Đó là điểm đột phá được Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Lê Văn Thanh chia sẻ với Zing khi nói về Nghị quyết 68 với gói hỗ trợ 26.000 tỷ.
Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được Chính phủ ban hành ngày 1/7. Sau đó một tuần, Bộ LĐTB&XH công bố Quyết định số 23 của Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách này.
“Thông thoáng hết mức có thể”
- Gói hỗ trợ 26.000 tỷ được ban hành vào lúc rất nhiều người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cần được giúp đỡ. Xin ông thông tin về điểm mới, đột phá của gói hỗ trợ lần này?
Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến sản xuất và thị trường lao động nước ta, khiến hàng trăm nghìn lao động bị mất việc làm, hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc và giảm thu. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh buộc phải ngừng hoạt động.
|
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Nghị quyết 68 có điểm mới là hỗ trợ tập trung vào 2 đối tượng chính: Người lao động và người sử dụng lao động. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN.
|
Nghị quyết 68 có điểm mới là hỗ trợ tập trung vào 2 đối tượng chính: Người lao động và người sử dụng lao động. Cụ thể, chính sách hỗ trợ tập trung vào những lao động trực tiếp bị ảnh hưởng sâu của dịch, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và ở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, những lao động phải điều trị, cách ly trong đợt dịch lần thứ 4.
Chính sách gồm 3 nhóm cơ bản. Thứ nhất là nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp về tiền mặt cho lực lượng lao động bị tạm dừng hợp đồng, bị tạm hoãn hợp đồng, bị ngưng việc.
Thứ hai là nhóm chính sách tập trung vào miễn giảm, hỗ trợ từ các chính sách bảo hiểm như: Bảo hiểm an toàn lao động, bảo hiểm hưu trí, tử tuất và bảo hiểm chống thất nghiệp.
Thứ ba là nhóm chính sách hỗ trợ để phục hồi sản xuất, cụ thể là tái cấp vốn và lấy một phần từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để tái tạo, đào tạo, bồi dưỡng, giữ chân người lao động nhằm phục hồi hậu Covid-19.
So với gói hỗ trợ 62.000 tỷ trước đây với nhiều tiêu chí, thủ tục chặt chẽ và thời gian xem xét dài, Nghị quyết 68 quy định thủ tục đơn giản hơn rất nhiều, có thể nói “thông thoáng hết mức có thể”. Theo đó, tối đa 7 ngày tiền hỗ trợ sẽ đến tay người dân (gồm 4 ngày xét thủ tục và 3 ngày để giải ngân).
|
Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng tập trung vào lao động ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, đặc biệt là công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ảnh: Thạch Thảo.
|
Ngoài ra, Nghị quyết 68 bổ sung nhiều chính sách mới như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ người phải điều trị nhiễm Covid-19 và người phải thực hiện cách ly y tế; cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh…
Với lao động tự do, Chính phủ giao cho các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của từng địa phương để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động…
- Điểm mới liên quan đến chính sách hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế được quy định như thế nào trong gói hỗ trợ lần này, thưa ông?
Những ngày này, chúng ta chứng kiến rất nhiều hình ảnh các cháu bé phải đi cách ly. Đối tượng này cũng được đưa vào gói hỗ trợ và là điểm mới đáng ghi nhận.
Theo đó, Nghị quyết 68 sẽ hỗ trợ bổ sung cho lao động đang mang thai, người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi để trẻ em luôn được chăm sóc, bảo vệ trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, bảo đảm cho trẻ em trong giai đoạn đầu tiên của cuộc đời giảm thiểu rủi ro về sức khỏe, dinh dưỡng do cha, mẹ mất thu nhập hoặc giảm thu nhập thường xuyên.
|
Trẻ em, người đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ của Nghị quyết 68. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.
|
Cùng với đó, người lao động bị nhiễm Covid-19 hoặc phải cách ly y tế để phòng, chống Covid-19 cũng là những trường hợp lâm vào hoàn cảnh khó khăn đột xuất. Khó khăn sẽ gấp bội nếu họ đồng thời bị mất, giảm, giãn việc làm.
Mặc dù đã có chính sách chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh, nơi ở… để giúp người lao động và trẻ em giảm tối đa khó khăn, lo lắng trong thời gian điều trị bệnh hoặc cách ly y tế do dịch Covid- 19, chính sách lần này hỗ trợ toàn bộ tiền ăn cho họ. Chính phủ hỗ trợ tiền ăn với mức 80.000/ngày/người, thời gian hỗ trợ theo thực tế điều trị nhưng không quá 45 ngày, hỗ trợ khi cách ly không quá 21 ngày.
