thức của người dân. Khi người dân lưu thông trên đường Hà Nội, họ nhận ra mình bị thiệt thòi do quá trình ùn tắc giao thông, khói bụi, ô nhiễm môi trường, họ sẽ đồng tình với kiến nghị trên.
Việc hạn chế phương tiện cá nhân cần phải có lộ trình bởi nếu thực hiện ngay việc cấm ô tô, xe máy bây giờ người dân sẽ phản ứng.
- Ông nói người dân sẽ phản ứng khi hạn chế phương tiện cá nhân nếu thực hiện ngay, còn nếu có lộ trình thì người dân sẽ ủng hộ. Vậy cần lộ trình như thế nào?
- Ông Bùi Danh Liên: Hiện nay, Hà Nội đã hết sức, không có kinh phí để làm thêm cầu vượt, hầm chui. Chiến lược phát triển bền vững giao thông đô thị như tại Hà Nội thì phải hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Khi hạn chế phương tiện cá nhân đường thông hè thoáng mà không ảnh hưởng đến công việc và quá trình đi lại của người dân, họ sẽ phấn khởi bởi bản thân họ được hưởng không khí trong lành, không còn nhiều lo lắng liên quan đến tai nạn giao thông. Tuy nhiên khi thực hiện việc giảm phương tiện cá nhân sẽ ảnh hưởng đến lợi ích nhóm, lợi ích từng cá nhân nên cần cân nhắc kỹ và có lộ trình phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Thực tế, hiện nay xe máy chưa nên hạn chế bởi với điều kiện giao thông như hiện nay, nếu hạn chế xe máy, người dân lấy phương tiện gì để di chuyển nên phải cần có lộ trình. Chúng ta vẫn đang thực hiện những giải pháp mềm như phân luồng giao thông, xe tải không được vào thành phố. Nhưng vì điều kiện phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng khác, 300 xe tải vẫn được cấp phép vào nội thành. Cầu Chương Dương quá chật chội, hay xảy ra ùn tắc, cấm taxi lưu thông vào giờ cao điểm, hay như tại phố Khâm Thiên người ta vẫn cấm taxi trong những giờ cao điểm. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp mềm trước mắt.
|
Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, ông Bùi Danh Liên. |
Về phương tiện ô tô cá nhân, thực tế đang chiếm quá nhiều diện tích đường. Với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, tỷ lệ cá nhân sử dụng ô tô tại Hà Nội tăng nhanh trong thời gian gần đây. Trong khi đó, ô tô vừa chiếm nhiều diện tích nhưng khả năng vận chuyển lại không cao. Một người đi làm, họ cũng đi một ô tô, trong khi đó xe máy nhỏ gọn hơn vẫn chuyên chở 2 người. Vào giờ cao điểm, ô tô chiếm hạ tầng giao thông lớn. Tại Singapore, người dân sử dụng ô tô thường đánh xe đi làm từ sớm rồi đến cơ quan họ mới vệ sinh cá nhân, ăn sáng để tránh giờ cao điểm vì trong giờ cao điểm thường thu mức phí cao hơn. Thu nhập bình quân đầu người tại Singapore vào khoảng 5000 đến 6000USD/tháng nhưng người dân mua một xe ô tô rất khó vì phí hạ tầng cao nên bản thân họ không muốn mua xe. Ngay con trai tôi cũng thế, khi bảo mua xe để đi lại, đưa đón con cái nhưng con tôi vẫn không đồng ý mua vì tốn kinh phí khác ngoài chi phí để mua xe.
Đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 7 tuyến đường sắt trên cao, tàu điện ngầm. Khi đó. xe bus và taxi sẽ là những phương tiện kết nối vận chuyển hành khách đến ga đường sắt, tàu điện ngầm sẽ giải quyết được vấn đề giao thông công cộng tốt nhất. Ở Nhật Bản, khi bản thân tôi sang đó, người lái taxi hỏi tôi đi đến địa điểm nào. Khi tôi nói đi đâu, họ đưa tôi ra tàu điện ngầm, họ khuyên tôi đi tàu điện ngầm đến đó chứ đi taxi thì giá cao lắm.
- Ngoài việc hạn chế phương tiện cá nhân, theo ông cần thực hiện những giải pháp gì để chấm dứt cảnh ùn tắc đường tại Hà Nội?
- Ông Bùi Danh Liên: Muốn phát triển bền vừng, hạ tầng giao thông vẫn là giải pháp lâu dài nhất. Hiện nay, với những công trình phát triển giao thông công cộng, đầu tư rất tốn kém nên phải đợi thu nhập quốc dân tăng mới có tiền để đầu tư tiếp. Quan trọng nhất hiện nay, cần tuyên truyền cho người dân lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tại Hà Nội. Bên cạnh đó, để hạn chế phương tiện cá nhân, cần đồng bộ di chuyển nhà máy, xí nghiệp, trường học ra khỏi nội đô. Tuy nhiên, việc nói và làm rất khó bởi có một thực trạng, nhà máy xí nghiệp trong nội đô họ còn xây dựng thêm các khu nhà ở liên quan.
Vì những lý do trên, ở thời điểm hiện tại, tôi đồng tình có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng giao thông. Hi vọng đến năm 2030, khi hệ thống đường sắt trên cao, tàu điện ngầm đi vào hoạt động thì người dân sẽ sử dụng các phương tiện công cộng này, hạn chế sử dụng xe cá nhân, khi đó người dân sẽ không còn phải đợi chờ trong cảnh tắc đường, nguy cơ tai nạn giao thông sẽ giảm mạnh.
Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, ông Bùi Danh Liên!