Không lơ là, chủ quan
Theo UBND tỉnh Hải Dương, hiện nay, theo dự báo tình hình, mực nước lũ trên sông Thái Bình đã vượt mức báo động III, lũ trên sông Luộc vượt mức báo động II, kết hợp với triều cường, nước ở phía thượng nguồn tiếp tục dồn xuống phía hạ lưu và hiện tại thời tiết đang tiếp tục mưa nên mực nước trên các sông tiếp tục lên.
Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương đơn vị, lực lượng vũ trang và nhân dân đã tích cực, chủ động, sáng tạo để lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp để ứng phó chống lũ.
|
Chiều ngày 12/9, Đoàn công tác của tỉnh Hải Dương do ông Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra, động viên lực lượng hỗ trợ địa phương trong công tác phòng chống lũ.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ghi nhận và biểu dương tinh thần chủ động, tích cực của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong công tác ứng phó chống lũ. Tuy nhiên, nhiều ngày nay các lực lượng đã căng mình ứng phó chống lũ, gây mệt mỏi nên có thể lơ là chủ quan. Mặt khác lũ vẫn tiếp tục lên, các tuyến đê đã bị ngâm nước nhiều ngày nay dẫn đến hiện tượng đất bị bão hòa nước, có nguy cơ gây sạt trượt, rò rỉ đe dọa đến an toàn công trình đê điều, đặc biệt trong đêm nay và ngày mai (13/9).
Do vậy, để tiếp tục bảo vệ an toàn ở mức cao nhất cho hệ thống đê điều, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục khẩn trương, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của tỉnh tại các công điện, thông báo kết luận đã ban hành.
Đồng thời, thực hiện ngay việc bố trí thêm lực lượng để tuần tra, canh gác bảo vệ đê toàn tuyến 24/24 giờ (đặc biệt trong tối, đêm 12 và ngày 13/9). Tại các địa điểm đê xung yếu đã, đang xử lý và mới phát hiện phải thực hiện phân ca trực cụ thể cho từng người đối với từng điểm sự cố để theo dõi diễn biến, thông tin báo cáo tình hình kịp thời. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, phương tiện, lực lượng để sẵng sàng ứng phó, xử lý ngay các tình huống sự cố đê điều.
Các thành viên Ban chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh phụ trách các địa bàn có điểm xung yếu về đê điều trực tiếp xuống hiện trường trong tối và đêm ngày 12/9 để kiểm tra, lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương thực hiện nhiệm vụ.
Quyết tâm bảo vệ an toàn đê điều ở mức cao nhất
Trước đó, sáng cùng ngày, chủ trì họp chỉ đạo ứng phó chống lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu yêu cầu, đối với công tác di dân, các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện công tác di dân về nơi an toàn, ưu tiên những người yếu thế, không tự làm chủ được (người già, phụ nữ có thai, trẻ em...); tiếp tục vận động người dân tự di chuyển đến ở nhà họ hàng, người thân ở những nơi an toàn (dân nuôi dân); quan tâm đến công tác hậu cần, đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân phải di dời.
Đồng thời, quan điểm chỉ đạo phải quyết tâm bảo vệ an toàn ở mức cao nhất cho hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của tỉnh Hải Dương tại các công điện, thông báo đã ban hành và chỉ đạo trực tiếp của các Lãnh đạo UBND tỉnh tại hiện trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều toàn tuyến trên địa bàn tỉnh theo cấp báo động III, không để bị động, bất ngờ; thực hiện phát quang cây, cỏ triền đê để phát hiện sớm các điểm rò nước, mạch đùn, mạch sủi... ; đưa ra phương xử lý ngay từ những giờ đầu để đảm bảo khắc phục hiệu quả (giảm thời gian, tiết kiệm chi phí...), giảm thiểu tối đa nguy cơ mất an toàn.
|
Công an hỗ trợ đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm |
Tại các địa điểm đê xung yếu đã, đang xử lý, mới phát hiện, yêu cầu tổ chức thực hiện thường trực, trực ban 24/24 giờ trên đê; khẩn trương xử lý các địa điểm đê xung yếu đang hoặc chưa được xử lý.
Theo dõi sát mực nước hệ thống Bắc Hưng Hải (đặc biệt sông Sặt qua địa bàn thành phố Hải Dương) và thủy triều, mực nước sông ngoài để có giải pháp xử lý linh hoạt, phù hợp thực tiễn (đóng mở cống, bơm tiêu nước...) giúp giảm áp lực đối với hệ thống Bắc Hưng Hải.
Bí thư, Chủ tịch cấp huyện, cấp xã trực tiếp chủ trì chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện nhiệm vụ trên. Sở Nông nghiệp và PTNT cử cán bộ có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm để hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật.
Cùng với đó, đảm bảo giao thông thông suốt trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các khu vực di dời người dân, cấm phương tiện, người dân lưu thông trên đê; tiếp tục cấm các hoạt động giao thông đường thủy trên các tuyến thuộc thẩm quyền của tỉnh.
Đối với các tuyến không thuộc thẩm quyền của tỉnh giao Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải bố trí lực lượng cảnh báo từ xa, khi các phương tiện di chuyển tới vùng nguy hiểm phải có biện pháp để đảm bảo an toàn (yêu cầu giảm tốc độ, tắt máy... tránh việc di chuyển tạo sóng vỗ vào triền đê, bờ đê gây mất an toàn).
Đối với các thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, chính sách trợ giúp xã hội, thiệt hại khác đã được pháp luật quy định, tiếp tục rà soát, thống kê chi tiết, cụ thể, đảm bảo chính xác. UBND cấp xã, cấp huyện, cơ quan, đơn vị chủ động bố trí từ các nguồn vốn hợp pháp thực hiện khắc phục thiệt hại theo quy định. Trường hợp vượt quá khả năng báo cáo, đề nghị UBND tỉnh xem xét quyết định.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương thăm, động viên lực lượng hỗ trợ chống lũ
Chiều ngày 12/9, Đoàn công tác của tỉnh Hải Dương do ông Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra, động viên lực lượng hỗ trợ địa phương trong công tác phòng chống lũ.
Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế công tác phòng chống lụt bão tại tuyến đê tả sông Mía, một nhánh của sông Thái Bình, đoạn qua địa bàn xã Vĩnh Lập, huyện Thanh Hà; thăm cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325, Sư đoàn 395, Lữ đoàn 513, Quân khu 3… đang đồng hành cùng Hải Dương trong công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3; đồng thời thăm hỏi, động viên các hộ dân vùng bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ bình tĩnh, đồng lòng cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương nỗ lực vượt qua khó khăn, sớm ổn định lại cuộc sống.