Gần đây, rất nhiều báo mạng “nóng” với chuyện đưa lời bài hát Ông bà anh của tác giả Lê Thiện Hiếu vào đề thi học kỳ.
Không ít bài báo tán dương, khen ngợi hết lời về đề thi này, chẳng hạn: “Đề thi được nhiều người đánh giá là rất hay, vừa gần gũi vừa nhân văn và sẽ gợi được sự hứng thú của học sinh khi làm bài”; “đề thi hoàn toàn phù hợp và có ý nghĩa thiết thực đối với học sinh lớp 12”; “ca từ bài hát thể hiện giá trị nhân văn, hy vọng học sinh hiểu được tình cảm của thế hệ đi trước để sống nhân văn, không chạy theo vật chất, thế giới ảo”...
Vậy chất lượng thực sự của đề thi này như thế nào? Có nên ra đề theo xu hướng đó không? Việc tán dương quá lời như thế trên báo chí để làm gì?
|
Bài hát Ông bà anh được đưa vào đề kiểm tra học kỳ I dành cho lớp 12 tại một trường THPT ở TP.HCM. |
Trước hết về mặt hứng thú, đề thi này tạo được sự chú ý đối với học sinh, phù hợp với lứa tuổi mới lớn vì đó là lời một bài hát đang hot trong giới trẻ.
Ngữ liệu đề thi là lời một bài hát lạ, hiện đại, hợp gu với tuổi teen hồn nhiên, nhí nhảnh, trẻ trung. Bài hát Ông bà anh đón nhận được sự nhiều sự yêu thích của các bạn trẻ vì điều này.
Nhưng đây là trào lưu âm nhạc, bản chất của nó khác xa với tác phẩm văn học. Bài hát hay, thường hay cả phần nhạc lẫn phần lời, nhưng không có nghĩa phần lời của nó thay thế được lời thơ, lời văn của tác phẩm văn học.
Khách quan mà nói, lời bài hát tuy hồn nhiên, chân thật, mộc mạc nhưng nếu xét về mặt văn học thì đó là những lời rất dễ dãi, yếu tố nghệ thuật rất thấp. Xin được trích vài đoạn:
“Và thời ấy,
Bình dị lắm con ơi!
Chạm tay nhau một giây thôi, là nhớ nhau cả đời
...
Ôi tình yêu!
Thời nay mệt quá ai ơi!
Giận nhau không nói 1 lời chỉ vì không rep inbox thôi
Và em ơi!
Thời nay mệt quá đi thôi!”.
Ông bà anh không phải là bài hát phổ thơ hoặc phỏng thơ. Lời bài hát cũng không có yếu tố thơ thực thụ. Vậy lấy lời bài hát này làm ngữ liệu trong đề thi môn Văn lớp 12 (môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia) rõ ràng là không ổn, nếu không muốn nói là có phần tùy tiện.
Thơ về tình yêu có bao nhiêu bài hay đã được các nhà nghiên cứu, phê bình văn học thẩm định, có bao nhiêu bài hay được sàng lọc qua thời gian, vậy tại sao người ra đề không chọn làm ngữ liệu cho đề thi, việc gì phải “chạy” theo trào lưu hot trên mạng như vậy?
Liên hệ, đưa những vấn đề trong thực tế cuộc sống vào giáo dục nhà trường là cần thiết nhưng phải tùy chỗ, tùy lúc chứ không nên mơ hồ, tùy hứng.
Bao nhiêu tác giả, tác phẩm được chọn lọc trong chương trình THPT nói chung, Văn học 12 nói riêng mà thầy cô đã vất vả truyền đạt đến trò không đáng để đưa vào đề kiểm tra hay sao?
Biết bao nhiêu tác phẩm hay về tình yêu học trò (trong và ngoài chương trình) như Tôi yêu em (Puskin), Bài thơ số 28 (Ta-go), Sóng (Xuân Quỳnh), Biển (Xuân Diệu), Chút tình đầu (Đỗ Trung Quân), Hoa sữa (Nguyễn Phan Hách)... không đủ để ra hàng trăm đề kiểm tra hay sao mà phải chạy theo những trào lưu ngắn hạn như vậy?
Những đề thi chạy theo trào lưu hot trên mạng không phải bây giờ mới có. Trước đây từng có rất nhiều đề thi học kỳ đã đưa hình ảnh Bà Tưng, Lệ Rơi, Sơn Tùng M-TP ngậm kẹo, soái ca, Hậu duệ mặt trời... để làm cho đề thi nóng, lạ. Nhiều bài báo theo đó cũng “sốt” theo, tán dương ca ngợi hết lời.
Ra đề thi chạy theo trào lưu hot trên mạng, học sinh thích đấy, hấp dẫn đấy, nhiều người khen hay đấy. Nhưng than ôi, “Rằng hay cũng thật là hay/ Xem ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”.