Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Phát biểu tại tổ Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP Hà Nội đồng tình cao với tờ trình dự thảo Luật của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Chính phủ về 2 dự án luật nêu trên.
|
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu tại tổ. |
Cho ý kiến về Luật Cảnh vệ, đại biểu Nguyễn Hải Trung cho biết, qua một số ý kiến ĐBQH thảo luận về việc dự luật đã bổ sung đối tượng, sự kiện, mục tiêu cảnh vệ… đa số đồng thuận rất cao.
Đối tượng của cảnh vệ là bảo vệ các yếu nhân, lãnh tụ là chính. Về lý luận cũng như thực tiễn, yếu nhân là con người thuộc đối tượng bảo vệ đặc biệt. Các sự kiện có yếu nhân, mục tiêu có yếu nhân... yêu cầu đặt ra là đều phải được bảo vệ đặc biệt.
Thực tiễn vừa qua ở một số quốc gia, có cả Thủ tướng bị ám sát cũng đã cho thấy tính phức tạp của việc này, đây là bài học cho thấy nước nào cũng coi đây là công tác đặc biệt quan trọng.
Trường hợp còn một số ĐBQH băn khoăn là việc dự luật đã bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định của Luật Cảnh vệ, tức áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với một số trường hợp đặc biệt. Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, việc giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với một số trường hợp cụ thể là cần thiết và phù hợp.
Thực tế không chỉ nước ta mà ở các nước khác cũng đã áp dụng quy định này rất linh hoạt, nhất là trong đối ngoại, quan hệ quốc tế.
Chẳng hạn, hiện nay, nhiều Tổng thống của các nước tư bản đã tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch Đảng của các nước khác theo nghi lễ quốc gia. Vì yêu cầu chính trị đó nên yêu cầu về đối tượng, trường hợp cảnh vệ cũng phải áp dụng một cách linh hoạt.
“Dĩ bất biến ở đây là các biện pháp cảnh vệ này đã được cụ thể hóa trong luật và thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng. Ứng vạn biến là căn cứ điều kiện, tình hình cụ thể thì Bộ trưởng được quyền quyết định sử dụng một trong số các biện pháp đó” – đại biểu Nguyễn Hải Trung phân tích.
Tiếp tục góp ý về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, dự luật đã bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, nén khí, nén hơi vào nhóm vũ khí quân dụng; trường hợp các loại súng này sử dụng vào mục đích săn bắn được xác định là súng săn. Việc bổ sung quy định này là rất cần thiết.
Trong thực tiễn, súng săn, súng tự chế, súng hơi, trước khi có Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đã cho áp dụng các loại này tương đương vũ khí quân dụng rồi. Khi luật này ra đời lại không cho xác định súng săn, súng tự chế, súng hơi tương đương vũ khí quân dụng.
“Năm 2018, khi tôi làm Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, liên tục xảy ra các vụ mang súng hơi, súng tự chế bắn nhau, trên cả nước cũng như vậy, và không thể xử lý được. Sau đó, ba ngành tư pháp trung ương phải thống nhất ban hành văn bản cho phép quay lại áp dụng các loại này tương đương vũ khí quân dụng, thì lúc đó tình hình mới yên đi” – Trung tướng Nguyễn Hải Trung dẫn ví dụ.
Một nội dung khác là dự thảo luật đã bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ. Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Dự thảo luật cũng quy định vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.
Giám đốc CATP Hà Nội cho hay, ngay ở Hà Nội cũng có nhiều ví dụ điển hình cho thấy sự vướng mắc của quy định hiện hành và cần phải sửa luật, bổ sung quy định nêu trên.
Có nhiều vụ, các đối tượng thanh niên ở các khu vực cửa ngõ Thủ đô, kể cả các tỉnh lân cận, nhiều đối tượng chỉ 15-16 tuổi “rú ga, nẹt pô mang theo dao, kiếm, dao phóng lợn, kéo lê trên đường…" rất khó xử lý, cùng lắm xử tội gây rối trật tự, điều kiện là phải xử phạt vi phạm hành chính rồi.
"Nếu chúng ta bổ sung như dự thảo luật lần này thì sẽ xử lý được tội khác với các đối tượng vi phạm ở độ tuổi đó”, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nói.
Giám đốc công an Hà Nội cho biết thêm, đúng như các ĐBQH đã chỉ ra, việc bổ sung dao vào dự luật này cần giải quyết theo tính năng, động cơ, mục đích.
Chẳng hạn, phải chứng minh được rằng cùng là con dao ấy, nhưng mục đích sử dụng khác nhau. Việc bổ sung quy định này vào luật giúp xử lý được các hành vi, đồng thời cũng có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất lớn. Do đó cần thiết phải bổ sung vào luật.