Chủ động xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó
Chiều 11/9, ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương làm việc với huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh về công tác ứng phó với mưa lũ sau bão số 3.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản yêu cầu huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh chủ động, sẵn sàng ở mức cao nhất để ứng phó với mọi tình huống thiên tai. Trong đó, phải quyết liệt, chủ động ứng phó trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
“Đây là nhiệm vụ cấp bách, liên quan tới tính mạng, tài sản nhân dân nên phải khẩn trương, chủ động, không vì vướng mắc liên quan đến cơ chế mà chậm trễ”, ông Bản nhấn mạnh.
|
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản tại buổi làm việc với TP Chí Linh. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu 2 địa phương khẩn trương rà soát, khoanh vùng, xác định khu vực bị ảnh hưởng nếu xảy ra sự cố đê điều. Trên cơ sở đánh giá tình hình, các địa phương chủ động phương án di dân, quan tâm tới những trường hợp yếu thế.
Trong đó cần lưu ý trong công tác phòng chống mưa lũ phải ưu tiên bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe của người dân. Các địa phương sẵn sàng lên phương án thành lập ban chỉ đạo để thực hiện công tác hậu cần hiệu quả, kịp thời trong trường hợp phải di dời dân.
Ông Lưu Văn Bản lưu ý, các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm để đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian di dời. Các công việc phải triển khai khẩn trương, cấp bách, không bị động, trông chờ cứu hộ. Địa phương rà soát nhu cầu cần hỗ trợ để xây dựng hệ thống cung ứng kịp thời.
Các sở, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cấp bách triển khai các công việc hỗ trợ các địa phương khi sự cố nguy hiểm xảy ra. Cần xây dựng kịch bản khắc phục chi tiết về cung ứng nhu yếu phẩm y tế, giao thông, môi trường, điện, nước sạch, thông tin liên lạc... Các cơ quan tài chính, kế hoạch, xây dựng tham mưu phương án triển khai các dự án khẩn cấp bảo đảm hoạt động sản xuất, dân sinh để khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
Tập trung cao độ bảo đảm an toàn đê điều
Chiều ngày 11/9, Đại tá Bùi Quang Bình, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã đến kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do bão, lũ trên địa bàn huyện Cẩm Giàng.
Kiểm tra thực tế các vị trí xung yếu trên các tuyến đê thuộc huyện Cẩm Giàng, các vị trí trũng, thấp, bị ngập úng và động viên các lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục sự cố, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương yêu cầu huyện Cẩm Giàng quyết liệt trong công tác chỉ đạo sơ tán, di dời ngay người dân ở các khu vực nguy hiểm, dễ bị ảnh hưởng do mưa lũ; đồng thời lựa chọn các vị trí cao, an toàn như trường học, cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang để làm nơi ở cho người dân.
|
Đại tá Bùi Quang Bình, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do bão, lũ trên địa bàn huyện Cẩm Giàng. |
Bố trí, hỗ trợ đầy đủ nhu yếu phẩm, vật tư y tế cho người dân tại các điểm tập kết. Tập trung tối đa lực lượng, phương tiện, triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Những trường hợp phát sinh cần báo cáo ngay Ban Chỉ đạo từ cấp huyện lên cấp tỉnh để có chỉ đạo kịp thời nhằm tăng cường, bổ sung lực lượng, phương tiện phù hợp với thực tế, đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ công tác phòng chống lụt, bão và cứu nạn cứu hộ.
Trước đó, sáng cùng ngày, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương đã chủ trì Hội nghị trực tuyến đến 12 điểm cầu Công an cấp huyện chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão và khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.
Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các chỉ đạo về công tác phòng, chống lụt bão và khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra; tiếp tục nắm, theo dõi sát diễn biến tình hình mưa lũ.
Đồng thời, phải bám sát chỉ đạo của cấp trên để tham mưu, phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời các biện pháp ứng phó, có phương án ứng phó với trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ.
