Đồng bào bảo vệ đường biên như bảo vệ bờ rào nhà mình

Google News

“Đồng bào mình bảo vệ đường biên như bảo vệ bờ rào nhà mình ấy. Tôi và bà con thuộc từng cột mốc, đoạn đường biên giới”.

Đường biên, cột mốc là nhà
Một ngày như thường lệ, các thành viên của Tổ tự quản đường biên, cột mốc thôn Đồng Cậm họp nhau ở nhà trưởng thôn để trao đổi bàn bạc với nhau về tình hình đường biên, cột mốc do tổ mình đảm nhận. Do đã quen thuộc với các hoạt động này, nên buổi họp diễn ra rất nhanh, gọn. Theo ông Hoàng Ngọc Hoa, ngày trước, bà con ở biên giới chưa có hiểu biết về đường biên giới trên đất liền, cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ cột mốc, đường biên nên thường xuyên vi phạm quy chế biên giới như xâm canh, xâm cư, vượt biên trái phép… Đến năm 2008, cán bộ biên phòng đến từng gia đình có đất trồng trọt ngay sát đường biên giới để tuyên truyền, vận động bà con tham gia vào Tổ tự quản đường biên, cột mốc, khi đó mọi người mới hiểu được và có ý thức tham gia bảo vệ.
Dong bao bao ve duong bien nhu bao ve bo rao nha minh
Ông Hoàng Ngọc Hoa – Bí thư chi bộ thôn Đồng Cậm (giữa) tích cực trao đổi thông tin với cán bộ Đồn Biên phòng Hoành Mô. Ảnh: San Nguyễn 
“Đến nay, hầu hết mọi người trong buôn đều thuộc các đường biên, cột mốc mình tham gia bảo vệ. Ở đây giờ không còn trường hợp nào vượt biên trái phép. Mỗi khi có việc phải đi qua bên kia biên giới, bà con đều đến UBND xã để xin giấy thông hành. Trước đây thì không thế đâu, vì giáp biên với nhau, đi có tí là qua nước bạn. Ai lại quay ngược lại UBND xã làm giấy tờ gì cho mất công. Nhưng được cán bộ giải thích, tuyên truyền, bà con mình cũng hiểu ra, chấp hành đúng theo quy định của Nhà nước” - ông Hoa chia sẻ.
Thôn Đồng Cậm có 126 hộ dân gồm 3 dân tộc là Kinh, Sán Chỉ, Tày. Tổ tự quản đường biên, cột mốc có sự tham gia của 50 người. Các thành viên trong nhóm đều hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Từ ngày Tổ tự quản đi vào hoạt động, trên địa bàn thôn không xảy ra vụ trộm cắp, hay mâu thuẫn nào. Tất cả những hành vi vi phạm nào đều được người dân thông tin ngay cho các chiến sĩ, cán bộ Đồn Biên phòng Hoành Mô.
Kết nghĩa bản nối bản
Là xã vùng cao, biên giới của huyện Bình Liêu, Hoành Mô có trên 20km đường biên, với 24 cột mốc giáp nước bạn Trung Quốc. Theo thiếu tá Diệp Mạnh Hảo – Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hoành Mô, dù đời sống của người dân trong xã còn gặp nhiều khó khăn, đường sá đi lại không thuận tiện, mật độ dân cư sống rải rác. Nhưng phong trào quần chúng bảo vệ đường biên, cột mốc và an ninh trật tự khu vực biên giới trên địa bàn đơn vị phụ trách luôn phát triển mạnh mẽ nên khu vực biên giới luôn ổn định. Dưới sự chủ trì của chỉ huy đơn vị, các Tổ tự quản đường biên, cột mốc luôn có sự hợp đồng chặt chẽ với nhau.
Chúng tôi mong được Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa vì đời sống của bà con vẫn còn rất nhiều khó khăn. Chúng tôi mong có chính sách riêng dành cho những người tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc”.
Ông Hoàng Ngọc Hoa – Bí thư Chi bộ thôn Đồng Cậm
Tại xã biên giới, Đồn Biên phòng Hoành Mô quản lý đã xây dựng được 5 tổ tự quản đường biên, cột mốc, 70 hộ gia đình tham gia tự quản đường biên cột mốc, 22 hộ tham gia tự quản an ninh và trật tự thôn, bản.
Đến nay, trên địa bàn xã Hoành Mô đã xây dựng được nhiều mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới của 2 thôn Đồng Cậm, Pạc Chè với bản Khuôn Măn, Trung Quốc.
“Tổ tự quản đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự ở các thôn, bản biên giới” và kết nghĩa bản nối bản đã giúp cho nhận thức về bảo vệ đường biên, cột mốc của đồng bào sinh sống trong các thôn, bản biên phòng được nâng lên. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã nhận được hàng chục tin báo tố giác tội phạm của đồng bào có giá trị. Riêng cuối tháng 10 vừa qua, thông qua tin báo tố giác, đơn vị đã kịp thời phối hợp bắt giữ các đối tượng có ý định vận chuyển trái phép xe máy không rõ nguồn gốc qua biên giới sang Trung Quốc…” – thiếu tá Diệp cho hay.
Theo San Nguyễn/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)