Sau hơn một tháng triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP.Hà Nội, nhiều cơ quan, đơn vị đã có những cách làm sáng tạo.
“Khi bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội được áp dụng và thí điểm ở khu di tích đền Ngọc Sơn, ban quản lý danh thắng đã triển khai việc cho du khách mượn miễn phí áo choàng để vào đền.
Sau vài ngày thực hiện, chúng tôi nhận được những phản hồi rất tốt từ du khách. Nhiều khách nước ngoài do không nắm rõ quy định về trang phục nên vẫn vi phạm. Nhưng khi nhân viên của di tích đến nhắc nhở, họ vui vẻ thực hiện. Thậm chí nhiều người còn rất hào hứng, thoải mái khoác lên người những chiếc áo choàng trước khi vào thăm đền” - ông Nguyễn Đức Vượng, Trưởng phòng quản lý di tích đền Ngọc Sơn cho biết.
|
Những du khách mặc áo sát nách, váy ngắn, quần soóc sẽ được cho mượn miễn phí áo choàng ngoài trước khi vào đền Ngọc Sơn. Ảnh: B.H |
|
Phần lớn là du khách nước ngoài vi phạm quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội vì chưa nắm rõ quy định. Khi được hướng dẫn, du khách vui vẻ mượn áo choàng. Ảnh: B.H |
Ông Vượng cũng cho biết, Ban quản lý di tích đã chuẩn bị 100 bộ trang phục áo dài đi lễ để phục vụ cho du khách trong và ngoài nước đến thăm di. Loại áo choàng này được thiết kế đơn giản, dành cho cả nam, cả nữ, với nhiều kích cỡ. Áo có màu hồng tím, được thiết kế tay lửng. Cổ áo chữ V, có hoa văn sát viền và dài đến ngang gối.
“Chúng tôi chỉ mới hướng đến việc tuyên truyền, nhắc nhở chứ không xử phạt. Chúng tôi cũng đề xuất Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội gửi công văn tới Sở Du lịch, đề nghị nhắc nhở các doanh nghiệp lữ hành, khi đưa du khách đến di tích thì cần phổ biến cho du khách biết về quy tắc ứng xử nơi công cộng mà Hà Nội vừa ban hành, để họ có những hành động và mặc trang phục phù hợp khi vào tham quan các di tích của Hà Nội” - Trưởng phòng quản lý di tích đền Ngọc Sơn nói thêm.
|
Ngoài việc cho mượn áo choàng, nhân viên ở ban quản lý di tích sẽ nhắc nhở, phổ biến Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, cũng như nội quy của di tích cho du khách để lần sau họ không vi phạm. Ảnh: B.H |
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu bán vé vào đền Ngọc Sơn, rất nhiều du khách - cả người Việt và khách nước ngoài - được hướng dẫn mượn áo choàng khi có trang phục chưa phù hợp. Anh Phạm Nam Cường - nhân viên trông coi di tích đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm) trực tại đầu cầu Thê Húc – đã phổ biến cho du khách các quy tắc ứng xử cơ bản tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Thấy du khách nào mặc trang phục chưa phù hợp, anh Cường hướng dẫn khách đến quầy cho mượn trang phục.
“Tình cờ đưa bố lên Bờ Hồ chơi, không nghĩ sẽ vào thăm đền Ngọc Sơn, nên tôi chỉ ăn mặc theo cảm tính, áo khoét nách và chân váy. Khi vào nơi cung kính như thế này tự mình cũng thấy chưa hợp lý. May là nhân viên ban quản lý di tích đã hướng dẫn để được mượn áo choàng ngoài. Đây là việc làm kịp thời, tạo điều kiện cho du khách không phải vì một lỗi nhỏ nào đấy mà không có điều kiện để vào tham quan di tích” - chị Phạm Lan Hương (đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội) chia sẻ sau khi được cho mượn áo choàng để khoác ngoài.
|
Nhiều du khách nước ngoài thấy lạ, nhưng vui vẻ thực hiện quy tắc ứng xử. Ảnh: B.H |
Theo bà Nguyễn Thị Hòa - Trưởng Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội, bước đầu đơn vị triển khai ở các di tích thuộc quản lý của Ban và phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng triển khai tại di tích này.
Sau khi thử nghiệm ở đền Ngọc Sơn, Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội sẽ rút kinh nghiệm chỉnh sửa các mẫu áo, đồng thời triển khai ở các di tích khác, nhằm hạn chế tình trạng du khách mặc trang phục chưa phù hợp khi vào nơi linh thiêng, theo đúng quy định trong Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng do Hà Nội ban hành.