Trưởng Công an các địa phương tham mưu cấp uỷ, chính quyền triển khai phương án di dân đến nơi an toàn theo phương án của địa phương; nhất là người già, trẻ em, người khuyết tật, người yếu thế...; tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương bảo đảm đầy đủ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho nhân dân tại nơi sơ tán, tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
Phối hợp với các lực lượng tập trung cao độ bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, tăng cường tuần tra, canh gác nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố, đặc biệt là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu.
Đồng thời, phối hợp với lực lượng quân đội tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp, phương tiện, lực lượng ứng phó với tình hình mưa lũ, cứu nạn, cứu hộ; làm tốt công tác nắm hộ, nắm người; rà soát, thống kê ngay toàn bộ hộ khẩu, nhân khẩu, nhất là tại các khu vực xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, đảm bảo không để sót, lọt trong việc di dời người dân, hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và Nhà nước.
Khắc phục các sự cố, giữ an toàn đê điều, bờ kênh
Do ảnh hưởng do của mưa lũ, mực nước sông khu vực Hải Dương dâng cao làm phát sinh nhiều sự cố công trình đê điều, thủy lợi.
Tại TP Chí Linh, nơi có hơn 23 km đê trung ương và hơn 13 km đê địa phương, mực nước các sông Thái Bình, Kinh Thầy liên tục dâng cao đã làm phát sinh 6 sự cố đê điều tại các phường Đồng Lạc, Cổ Thành và xã Hưng Đạo.
Ngay khi phát hiện, lực lượng chức năng của thành phố đã huy động lực lượng, phương tiện, vật tư xử lý kịp thời các sự cố rò nước, sạt trượt, tràn cục bộ. Đồng thời cắm biển cảnh báo, cắt cử lực lượng trực 24/24 giờ để theo dõi.
|
Lực lượng chức năng TP Hải Dương nhanh chóng khắc phục sự cố bờ kè sông Sặt bị tràn nước.
|
Tại huyện Thanh Hà, ngay khi phát hiện sự cố thẩm lậu, rò rỉ nước tại đê tả sông Thái Bình qua địa bàn xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà đã cử lực lượng xử lý ngay từ giờ đầu bằng phương pháp khơi rãnh thoát nước và tiến hành chống thấm. Các vị trí này được canh gác, theo dõi nghiêm ngặt. Huyện tuân thủ nguyên tắc “4 tại chỗ” khi xử lý sự cố. Ngoài ra, huyện cũng kịp thời xử lý 3 sự cố chống tràn ở các xã Thanh Cường, Vĩnh Lập, Thanh Sơn và 1 sự cố sạt lở mái đê ở xã Hồng Lạc.
Tại TP Hải Dương, mực nước sông Sặt dâng cao làm xuất hiện điểm tràn trên địa bàn phường Lê Thanh Nghị vào chiều tối 11/9. Thành phố đã huy động lực lượng ứng phó kịp thời, xử lý sự cố ngay từ giờ đầu, nỗ lực khắc phục trong thời gian sớm nhất. Đồng thời cũng tích cực tuyên truyền người dân không hoang mang, lo lắng mà thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Đối với hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, do mực nước dâng cao, vượt ngưỡng thiết kế tiêu khiến khoảng 90 điểm bờ kênh tràn cục bộ và có nguy cơ tràn, các địa phương nhanh chóng ứng phó bằng cách đắp đất, tôn cao bờ kênh hoặc đắp bao tải cát để ngăn nước.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, đến 17h ngày 11/9 trên địa bàn tỉnh này xảy ra 44 sự cố đê điều và 92 sự cố về thủy lợi do ảnh hưởng của mưa bão số 3. Hầu hết các sự cố đã khắc phục xong, còn lại một số ít sự cố đang triển khai xử lý, phấn đấu xử lý nhanh nhất có thể. Các lực lượng của tỉnh vẫn nỗ lực kiểm tra, phát hiện, xử lý sớm các sự cố đê điều, thủy lợi với tinh thần quyết tâm cao, bảo đảm giữ an toàn tối đa cho hệ thống công trình trước áp lực mưa lũ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nhiều người bị công an triệu tập vì tung tin giả về bão lũ