Riêng với phụ nữ mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người, còn trẻ em từ 0 đến 16 tuổi cũng được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ để các em có thể được mua sắm các vật dụng thiết yếu, sách truyện, đồ chơi… phù hợp nhằm giảm thiểu những thiệt thòi vật chất và sang chấn tinh thần.
Trục lợi chính sách là có tội với dân
- Trải qua 4 đợt dịch, nhiều doanh nghiệp cũng đã “kiệt sức” và không thể chống chịu trước Covid-19. Gói hỗ trợ Chính phủ vừa ban hành “cứu” các đối tượng này bằng cách nào?
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68, Thủ tướng tiếp tục ban hành Quyết định 23 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch. Các chính sách này được coi là “cuộc cách mạng về thủ tục”, là đột phá để người sử dụng lao động tiếp cận nhanh nhất.
Quy trình chỉ còn 4 ngày giải quyết hồ sơ, 3 ngày để tái cấp vốn. Tối đa 7 ngày, tiền hỗ trợ sẽ đến tay người dân
Thứ trưởng Lê Văn Thanh
Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta đơn giản hóa về thủ tục và rút ngắn thời gian như vậy. Trước đây, để trả lương và phục hồi sản xuất, người sử dụng lao động cần tới 4 loại hồ sơ và giải quyết thủ tục trong 1 tháng 10 ngày. Nhưng gói hỗ trợ lần này rút ngắn toàn bộ thời gian, quy trình chỉ còn 4 ngày giải quyết hồ sơ, 3 ngày để tái cấp vốn và chỉ còn một loại hồ sơ duy nhất để tiếp cận.
Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động; được bỏ điều kiện chứng minh về doanh thu hoặc tài chính của doanh nghiệp.
Việc triển khai hỗ trợ tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất trước đây cũng chậm nhưng với Nghị quyết 68, thời gian xét duyệt rút ngắn gấp 5 lần, từ 25 ngày xuống còn 5 ngày. Hồ sơ đơn cũng giản hoá rất nhiều so với trước, từ 3 thành phần hồ sơ còn một; hệ thống mẫu biểu đơn giản, thuận tiện hơn với việc giảm khoảng 50% số thông tin phải kê khai.
- Vì sao ông cho rằng Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng là “cuộc cách mạng về thủ tục”?
Có thể khẳng định đến nay, chưa có gói hỗ trợ nào táo bạo, đặt lợi ích cao nhất vì người lao động, người sử dụng lao động như vậy.
Gói 62.000 tỷ đồng trước đây có những tiêu chí chặt chẽ, nhiều thủ tục, thời gian xem xét có khi phải đợi cả tháng. Nhưng nay, để tạo thuận lợi nhất cho người dân, thời gian được rút ngắn xuống chỉ còn 4 ngày giải quyết hồ sơ và thêm 3 ngày để giải ngân. Tức là khoảng 7 ngày có thể tiền hỗ trợ sẽ đến tay người dân.
Nếu triển khai chậm là có lỗi với dân, để xảy ra tiêu cực hay trục lợi chính sách là có tội với dân
Thứ trưởng Lê Văn Thanh
Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và còn kéo dài. Vì vậy, Chính phủ xác định việc hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn không thể chậm trễ.
Cùng với việc hạn chế người dân đi lại, hạn chế giao thương giữa các vùng miền để ngăn chặn dịch, chúng ta phải bảo đảm được cuộc sống cho người dân, đặc biệt chú trọng hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do và người không có tích lũy, không có thu nhập.
Tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh những cháu bé mặc đồ bảo hộ đi cách ly, những người dân đi cách ly khó khăn phải lo bữa ăn, rồi lao động tự do xếp hàng dài chờ nhận những bữa cơm miễn phí.
Vì thế, chúng tôi quyết tâm triển khai chính sách hiệu quả, không để người dân nào đói cơm, đứt bữa. Người dân đang mong chờ từng ngày gói hỗ trợ này nên nếu triển khai chậm là có lỗi với dân. Cơ quan, địa phương, đơn vị hay cá nhân nào để xảy ra tiêu cực hay trục lợi chính sách cũng là có tội với dân.
Xin cảm ơn ông!